Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-07-2022 4:04pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh
 
Thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi (in vitro fertilization and embryo transfer - IVF-ET) là lựa chọn quan trọng cho các cặp vợ chồng vô sinh. Quy trình kích thích buồng trứng và hệ thống nuôi cấy phôi được tối ưu liên tục trong thập kỷ qua, giúp cải thiện chất lượng và số lượng phôi. Tuy nhiên, tỷ lệ làm tổ chỉ đạt khoảng 25-40%.
 
Làm tổ là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều yếu tố, đòi hỏi phôi với tiềm năng phát triển cao, khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung tốt và đối thoại hiệu quả giữa phôi với nội mạc. Xác định chiến lược chuyển phôi, tận dụng tốt các phôi hiện có và đạt được kết quả lý tưởng là các vấn đề phổ biến mà bác sĩ hỗ trợ sinh sản và chuyên viên phôi học phải đối mặt. Trong giai đoạn sớm, bộ gen của phôi được hoạt hóa sau ngày 3 (giai đoạn phôi 8 tế bào). Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của những phôi hữu dụng có chất lượng tốt, lựa chọn dựa vào chỉ số hình thái, không thể được dự đoán chính xác. Kéo dài thời gian nuôi cấy là phương pháp đáng tin cậy nhằm sàng lọc phôi một cách tự nhiên với tiềm năng phát triển cao. Chuyển phôi nang có tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn nhưng tăng nguy cơ hủy chu kỳ hoặc giảm cơ hội chuyển phôi ở một mức độ nhất định. Do đó, chuyển phôi nang không phù hợp cho bệnh nhân có một vài phôi. Hiện nay, chuyển phôi ở hai giai đoạn phát triển trong cùng một chu kỳ, chuyển liên tiếp phôi phân chia và phôi nang trong cùng một chu kỳ điều trị, đã được thực hiện trên lâm sàng. Tuy nhiên, chưa có kết luận thống nhất về hiệu quả của chuyển phôi liên tiếp lên kết quả mang thai IVF.
 
Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá một cách có hệ thống và tóm tắt các bằng chứng hiện có liên quan đến tác động của chuyển phôi liên tiếp lên kết quả IVF nhằm định hướng thêm cho các chiến lược lâm sàng.
 
Phương pháp: Đây là một tổng quan hệ thống, ghi nhận các nghiên cứu trong vòng 20 năm qua cho đến 01/2021. Tiêu chí nhận: các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, nghiên cứu đoàn hệ và nghiên cứu bệnh-chứng so sánh kết quả IVF giữa chuyển phôi liên tiếp và chuyển phôi thông thường vào ngày 3 hoặc ngày 5. Tiêu chí loại: nghiên cứu được công bố dưới dạng tóm tắt hoặc các nghiên cứu về kết quả mang thai sau chuyển liên tiếp các phôi trữ-rã.
 
Kết quả:
So sánh giữa chuyển phôi liên tiếp và chuyển phôi phân chia:
  • Thai sinh hóa: Ba nghiên cứu (n=423) cho thấy sự cải thiện có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ thai sinh hóa ở nhóm chuyển phổi liên tiếp (P< 0,01).
  • Thai lâm sàng: Mười nghiên cứu (n=2474) cho thấy sự cải thiện có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ thai lâm sàng ở nhóm chuyển phôi liên tiếp đối với bệnh nhân có và không bị thất bại làm tổ liên tiếp (P<0,01).
  • Làm tổ: Tổng hợp các kết quả từ bốn nghiên cứu (n=3206) không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm (P=0,11).
  • Sẩy thai lâm sàng: Năm nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt ở bệnh nhân thất bại làm tổ liên tiếp (P=0,62) và không bị thất bại làm tổ liên tiếp (P<0,06).
  • Đa thai: Tám nghiên cứu (n=642) cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở bệnh nhân bị thất bại làm tổ liên tiếp (P=0,05) và không bị thất bại làm tổ liên tiếp (P<0,16).
  • Thai ngoài tử cung: Chỉ có một nghiên cứu báo cáo về thai ngoài tử cung, và không có trường hợp nào xảy ra.
  • Trẻ sinh sống: Hai nghiên cứu (n=531) cho thấy tỷ lệ sinh sống được cải thiện có ý nghĩa thống kê đối với nhóm chuyển phôi liên tiếp (P<0,01).
So sánh giữa chuyển phôi liên tiếp và chuyển phôi nang: không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm về tỷ lệ thai lâm sàng (P=0,17), tỷ lệ làm tổ (P=0,34), sẩy thai lâm sàng (P=0,95) và đa thai (P=0,58).
 
Bàn luận: Tăng tỷ lệ thành công của IVF vẫn là một thách thức lâm sàng. Phân tích tổng hợp hiện tại cho thấy tác động tích cực của chuyển phôi liên tiếp lên tỷ lệ thai lâm sàng. Những kết quả gợi ý rằng sự gia tăng tỷ lệ thai lâm sàng có thể là do lần chuyển phôi nang thứ hai. Phôi nang có tiềm năng phát triển cao và xác suất chuyển phôi bất thường nhiễm sắc thể giảm sau khi nuôi cấy kéo dài in vitro. Chuyển phôi nang cũng làm tăng khả năng đồng bộ của nội mạc tử cung, do đó làm tăng tỷ lệ làm tổ.
 
Ngoài ra, những phát hiện trong nghiên cứu này chỉ ra, phôi ngày 3 có ít cơ hội phát triển hơn nữa sau khi làm tổ trong nội mạc tử cung so với phôi nang. Tuy nhiên, trong chu kỳ IVF, việc có nên kéo dài thời gian nuôi cấy hay không vẫn còn gây tranh cãi do nguy cơ hủy bỏ chu kỳ trong trường hợp không phôi. Một số nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng 2/3 trường hợp IVF-ET thất bại do thiếu khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung có khả năng tiếp nhận phôi từ 6 đến 8 ngày sau khi phóng noãn và duy trì khả năng tiếp nhận khoảng 2 - 4 ngày.
 
Chuyển phôi liên tiếp gồm hai bước chuyển phôi. Phôi phân chia đã chuyển giúp gia tăng đáp ứng miễn dịch, kích thích nhân tố bám dính và tạo ra một môi trường tại nội mạc tử cung tốt hơn cho lần chuyển thứ hai. Ngoài ra, tỷ lệ thai lâm sàng được cải thiện đáng kể sau khi tổn thương nội mạc tử cung cục bộ, chấn thương cơ học cục bộ đối với nội mạc có thể kích hoạt những thay đổi về cấu trúc và chức năng liên quan đến các thành phần mô đệm và biểu mô ở cấp độ phân tử, do đó làm tăng khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Lần đặt catheter chuyển phôi đầu tiên có thể gây ra kích thích tương tự đối với nội mạc, không phù hợp với lo ngại rằng quy trình chuyển phôi lần thứ hai có thể có tác động có hại, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc chấn thương.
 
Kết luận: Tổng quan hệ thống này chứng minh rằng chuyển liên tiếp phôi phân chia và phôi nang giúp cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng so với chuyển phôi phân chia thông thường, tuy nhiên không có lợi ích đáng kể so với chuyển phôi nang. Đối với những phụ nữ có đủ phôi, có thể tiến hành chuyển phôi liên tiếp sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Nhìn chung, cần thêm các bằng chứng từ các nghiên cứu ngẫu nhiên trong tương lai.
  
Nguồn: Zhang, J., Wang, C., Zhang, H., & Zhou, Y. (2021). Sequential cleavage and blastocyst embryo transfer and IVF outcomes: a systematic review. Reproductive Biology and Endocrinology19(1), 1-9

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK