Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 27-12-2022 8:52am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Nguyễn Quỳnh Như -Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột

Thừa cân, béo phì đang trở thành vấn nạn đáng báo động ở các nước phát triển và đang phát triển. Tỷ lệ phụ nữ thừa cân và béo phì tăng từ 29,8% năm 1980 lên 38,0% năm 2013. Những phụ nữ thừa cân, béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ sinh sản, bao gồm dậy thì, mang thai và sinh con. Ngoài ra BMI cao còn gây các tình trạng như rối loạn kinh nguyệt, suy giảm sự phát triển nội mạc tử cung và làm tổ của phôi, tăng tỷ lệ sẩy thai và các biến chứng thai kỳ (tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ). Hơn nữa, các kết quả chu sinh bất lợi, bao gồm thai to và dị tật ống thần kinh xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ béo phì.
 
Nhiều nghiên cứu tác động của chỉ số BMI cao đối với kết quả thụ tinh trong ống nghiệm đã được công bố, mặc dù vậy các kết quả của nghiên cứu còn nhiều sự khác biệt. Một số nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI tăng không ảnh hưởng bất lợi đến kết quả điều trị thụ tinh ống nghiệm. Trong khi một số khác cho rằng BMI cao đã tác động tiêu cực đến kết quả phôi học và là một trong các nguyên nhân làm cho tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn. Để làm rõ vấn đề này, nhóm tác giả Dan Hu và cộng sự (2022) tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động ngắn hạn của việc BMI cao lên IVF/ICSI như đáp ứng buồng trứng, chất lượng phôi, kết quả có thai. Bên cạnh đó, các tác động lâu dài cũng được đánh giá, bao gồm các biến chứng sản khoa, kết quả chu sinh và dị tật bẩm sinh. Vì tuổi của phụ nữ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị nên những phụ nữ dưới 38 và trên 38 tuổi được nghiên cứu riêng biệt.
 
Nghiên cứu thực hiện dưới dạng hồi cứu đơn trung tâm, tổng số 7229 phụ nữ tham gia nghiên cứu. Trong đó, nhóm dưới 38 tuổi có 5881 phụ nữ có cân nặng bình thường (BMI= 21,28 ± 1,71) và 977 phụ nữ thừa cân, béo phì (BMI = 26,80 ± 1,74), nhóm trên 38 tuổi có 293 phụ nữ BMI bình thường (22,03 ± 1,62) và 78 phụ nữ BMI cao (27,12 ± 2,00). Nghiên cứu ghi nhận một số kết quả ở 2 nhóm như sau:
- Nhóm phụ nữ trẻ tuổi (<38)
+ Khi so sánh mức độ đáp ứng buồng trứng, phụ nữ có chỉ số BMI cao nhận liều gonadotropin cao hơn (p < 0,001) và thời gian kích thích dài hơn (p =0,048) so với BMI bình thường.
+ Giảm số lượng noãn, noãn trưởng thành, noãn thụ tinh bình thường, tỷ lệ phôi phân chia và phôi nang xảy ra ở phân nhóm BMI cao so với bình thường (p < 0,001).
-Nhóm phụ nữ lớn tuổi (≥ 38)
+Thời gian kích thích buồng trứng ngắn hơn (p =0,005) và tỷ lệ phôi phân chia thấp hơn (p =0,032) ở phân nhóm BMI cao so với bình thường.
Không ghi nhận sự khác biệt về số lượng phôi tốt ở cả 2 nhóm nghiên cứu. Đối với kết quả lâm sàng, một điều thú vị được ghi nhận, tỷ lệ huỷ chu kỳ và trẻ sinh sống tích luỹ giảm đáng kể ở nhóm phụ nữ trẻ có BMI cao so với BMI bình thường (28,6% so với 34,8%, P < 0,001; 73,7% so với 76,8%, P =0,034), trong khi đó không ghi nhận sự khác biệt này ở nhóm lớn tuổi. Các thông số lâm sàng khác như: tỷ lệ làm tổ, thai diễn tiến, thai ngoài, sẩy thai đều không ghi nhận sự khác biệt ở cả 2 nhóm nghiên cứu.
 
Đối với kết quả chu sinh như tuổi thai, cân nặng, tử vong sớm đều không ghi nhận sự khác biệt ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Ngoại trừ, tỷ lệ mổ lấy thai tăng rõ rệt ở nhóm BMI cao so với bình thường (90,8% so với 83,1%, P  < 0,001).
 
Ngược lại, không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy về kết quả chu sinh, biến chứng sản khoa và dị tật bẩm sinh ở cả trẻ mới sinh và trẻ sinh sống tích lũy ở nhóm lớn tuổi.
 
Đây là một nghiên cứu quy mô lớn để đánh giá toàn diện tác động của chỉ số BMI cao đối với các kết quả ngắn hạn và dài hạn sau một lần kích thích IVF/ICSI  ở phụ nữ trẻ tuổi và lớn tuổi. Không giống như các nghiên cứu khác chỉ tập trung vào kết quả mang thai của các chu kỳ chuyển phôi tươi, trong nghiên cứu này tác giả tập trung đánh giá tỷ lệ trẻ sinh sống tích luỹ. Đây là một chỉ số chính xác để đánh giá khi noãn xuất phát từ một lần kích thích IVF/ICSI duy nhất, mang lại độ tin cậy và tính thuyết phục cho kết quả. Đáng chú ý, những phát hiện của nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết quả mang thai, biến chứng sản khoa và trẻ sơ sinh cũng như dị tật bẩm sinh giữa hai nhóm BMI ở phụ nữ lớn tuổi (≥ 38 tuổi), trong cả chu kỳ tươi hay chu kỳ tích lũy. Do đó, tuổi tác vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả IVF/ICSI và béo phì có tác động bất lợi lớn hơn đối với phụ nữ trẻ so với phụ nữ lớn tuổi. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra hướng dẫn rõ ràng dựa trên ranh giới độ tuổi, trong đó phụ nữ trẻ (<38 tuổi) có chỉ số BMI cao có thể được khuyến khích cân nhắc giảm cân trước khi mang thai, nhưng phụ nữ lớn tuổi hơn (≥ 38 tuổi) có thể không cần phải giảm cân trước khi mang thai, vì việc giảm cân kéo dài thời gian và gây rủi ro suy giảm khả năng sinh sản liên quan đến tuổi tác.
 
TLTK: Hu D, Huang B, Xiong M, Yao J, Yang S, Wu R, Zhang H, Zhao Y. Impact of elevated body mass index on cumulative live birth rate and obstetric safety in women undergoing assisted reproductive technology. Scientific Reports. 2022 Nov 7;12(1):1-9.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK