Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 26-12-2022 2:17pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trương Thanh Ngọc – IVFMD PN
 
Tỷ lệ các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi tình trạng vô sinh, hiếm muộn là gần như tương tự ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tỷ lệ có can thiệp công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) vẫn có sự khác biệt đáng kể. Một số ý kiến cho rằng sự chênh lệch này xuất phát từ điều kiện kinh tế và hoàn cảnh xã hội, và vì vậy, hiện nay có rất ít các báo cáo liên quan đến tình hình can thiệp hỗ trợ sinh sản vì lý do y tế (Medically assisted reproduction - MAR) ở cấp độ quốc gia mà trong đó bao gồm thông tin về nhân khẩu học của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Để ban hành một chính sách chăm sóc sức khoẻ sinh sản hiệu quả và kịp thời, điều quan trọng là phải thiết lập được bức tranh tổng thể và xác định được phần đóng góp của MAR (bao gồm can thiệp công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) và kích thích buồng trứng (OI) có hoặc không có bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)) lên tình hình dân số chung. Thêm vào đó, theo dữ liệu của Banker, Wyns và  cộng sự cập nhật vào 2021, có gần 3 triệu chu kỳ ART được thực hiện mỗi năm trên toàn thế giới, có không ít các câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề sức khoẻ của trẻ sinh ở các cặp vợ chồng có can thiệp MAR là có khác biệt không so với trẻ sinh bình thường, và nếu có thì khác biệt là do di truyền hay có liên quan đến các yếu tố nhân khẩu học của bố mẹ.
 
Úc là quốc gia có hỗ trợ chi phí đối với tất cả các can thiệp MAR bất kể độ tuổi của bố mẹ, và vì vậy, cung cấp một cơ sở dữ liệu thống nhất để tìm hiểu sự đóng góp của MAR lên số lượng trẻ sinh trên toàn quốc cũng như phục vụ cho công tác điều tra đặc điểm nhân khẩu học của các bậc cha mẹ. Đây là một nghiên cứu đoàn hệ từ lúc sinh (novel birth cohort study) với dữ liệu từ Hiệp hội HTSS và Bộ y tế của Úc trên 898.084 trẻ sinh từ 606.488 bà mẹ sinh sống ở bang New South Wales và các vùng lãnh thổ thuộc Thủ đô của Úc (ACT) từ 2009–2017. Đối tượng của nghiên cứu là trẻ sinh sống hoặc trẻ sinh từ thai lưu (có ít nhất 1 bé nặng từ 400g hoặc từ 20 tuần tuổi trở lên). Và trong phân tích, đa thai được xem như đơn thai. Nhóm tác giả đã tính toán tỷ lệ hiện hành của các ca sinh có can thiệp hỗ trợ sinh sản vì lý do y tế (MAR). Các phương pháp xác suất thống kê được sử dụng để xác đinh mối liên hệ giữa đặc điểm của cha mẹ (tuổi của cha mẹ, tình trạng kinh tế xã hội, quê hương và nơi ở hiện tại của mẹ, tiền sử bệnh, tình trạng sử dụng thuốc lá, v.v.) và số trẻ sinh từ ART hoặc từ OI/IUI để thụ thai so với trẻ sinh từ các cặp vợ chồng bình thường.
 
Kết quả chính cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh sau MAR tăng từ 5,1% vào năm 2009 lên 6,7% trên tổng số ca sinh ở năm 2017, đại diện cho mức tăng 30% trong thập kỷ qua. Tỷ lệ các ca sinh có OI/IUI duy trì ổn định ở mức khoảng 2% và chiếm 32% trong tổng số ca sinh sau MAR. Trong 9 năm thực hiện nghiên cứu, đã có những thay đổi đáng kể ở tỷ lệ trẻ sinh sau chuyển phôi trữ (FET) -tăng gần gấp 3 lần, và các ca sinh sau OI/IUI sử dụng clomiphene citrate giảm 39% so với việc dùng letrozole vốn đã tăng đến 56 lần. Nhìn chung, trong suốt khoảng thời gian diễn ra nghiên cứu, số ca sinh có can thiệp ART đã tăng lên đến 55% và từ đó, nâng tỷ lệ trẻ sinh có mẹ từ 40 tuổi lên 56%. Điều này phản ánh xu hướng sinh con trong xã hội hiện nay có phần muộn hơn và do đó nhu cầu điều trị vô sinh hiếm muộn do yếu tố tuổi tác tăng cao. Riêng vào năm 2017, có gần một phần sáu trường hợp trẻ sinh ra (khoảng 17,6%) từ mẹ có độ tuổi từ 40 trở lên được thụ thai bằng ART. Ngược lại, tỷ lệ trẻ sinh sau OI/IUI gần như tương tự nhau ở các nhóm tuổi mẹ và vẫn duy trì ổn định trong cùng khoảng thời gian. Thêm vào đó, bố mẹ của những trẻ sinh ra nhờ can thiệp ART có xu hướng có điều kiện kinh tế - vị thế xã hội tốt hơn so với trẻ được thụ thai tự nhiên. Cụ thể, những trẻ sinh tự nhiên có nhiều khả năng (>16%) có mẹ sống ở các vùng khó khăn (tỷ số nguy cơ đã hiệu chỉnh (aRR): 0,84 [KTC 95%: 0,81–0,88]). Thật vậy, có thể nói ART hiện đang là một trong những can thiệp y tế chủ đạo trong lĩnh vực HTSS, khả năng tiếp cận điều trị phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chi trả của bệnh nhân, và phần lớn phụ thuộc vào bảo hiểm công hoặc bên thứ ba do vấn đề chi phí. Mặt khác, có cùng kết quả với dữ liệu báo cáo của Canada, phân tích này không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng nào giữa tỷ lệ trẻ sinh được thụ thai bằng OI/IUI và tình trạng kinh tế xã hội hoặc điều kiện tiếp cận điều trị của bậc cha mẹ.
 
Bên cạnh đó, nhóm tác giả ghi nhận ở nhóm trẻ sinh được thụ thai bằng ART hoặc OI/IUI có ít khả năng được sinh ra từ những người nhập cư (<25%) hơn so với nhóm còn lại (aRR: 0,75 [0,74–0,77]). Những trẻ OI/IUI có nhiều khả năng có mẹ đến từ Bắc Phi hoặc Trung Đông hơn là ở Úc. Điều này có thể bắt nguồn từ tỷ lệ vô sinh nữ ở những khu vực này tương đối cao, đặc biệt là vô sinh do Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Thêm vào đó, nếu không xét đến tình trạng kinh tế xã hội thì các nguyên nhân liên quan đến chuẩn mực văn hoá tại đất nước mẹ đẻ có thể lý giải cho số ít các trẻ sinh sau MAR được ghi nhận ở nhóm các bà mẹ nhập cư hơn. Ngoài ra, kết quả còn ghi nhận số ca sinh sau MAR - đặc biệt ở nhóm OI/IUI, có nhiều khả năng được sinh ra từ mẹ với tiền sử tiểu đường cao hơn từ 1,5–5,0 lần so với nhóm chứng. Điều này có thể liên quan đến tình trạng kháng insulin ở các bà mẹ PCOS. Thật vậy, dữ liệu cho thấy có 21% các ca sinh thụ thai bằng OI/IUI được sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh tiểu đường. Hơn nữa, số ca sinh sau can thiệp OI/IUI chiếm phần lớn ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi (<30 tuổi) so với nhóm có can thiệp ART (30,8% với 9,4%). Từ đó, nhóm tác giả lập luận rằng nguyên nhân vô sinh ở nhóm phụ nữ có con nhờ can thiệp OI/IUI có thể liên quan đến PCOS.
 
Tóm lại, nghiên cứu này mô tả một cách có hệ thống các xu hướng hiện hành về tỷ lệ trẻ sinh từ các cặp vợ chồng hiếm muộn có can thiệp HTSS vì lý do y tế giữa hai khu vực khác nhau trên nước Úc. Với điểm mạnh là dữ liệu lớn và thống nhất từ một nguồn, nhóm tác giả đã góp phần cung cấp một cái nhìn khái quát về sự phân bố của các loại hình MAR lên biểu đồ dân số chung ở một đất nước có thu nhập cao. Các đặc điểm nhân khẩu học của bố mẹ những đứa trẻ thụ thai bằng MAR có khác biệt với nhóm thụ thai tự nhiên và điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét đến khía cạnh này trong các nghiên cứu điều tra sức khỏe và sự phát triển của những trẻ sinh sau MAR. Tuy nhiên, nghiên cứu còn mắc phải hạn chế do dữ liệu về tình trạng kinh tế xã hội được khảo sát là ở cấp độ khu vực thay vì ở cấp độ cấp độ cá nhân và vì vậy không phản ánh trực tiếp được tác động của giáo dục lên quyết định lựa chọn ART để điều trị HTSS.
 
TLTK
Choi, S. K., Venetis, C., Ledger, W., Havard, A., Harris, K., Norman, R. J., ... & Chambers, G. M. (2022). Population-wide contribution of medically assisted reproductive technologies to overall births in Australia: temporal trends and parental characteristics. Human Reproduction, 37(5), 1047-1058.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK