Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-07-2022 4:09pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Hồ Thị Nga – IVFMD Bình Dương
 
Trong nhiều thế kỷ, sự suy giảm khả năng sinh sản của nam giới, cụ thể là suy giảm chất lượng tinh dịch do tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Khoảng 15% các cặp vợ chồng không thể mang thai sau 12 tháng giao hợp thường xuyên mà không dùng biện pháp tránh thai, trong đó nguyên nhân do yếu tố liên quan đến nam giới chiếm 20-50%. Môi trường và nghề nghiệp tiếp xúc với các chất độc hại và lối sống được xem là nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới. Các kim loại nặng dường như có tác động xấu đến hệ thống sinh sản của nam giới thông qua các ảnh hưởng lên trục hạ đồi - tuyến yên hoặc ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh dẫn đến giảm chất lượng tinh dịch. Kim loại thiết yếu và không thiết yếu hiện diện rất dồi dào trong nguồn nước, không khí, đất, … Chì và cadmium được giải phóng vào cơ thể và được giữ lại trong xương, thận và tuyến sinh dục. Mặc dù liều lượng tiếp xúc thấp nhưng một số kim loại nặng khi tích tụ lâu dài trong tinh hoàn có thể dẫn đến sự mất cân bằng về trạng thái oxy hóa dẫn đến các tổn thương do sự hình thành các gốc oxy hoá tự do, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy có ảnh hưởng của các chất gây độc trong môi trường và các chỉ số tinh dịch đồ ở người và động vật (bao gồm mật độ, độ di động, tỷ lệ sống và hình dạng tinh trùng). Trong đó các kim loại nặng như chì (Pb), cadmium (Cd), đồng (Cu), kẽm (Zn) có liên quan đến sự suy giảm chất lượng tinh dịch. Do vậy nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ Pb, Cd, Cu và Zn trong máu và nước tiểu liên quan đến rối loạn chức năng sinh sản ở nam giới vô sinh do tiếp xúc nghề nghiệp.
 
Nghiên cứu được tiến hành trên 144 bệnh nhân hiếm muộn tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Aziza Othmena, Tunis, Tunisia. Trong đó, có 102 bệnh nhân thỏa mãn điều kiện nhận vào nghiên cứu là nam giới đã kết hôn, tuổi từ 30 đến 55 tuổi, tối thiểu 1 năm làm việc trong điều kiện tiếp xúc với kim loại nặng (thợ sửa ống nước, thợ hàn, thợ cơ khí, thợ sơn). Nhóm đối chứng gồm 30 nam giới có con trong vòng 12 tháng, tuổi trung bình là 38 tuổi (từ 31- 55 tuổi). Các trường hợp hiếm muộn do người vợ, bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhiễm trùng sinh dục, teo tinh hoàn, các bệnh mãn tính và các bệnh làm giảm khả năng sinh sản của nam giới không được nhận vào nghiên cứu.
 
Tất cả bệnh nhân và nhóm đối chứng được đo nồng độ các hormone FSH, LH, Testosterone và Prolactin máu bằng kit Vidas; đánh giá tinh dịch đồ theo WHO 2010; đánh giá hình thái tinh trùng theo tiêu chí MSOME; đo nồng độ các kim loại nặng như Pb, Cd, Cu trong máu toàn phần và nước tiểu; nồng độ Zn trong huyết thanh được đo trực tiếp bằng phương pháp quang phổ hấp thu nguyên tử; khả năng oxy hóa – khử được đo bằng hệ thống MiOXSYS (Atyu BioScience); phân mảnh DNA tinh trùng được đánh giá bằng phương pháp TUNEL.
 
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy:
- Không có sự khác biệt đáng kể về tuổi tác, BMI và phân bố địa lý, thói quen hút thuốc và sử dụng rượu bia giữa 2 nhóm.
- Nồng độ FSH và Testosterone thấp hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân so với nhóm đối chứng, nồng độ FSH (p = 0,009) và Testosterone (p <0,001).
- Số lượng tinh trùng, tổng số tinh trùng di động tiến tới, tỷ lệ sống và hình dạng tinh trùng bình thường thấp hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân so với nhóm chứng (p <0,001).
- Thử nghiệm MSOME cho thấy nhóm bệnh nhân có 40% tinh trùng loại III (bất thường hình thái) và có nhiều khiếm khuyết ở đầu tinh trùng. Ở nhóm đối chứng, 50,5% tinh trùng có chất lượng tốt. Kết quả này cho thấy khác biệt đáng kể ở chất lượng tinh trùng loại I và loại III ở 2 nhóm (p=0.02; p=0.001).
- Phân mảnh DNA tinh trùng và stress oxy hóa cao hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân so với nhóm chứng (p=0.001).
- Nồng độ Cd và Pb trong máu và nước tiểu cao hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân so với nhóm chứng. Nồng độ Cu không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm (p<0.001). Nồng độ Zn nhóm bệnh nhân cao hơn nhóm chứng (p<0.001).
- Hình thái tinh trùng bình thường có mối tương quan nghịch với thời gian tiếp xúc kim loại nặng (r=0.227, p<0.022). Nồng độ Cadmium trong nước tiểu ảnh hưởng nhiều với hình thái tinh trùng bất thường (r=0.225, p<0.05). Nồng độ chì trong máu ảnh hưởng đến nồng độ Testosterone (r=0.223, p=0.031). Nồng độ Cadmium và chì trong máu có ảnh hưởng lớn đến mức độ ngưng tụ nhiễm sắc chất theo thứ tự lần lượt (r=0.528, p<0.01; r=0.280, p=0.017).

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy các xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng, mức độ ngưng tụ của chất nhiễm sắc và các gốc oxy hoá tự do cần được khảo sát ở cả những bệnh nhân có kết quả phân tích tinh dịch có giá trị bình thường. Kiểm tra MSOME cho các thông số tinh dịch là rất quan trọng để quyết định lợi ích khi thực hiện IMSI ở bệnh nhân đang thực hiện IVF.
 
Như vậy, nghiên cứu này cho thấy nghề nghiệp tiếp xúc với kim loại nặng rất có hại đến sức khỏe sinh sản nam giới, do đó phân mảnh DNA tinh trùng và stress oxy hóa nên được khảo sát và khuyến cáo cho nhóm bệnh nhân này trước khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Tài liệu tham khảo:
Chabchoub, I., Nouioui, M. A., Araoud, M., Mabrouk, M., Amira, D., Ben Aribia, M. H., Mahmoud, K., Zhioua, F., Merdassi, G., & Hedhili, A. (2021). Effects of lead, cadmium, copper and zinc levels on the male reproductive function. Andrologia, 00, e14181.
DOI:10.1111/and.14181

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK