Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 24-12-2022 8:16am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Viêm nội mạc tử cung mãn tính (CE) là một bệnh lý mãn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm dai dẳng của nội mạc tử cung. CE thường không có triệu chứng hoặc chỉ thể hiện những rối loạn lâm sàng mức độ nhẹ như chảy máu tử cung bất thường, đau vùng chậu, đau khi giao hợp và ra huyết trắng trong thời gian dài. Do đó, các dấu hiệu phụ khoa không rõ ràng này dễ dàng bị bỏ qua trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, dưới nội soi buồng tử cung, những dấu hiệu như đa polyp nhỏ ở nội mạc tử cung (đường kính 1–2 mm), phù nề niêm mạc cũng như sung huyết nội mạc tử cung sẽ giúp ích cho việc chẩn đoán CE. Hiện tại, không có định nghĩa tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn chẩn đoán nào được thiết lập cho CE. Việc sử dụng phương pháp mô học nhằm phát hiện sự xâm nhập của tương bào (plasmacyte) vào chất nền nội mạc tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán CE. Tương bào là những tế bào phát triển và biệt hóa từ tế bào lympho B và là nơi sản xuất ra kháng thể miễn dịch. Syndecan-1 (CD138) là một proteoglycan xuyên màng tồn tại trên bề mặt tương bào và được sử dụng như một dấu ấn cho sự có mặt của tương bào để chẩn đoán hóa mô miễn dịch của CE. So với nội soi buồng tử cung, nhuộm hóa mô miễn dịch (IHC) CD138 có một số ưu điểm, chẳng hạn như độ chính xác và độ nhạy chẩn đoán cao hơn, giảm tình trạng âm tính giả. Do đó, không thể thay thế vai trò chẩn đoán hóa mô miễn dịch của CE bằng nội soi buồng tử cung tại phòng khám, mặc dù nội soi buồng tử cung tại phòng khám được coi là có giá trị để định hướng vị trí sinh thiết cụ thể để chẩn đoán CE. Tuy nhiên, giá trị ngưỡng cho chẩn đoán CE bằng hóa mô miễn dịch thường khác nhau giữa các nghiên cứu. Một số ý kiến cho rằng CE được xác định khi phát hiện >5 CD138+ trên 1 vi trường độ phóng đại lớn (CD138+/HPF). Những nghiên cứa khác lại lấy giá trị 1 CD138+/HPF là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định CE. 
 
Về phương pháp điều trị, bệnh nhân CE sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh. Theo một số nghiên cứu, sử dụng kháng sinh đường uống là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để phục hồi khả năng sinh sản. Trong đó, doxycycline là liệu pháp điều trị đầu tay vì phổ kháng khuẩn rộng và metronidazole/ciprofloxacin là liệu trình điều trị kháng sinh thứ hai. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mang thai ở những phụ nữ được điều trị bằng kháng sinh cao hơn so với những phụ nữ không được điều trị, nhưng tỉ lệ mang thai thấp hơn lại được báo cáo ở những người mang vi khuẩn kháng doxycycline. Tuy nhiên theo nhóm tác giả, cho đến nay vẫn không có nghiên cứu nào đánh giá việc liệu điều trị bằng kháng sinh có cải thiện kết quả mang thai ở phụ nữ vô sinh có từ 1–4 CD138+/HPF hay không. Ngoài ra, không có nghiên cứu tập trung vào kết quả mang thai ở phụ nữ mắc CE kháng điều trị bằng cả doxycycline và metronidazole/ciprofloxacin. Do đó, nghiên cứu này đã được tiến hành nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của kháng sinh trong việc cải thiện kết quả mang thai ở phụ nữ vô sinh mắc CE có 1–4 CD138+/HPF và tác động của tình trạng CE dai dẳng (PCE) sau 2 đợt điều trị bằng kháng sinh đối với kết quả mang thai trong các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trên 640 phụ nữ. Trong số đó, có 88 phụ nữ có số lượng tế bào CD138+ trên mỗi vi trường có độ phóng đại cao (CD138+/HPF) trong nội mạc tử cung ở lần đánh giá đầu tiên là 0; 315 phụ nữ có 1–4 CD138+/HPF và 237 người còn lại có ≥5 CD138+/HPF. Cuối cùng, 26 trong số 237 phụ nữ được chẩn đoán gặp phải tình trạng PCE.
 
Các bệnh nhân mắc CD138+/HPF ≥5 đều được chỉ định ít nhất 1 đợt điều trị bằng kháng sinh đường uống. Đối với đợt điều trị đầu tiên, doxycycline đã được sử dụng. Nếu quan sát thấy CD138+/HPF vẫn ≥5 trong các mẫu sinh thiết nội mạc tử cung tiếp theo, levofloxacin lactate và metronidazole được kê đơn trong 14 ngày tiếp theo. Nếu CD138+/HPF ≥ 5 lại được quan sát thấy trong nội mạc tử cung sau 2 đợt điều trị bằng kháng sinh, thì PCE được chẩn đoán và liệu pháp điều trị phối hợp levofloxacin lactate và metronidazole trong 14 ngày sẽ được chỉ định trong đợt điều trị thứ ba. Chuyển phôi trữ được thực hiện ở cả giai đoạn phôi phân chia và phôi nang, một hoặc 2 phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung dựa vào tuổi mẹ và chất lượng phôi. Tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ sinh sống, tỉ lệ sẩy thai sớm và tỉ lệ sinh sống tích lũy được đánh giá hồi cứu.
 
Kết quả chính
  • Không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về kết quả mang thai giữa những phụ nữ có CD138+/HPF = 0 và những phụ nữ có CD138+/HPF từ 1–4.
  • Tỉ lệ khỏi bệnh là 89,0% ở phụ nữ mắc CD138+/HPF ≥5 sau khi điều trị. Tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống, tỉ lệ sẩy thai và tỉ lệ sinh sống tích lũy giữa nhóm CD138+/HPF ≥5 đã trải qua 1 hoặc 2 lần điều trị bằng kháng sinh không khác biệt so với nhóm phụ nữ có CD138+/HPF từ 1–4.
  • Tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ sinh sống tích lũy ở phụ nữ có CD138+/HPF ≤ 4 đều cao hơn đáng kể ở phụ nữ có PCE.
 
Kết luận
Các phát hiện từ phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch khi CD138+/HPF ≤ 4 trong nội mạc tử cung không có tác động tiêu cực đến kết quả mang thai. Điều trị bằng kháng sinh là một cách hiệu quả để cải thiện kết quả sinh sản của phụ nữ mắc CE có CD138+/HPF ≥ 5. Hơn nữa, tình trạng PCE khi CD138+/HPF ≥5 vẫn được tìm thấy sau 2 đợt điều trị bằng kháng sinh có liên quan đến việc giảm đáng kể kết quả mang thai trong các chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo. Cuối cùng, các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nên được tiến hành trong tương lai để khẳng định và đánh giá lại các kết quả trong nghiên cứu trên.
 
Nguồn: Xiong Y, Chen Q, Chen C, Tan J, Wang Z, Gu F, Xu Y. Impact of oral antibiotic treatment for chronic endometritis on pregnancy outcomes in the following frozen-thawed embryo transfer cycles of infertile women: a cohort study of 640 embryo transfer cycles. Fertility and Sterility. 2021 Aug 1;116(2):413-21.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK