Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 26-12-2022 2:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Duy Tùng – IVFMD Tân Bình
 
Hiện nay, vô sinh hiếm muộn ảnh hưởng đến 10-15% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, gây nhiều ảnh hưởng về xã hội cũng như sức khoẻ tinh thần của bệnh nhân. Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (intrauterine insemination - IUI) là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và thường là lựa chọn đầu tiên cho các cặp vợ chồng vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc do yếu tố nam nhẹ. Các yếu tố nền của bệnh nhân như độ tuổi, chẩn đoán vô sinh, chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI), chất lượng tinh trùng có thể ảnh hưởng đến kết quả thai trong các chu kỳ IUI. BMI là một trong những yếu tố gây tranh cãi về ảnh hưởng của nó đến hiệu quả điều trị bằng IUI. Trong khi một số nghiên cứu cho rằng chỉ số BMI cao được cho là nguyên nhân gây giảm đáp ứng kích thích buồng trứng và từ đó giảm tỷ lệ có thai, một số khác không nhận thấy ảnh hưởng của BMI đến kết quả IUI. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác giả nhận thấy chỉ số BMI thấp ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị IUI. Sự thiếu thống nhất trong các kết quả nghiên cứu này khiến việc tìm giá trị ngưỡng cho BMI để tiên lượng kết quả IUI gặp khó khăn, chưa nói đến các tiêu chuẩn nhận của các nghiên cứu này thiếu vắng nhóm bệnh nhân có BMI thấp hoặc bình thường do số lượng quá ít. Những kết quả như vậy khiến chỉ số BMI thường bị bỏ qua khi cân nhắc điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là nhóm bệnh nhân châu Á, vốn có chỉ số BMI thấp hoặc bình thường chiếm đa số. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá chỉ số BMI đến kết quả IUI tại Trung Quốc, tập trung vào tỷ lệ trẻ sinh sống cũng như trẻ sinh sống cộng dồn.
 
Hồi cứu được thực hiện trên những bệnh nhân thực hiện IUI từ 2015 đến 2020, bệnh nhân được khám sàng lọc hiếm muộn và tất cả bệnh nhân nữ có ít nhất 1 bên ống dẫn trứng không bị tắc và tất cả bệnh nhân nam có số lượng tinh trùng di động trước khi lọc rửa trên 1.000.000 tinh trùng được nhận vào nghiên cứu. Bệnh nhân tắc hai ống dẫn trứng, có bệnh lý về tử cung và số chu kỳ điều trị nhiều hơn 4 lần không được tính đến trong nghiên cứu. Bệnh nhân được chia thành 4 nhóm BMI theo hướng dẫn của WHO: nhẹ cân (< 18,5 kg/m2), bình thường (18,5–24,9 kg/ m2) và thừa cân (25,0–29,9 kg/ m2). Bệnh nhân có BMI > 30,0 kg/ m2 được tư vấn giảm cân trước khi điều trị và nhóm cũng không phân tích những trường hợp này.
 
Bệnh nhân sẽ được theo dõi chu kỳ tự nhiên hoặc kích thích buồng trứng nhẹ. Bệnh nhân thực hiện kích thích buồng trứng sẽ được theo dõi và điều chỉnh liều lượng hormone tuỳ theo đáp ứng của bệnh nhân. Sự phát triển của nang noãn được theo dõi bằng siêu âm và bệnh nhân sẽ được tiêm mũi kích thích trưởng thành noãn khi kích thước nang vượt trội đạt ít nhất 18mm. IUI sẽ được thực hiện sau 32-36 giờ sau khi tiêm mũi trưởng thành noãn hoặc sau 24 giờ khi xuất hiện đỉnh LH đối với chu kỳ tự nhiên. Chu kỳ sẽ bị huỷ nếu có nhiều hơn 3 nang phát triển ≥ 14mm để giảm nguy cơ đa thai. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ hoàng thể trong 2 tuần và được thử beta hCG sau đó.
Kết quả nghiên cứu được rút ra từ 13.745 chu kỳ IUI của 6407 bệnh nhân. Trong số này có 4769 chu kỳ tự nhiên và 8976 chu kỳ có kích thích buồng trứng. Trong đó, 2220 (16,15%) bệnh nhân thuộc nhóm nhẹ cân, 1756 (12,78%) thuộc nhóm thừa cân, còn lại 71,07% thuộc nhóm cân nặng bình thường. Nhóm nhận thấy bệnh nhân BMI thừa cân có tỷ lệ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cao hơn các nhóm khác. Ngược lại nhóm nhẹ cân có tỷ lệ lạc nội mạc tử cung cao hơn các nhóm còn lại. Nhóm thừa cân cũng có thời gian vô sinh dài hơn so với nhóm nhẹ cân, đặc biệt là nhóm có BMI dưới 18,5 kg/ m2. Sau khi phân tích dữ liệu, nhóm thu được một số kết quả đáng chú ý sau:
  • Sau 4 chu kỳ IUI, tỷ lệ thai cộng dồn là 25,92% (khoảng tin cậy 95%: 24,9-27,0), tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn là 21,59% (khoảng tin cậy 95%: 20,6-22,6).
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống lần lượt ở các nhóm nhẹ cân, bình thường và thừa cân tương ứng là 17,17% (khoảng tin cậy 95%: 14,9-19,5), 21,61% (khoảng tin cậy 95%: 20,4-22,8) và 26,58% (khoảng tin cậy 95%: 23,7-29,6). Những tỷ lệ này mang khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,001.
  • Sau khi điều chỉnh các yếu tố ảnh hướng, nhóm nhận thấy BMI thấp làm giảm tỷ lệ trẻ sinh sống (tỷ lệ điều chỉnh 0,79, khoảng tin cậy 95%: 0,66-0,95). Ngược lại nhóm thừa cân có tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn đáng kể (tỷ lệ điều chỉnh 1,21, khoảng tin cậy 95%: 1,03-1,42).
  • Các yếu tố có ảnh hưởng đến hồi quy đa biến được xác định bao gồm tuổi mẹ, nồng độ FSH cơ sở, nồng độ LH cơ sở, kích thích buồng trứng, thời gian vô sinh, kích thước nang vượt trội và độ dày nội mạc tử cung.
  • So với chu kỳ tự nhiên, các chu kỳ kích thích buồng trứng cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn 1,31 lần (khoảng tin cậy 95%: 1,12-1,54) khi sử dụng thuốc đường uống và 2,02 lần (khoảng tin cậy 95%:1,71-2,38) khi sử dụng gonadotropin dạng tiêm (p<0,01).
 
Qua các số liệu thu được, nhóm nhận thấy phụ nữ nhẹ cân có tỷ lệ thành công thấp hơn so với nhóm phụ nữ có cân nặng bình thường trong các chu kỳ điều trị IUI, trong khi đó nhóm phụ nữ thừa cân có tỷ lệ thành công cao nhất. Điều này có thể cho thấy tỷ lệ thành công của IUI tỷ lệ thuận với BMI của bệnh nhân. Dù vậy, kết quả của nghiên cứu cũng còn nhiều tranh cãi với các nghiên cứu trước đây. Mặc dù không thể kết luận BMI là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, nhưng BMI cũng được cho là có nhiều ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Cụ thể, việc thừa cân có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể và từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của nang noãn. Nhưng theo nghiên cứu của Souter (2011), BMI cao có liên quan đến cải thiện độ dày nội mạc tử cung và có nhiều yếu tố có lợi cho việc chấp nhận phôi làm tổ nếu được hỗ trợ điều trị y tế đúng cách. Trong nghiên cứu này, nhóm nhận thấy không có mối liên quan giữa BMI và hỗ trợ bằng thuốc trong quá trình điều trị khi phân tích đa biến, điều đó có thể gợi ý cho việc BMI đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nhận của nội mạc tử cung. Tuy nhiên, hồi cứu vẫn mang nhiều hạn chế về việc lựa chọn bệnh nhân vào các nhóm nghiên cứu, chưa kể đến việc phân bổ không đồng đều giữa chu kỳ tự nhiên trong các nhóm BMI khác nhau cũng như việc loại bỏ những bệnh nhân có BMI cao ra khỏi nghiên cứu có thể không phản ánh đúng tỷ lệ thuận giữa BMI và tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống.
  
Nguồn: Zheng J, Cai J, Liu L, Guo Y, Sun J, Ren J. Low BMI is associated with poor IUI outcomes: a retrospective study in 13,745 cycles [published online ahead of print, 2022 Nov 21]. J Assist Reprod Genet. 2022;10.1007/s10815-022-02658-y. doi:10.1007/s10815-022-02658-y

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK