Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 24-12-2022 8:20am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Chất lượng và số lượng phôi được chuyển có ý nghĩa rất lớn đến kết quả lâm sàng của các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Với cùng số lượng phôi được chuyển, phôi chất lượng tốt (good-quality embryo - GQE) mang lại tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống cao hơn so với phôi chất lượng kém (poor-quality embryo - PQE). Thông thường, việc chuyển hai phôi và chuyển GQE sẽ được ưu tiên để đạt được tỉ lệ mang thai cao hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ có một GQE và các phôi còn lại có chất lượng kém hơn thì vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc nên chuyển một GQE duy nhất hay nên thêm một PQE. Cho đến nay, việc PQE có làm ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của GQE khi được chuyển cùng nhau hay không vẫn chưa được khẳng định. Bằng chứng từ các phôi được nuôi cấy trong ống nghiệm cho thấy rằng một số yếu tố tăng trưởng do các phôi tiết có thể làm trung gian cho sự tương tác giữa các phôi tiền làm tổ trong ống nghiệm và sự tương tác này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của phôi. Mặc khác, nội mạc tử cung được xem là một cảm biến chất lượng phôi và có thể phân biệt các tín hiệu từ các phôi có chất lượng khác nhau. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng phôi và nội mạc tử cung có sự giao tiếp với nhau và nội mạc tử cung sẽ thay đổi khi có sự hiện diện của phôi bất thường. Việc chuyển GQE cùng với PQE có khả năng gửi những tín hiệu bất thường đến nội mạc tử cung, dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi cho cơ hội làm tổ của cả hai phôi. Ngoài tỉ lệ mang thai, tỉ lệ đa thai khi chuyển hai phôi cũng cần được xem xét. Chuyển hai phôi thường gây đa thai, dẫn đến tỉ lệ biến chứng ở mẹ và kết quả chu sinh cao hơn. Một cuộc tìm kiếm rộng rãi các cơ sở dữ liệu điện tử chính bao gồm cơ sở dữ liệu PubMed, Embase và Cochrane, cho thấy không có phân tích gộp nào tập trung vào tác động của việc chuyển PQE thứ hai trong các chu kỳ IVF/ICSI. Do đó, trong nghiên cứu này, một tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã được thực hiện để đánh giá các tác động của việc chuyển PQE cùng với GQE, so với việc chuyển GQE đơn lẻ. Thông tin này sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng tư vấn cho bệnh nhân của họ về nguy cơ đa thai và cơ hội mang thai thành công. Nó cũng sẽ giúp giảm tỉ lệ đa thai mà không ảnh hưởng đến tỉ lệ thai lâm sàng trong IVF.
 
Phương pháp
Đây là tổng quan hệ thống và phân tích gộp được thực hiện trên các nghiên cứu so sánh chuyển đơn GQE với chuyển hai phôi GQE và PQE. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ ba cơ sở dữ liệu điện tử chính (PubMed, Embase và Thư viện Cochrane). Thang đánh giá chất lượng Newcastle–Ottawa được sử dụng để đánh giá chất lượng nghiên cứu trước khi đưa vào phân tích. Phân tích gộp hiệu ứng ngẫu nhiên được thực hiện trên tất cả dữ liệu để phân tích tổng thể. Các phân tích phân nhóm cũng được thực hiện trên phôi tươi giai đoạn phân chia và giai đoạn phôi nang, phôi nang đông lạnh và các phôi có cùng tiêu chí đánh giá chất lượng phôi nang.
 
Tiêu chí nhận của nghiên cứu bao gồm các bài toàn văn và tóm tắt so sánh chuyển đơn GQE với chuyển hai phôi GQE và PQE. Kết quả của các nghiên cứu được nhận cần báo cáo ít nhất một trong các kết quả lâm sàng sau: tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống, tỉ lệ đa thai và tỉ lệ đa sinh (MBR) sau chuyển phôi. Tiêu chí loại trừ bao gồm các nghiên cứu liên quan đến xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, chu kỳ hiến noãn, nghiên cứu trên động vật, báo cáo ca bệnh, bình luận, đánh giá và bài xã luận. Các nghiên cứu không đề cập đến loại phôi được chuyển và chỉ cung cấp tỉ lệ phần trăm kết quả, thay vì giá trị tuyệt đối của từng nhóm cũng bị loại trừ.  
 
Kết quả chính
Tổng cộng có 17 nghiên cứu với 17612 chu kỳ chuyển GQE và 6431 chu kỳ chuyển GQE + PQE được đưa vào phân tích gộp. Không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy ở tỉ lệ thai lâm sàng (nguy cơ tương đối [RR] = 1,02; KTC 95%, 0,91–1,14) và tỉ lệ sinh sống (RR = 0,96; KTC 95%, 0,87–1,07) giữa chuyển phôi GQE + PQE và chuyển phôi GQE. Việc chuyển GQE + PQE làm tăng tỉ lệ đa thai (RR = 0,14; KTC 95%, 0,09–0,20) và tỉ lệ đa sinh (RR = 0,08; KTC 95%, 0,06–0,12), khi so sánh với các bệnh nhân trải qua chu kỳ chuyển GQE duy nhất. Các phân tích phân nhóm theo loại phôi để chuyển và tiêu chí đánh giá chất lượng phôi nang cho thấy xu hướng tương tự giữa các phân nhóm.
 
Kết luận
Chuyển phôi GQE + PQE không dẫn đến tăng hoặc giảm tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống khi so sánh với chuyển đơn GQE nhưng dẫn đến tỉ lệ đa thai và tỉ lệ đa sinh cao hơn. Theo nhóm tác giả, tổng quan hệ thống này là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra tác động của việc chuyển PQE cùng với GQE so với một GQE duy nhất đối với kết quả của các chu kỳ chuyển phôi tươi và đông lạnh. Ngoài ra, đây là nghiên cứu có số lượng bệnh nhân lớn, 17612 chu kỳ chuyển GQE và 6431 chu kỳ chuyển GQE + PQE, bao gồm 17 nghiên cứu. Việc so sánh được thực hiện không chỉ về kết quả tổng thể mà còn theo các loại phôi được chuyển khác nhau và tiêu chí đánh giá chất lượng phôi. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu dự định sẽ tiến hành các phân tích phân nhóm dựa trên tuổi của người mẹ để xác định xem các phân tích trên có dẫn đến các kết luận khác nhau do phân tầng tuổi hay không.
 
Nguồn: Xiao Y, Wang X, Gui T, Tao T, Xiong W. Transfer of a poor-quality along with a good-quality embryo on in vitro fertilization/intracytoplasmic sperm injection-embryo transfer clinical outcomes: a systematic review and meta-analysis. Fertility and Sterility. 2022 Oct 14.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK