Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 26-12-2022 2:28pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Vân Anh – IVF Vạn Hạnh
Đánh giá chất lượng tinh dịch được xem là bước đầu tiên trong chẩn đoán vô sinh nam theo hướng dẫn của WHO. Tuy nhiên, người ta ước tính khoảng 15% nam giới có kết quả phân tích tinh dịch đồ bình thường bị vô sinh. Do đó, đánh giá DNA của tinh trùng có thể cung cấp thêm thông tin về quá trình sinh tinh thành công cũng như tính toàn vẹn của vật chất di truyền. Quá trình thụ tinh và chất lượng của phôi bị ảnh hưởng bởi tính toàn vẹn của DNA tinh trùng và chỉ số phân mảnh DNA (DFI) là một dấu ấn sinh học hữu ích cho chẩn đoán vô sinh nam. Xét nghiệm DNA tinh trùng trong các trường hợp vô sinh nam không rõ nguyên nhân như một dấu hiệu bổ sung cho chất lượng tinh trùng và hỗ trợ cho quá trình tư vấn của các cặp vợ chồng.
 
Các kỹ thuật chọn lọc tinh trùng tiên tiến ra đời cho phép lựa chọn tinh trùng nguyên vẹn DNA trước khi ICSI với mục đích khắc phục những hạn chế của các phương pháp trước. Kỹ thuật phân loại dựa trên các đặc điểm khác nhau như: diện tích bề mặt của tinh trùng, con đường apoptosis, sự trưởng thành của màng tinh trùng, độ phóng đại cực cao. Trong đó, phương pháp lựa chọn tế bào bằng hoạt hóa từ tính (Magnetic-activated cell sorting – MACS) – dựa trên dư lượng phosphatylserine trên màng của chúng. Hệ thống MACS giúp giảm tinh trùng bị apoptosis cũng như tinh trùng bị phân mảnh DNA trong quá trình xuất tinh đã được ghi nhận. Chọn lựa tinh trùng dựa vào sự trưởng thành của màng tế bào (Physiological intracytoplasmic sperm injection – PICSI) cũng là một phương pháp chọn lọc khác dựa trên sự hiện diện của thụ thể axit hyaluronic (HA) trên màng tinh trùng. Jakab và cộng sự (2005) báo cáo rằng các tinh trùng gắn kết với HA hoàn thành quá trình sinh tinh trùng với sự loại bỏ tế bào chất dư thừa. Hơn nữa, tinh trùng gắn kết với HA không có sự phân mảnh DNA và dấu hiệu apoptotic. Đáng chú ý nhất là tinh trùng gắn kết với HA cho thấy tần suất lệch bội nhiễm sắc thể giảm hơn so với tinh trùng không gắn kết.
 
 
Trong các nghiên cứu trước đây cho thấy hiệu quả của phương pháp PICSI và MACS trong chọn lọc tinh trùng đã được đánh giá và chỉ ra rằng những kỹ thuật này có thể phù hợp với chọn lọc tinh trùng ở mức độ tổn thương DNA thấp ở bệnh nhân trải qua ICSI. Mục đích của nghiên cứu là so sánh hiệu quả của PICSI và MACS khi lựa chọn tinh trùng cho các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân. Các đối tượng có tinh dịch bình thường, tính toàn vẹn DNA và đặc điểm tốt được đánh giá.
 
Phương pháp: Tổng 20 mẫu tinh dịch được thu nhận từ Trung tâm nghiên cứu Nam khoa, Đại học Y khoa Shahid Sadoughi, Iran từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020. Các cặp vợ chồng vô sinh do nữ đã được loại trừ, những người đàn ông vô sinh không rõ nguyên nhân và dưới 35 tuổi được nhận vào nghiên cứu. Đánh giá tinh dịch theo tiêu chí của WHO năm 2010. Giá trị trung bình của mật độ, khả năng di động, hình thái bình thường lần lượt là 45,3 ± 7,8, 50,25 ± 9,30 và 4,75 ± 0,63. Mẫu được ly giải trong 30 phút, một phần nhỏ được sử dụng để đánh giá DFI. Sau đó, mẫu tinh dịch được chuẩn bị bằng phương pháp swim-up (SU), dịch huyền phù thu nhận được chia thành nhiều nhóm: SU, PICSI và MACS. Trong nhóm PICSI, chỉ chọn những tinh trùng di động liên kết với HA nhưng ở nhóm SU và MACS di động không phải là 100%. Trong hai nhóm này, tinh trùng được thêm vào môi trường nuôi cấy và được hút bằng kim (khoảng 100 tinh trùng) dẫn đến hình thành hai nhóm khác, đó là SU – selection và MACS – selection. Do đó, sáu nhóm gồm: tinh dịch, SU, MACS, PICSI, SU – selection và MACS – selection được đánh giá trạng thái DNA.
 
Kết quả: Giá trị DFI của từng nhóm được đo sau lần SU đầu tiên cho thấy DFI trong nhóm SU – select, PICSI, MACS giảm đáng kể so với nhóm SU ban đầu. Phân tích bổ sung, tỷ lệ giảm DFI (DFI thứ hai/DFI đầu tiên x 100) giữa tinh dịch và sản phẩm SU đã được tính toán. Tỷ lệ giữa các nhóm SU, SU – selection, PICSI và MACS lần lượt là 28,9 ± 14,93, 36,66 ± 12,50, 58,04 ± 9,76 và 70,70 ± 10,39. Khi phân tích kỹ lưỡng cho thấy tốc độ giảm này rõ rệt hơn ở nhóm MACS (58,20 ± 13,02) so với nhóm PICSI (36,57 ± 15,52) (p<0,0001). Tỷ lệ di động của tinh trùng giảm sau chọn lọc MACS (84,75 ± 8,92 đến 69,75 ± 17,08, p = 0,001). Tuy nhiên, tỷ lệ hình dạng và tỷ lệ hình dạng bình thường là tương tự nhau. Đồng thời, không tìm thấy mối tương giữa DFI với khả năng di động và hình dạng tinh trùng. Mối tương quan giữa DFI của tinh dịch và dịch huyền phù sau SU là đáng kể (p < 0,001 và r = 0,73, CI: 0,43 – 0,88).
 
Bàn luận: Để đánh giá sự phân mảnh DNA tinh trùng có thể sử dụng phương pháp SCSA hoặc TUNEL. Tuy nhiên, do bản chất phức tạp và tốn kém nên SCD được chọn là xét nghiệm với độ nhạy tương tự để đánh giá tổn thương DNA bằng thiết bị có sẵn như kính hiển vi. Lựa chọn tinh trùng có DFI thấp hơn là rất quan trọng để cải thiện kết quả ART. Trong đó, MACS và PICSI cung cấp khả năng lựa chọn tinh trùng với trạng thái DNA bình thường cho ICSI. Sau lần SU đầu tiên DFI đã giảm tương đối khoảng 30% so với mẫu tinh dịch. Khi so với nhóm SU, DFI ở nhóm MACS và PICSI tương đương nhau nhưng tỷ lệ giảm ở nhóm MACS cao hơn PICSI. Lee và cộng sự cũng báo cáo rằng MACS làm giảm DFI từ 13,5 xuống còn khoảng 10% (khoảng 74%) ở các cặp vợ chồng vô sinh không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, Bucar và cộng sự ghi nhận cải thiện 73,5% về DFI so với tinh dịch sau MACS và SU.
 
Kết luận: MACS được ghi nhận hiệu quả hơn trong việc làm giảm tỷ lệ DFI so với PICSI. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy PICSI và MACS đều không thể loại bỏ hoàn toàn tinh trùng có DNA phân mảnh trong mẫu tinh trùng cuối cùng.
 
 
Nguồn: Ahmadi, A., Sobhani, A., Khalili, M. A., và cộng sự (2022). Comparison of the Efficiency of Magnetic-Activated Cell Sorting (MACS) and Physiological Intracytoplasmic Sperm Injection (PICSI) for Sperm Selection in Cases with Unexplained Infertility. Journal of reproduction & infertility, 23(3), 184–191.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK