Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 28-02-2020 2:07pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Hoàng Lê Trung Hiếu
 
Gần đây, ngày càng có nhiều mối quan tâm về hậu quả lâu dài của việc mổ lấy thai (MLT) đối với sức khỏe và khả năng sinh sản về sau của người phụ nữ. Một trong những di chứng của việc MLT là sự hình thành hở khuyết sẹo MLT trên tử cung, được định nghĩa là hiện diện vùng giảm âm với độ sâu tối thiểu 1 mm ngay tại vị trí sẹo mổ cũ. Sự hiện diện hở khuyết sẹo MLT kèm theo sự hiện diện của dịch trong lòng tử cung đã được mô tả trước đây trong y văn.

Sự có mặt của dịch nội mạc tử cung được các chuyên gia y học sinh sản công nhận gây bất lợi lên quá trình làm tổ của phôi. Cụ thể, tỷ lệ mang thai được ghi nhận là giảm đáng kể khi có tích tụ dịch lòng tử cung trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, và không thể thụ thai được nếu dịch lòng tích tụ nhiều hơn 3,5 mm (He và cs, 2010). Ứ dịch lòng tử cung đã được ghi nhận ở những bệnh nhân bị ứ dịch ống dẫn trứng, hay ít gặp hơn ở những bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang trải qua kích thích buồng trứng để làm thụ tinh ống nghiệm, và thậm chí ở một số bệnh nhân chưa xác định được nguyên nhân.

Các chuyên gia y học sinh sản thường thấy khi siêu âm, bệnh nhân vô sinh thứ phát có tiền căn MLT một hoặc nhiều lần có hình ảnh hở khuyết sẹo MLT. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại về tần suất của sự hình thành ứ dịch lòng tử cung trong quá trình kích thích buồng trứng ở bệnh nhân có hở khuyết sẹo MLT trên siêu âm còn hạn chế. Hơn nữa, dữ liệu về ảnh hưởng của hình thành dịch lòng tử cung khi kích thích buồng trứng lên kết quả hỗ trợ sinh sản của chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo còn ít và cần được nghiên cứu thêm.

Một nghiên cứu quan sát tiến cứu đánh giá tình trạng hở khuyết sẹo MLT khi kích thích buồng trứng đã được thực hiện tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVI Trung Đông, ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019 và phân tích hồi quy trên các kết cục thai đến tháng 7 năm 2019. Nghiên cứu thực hiện trên 103 bệnh nhân vô sinh thứ phát (được xác định là không có thai tối thiểu 1 năm sau khi mang thai thành công trước đó) được kích thích buồng trứng để làm thụ tinh ống nghiệm, có tiền căn một hay nhiều lần MLT và có hở khuyết sẹo MLT trên siêu âm. Bệnh nhân được theo dõi thường quy qua siêu âm ngả âm đạo trong quá trình kích thích buồng trứng để điều trị thụ tinh ống nghiệm. Các bệnh nhân trong nghiên cứu được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi về tiền sử sản khoa. Sự hình thành dịch lòng tử cung cũng như các thay đổi trong đo lường hở khuyết sẹo MLT được ghi nhận lại trong quá trình kích thích buồng trứng bằng siêu âm. Kết quả thai của chu kỳ chuyển phôi trữ ở bệnh nhân có hở khuyết sẹo MLT đã được so sánh hồi cứu với nhóm những bệnh nhân hiếm muộn - không có hở khuyết sẹo MLT trong cùng khoảng thời gian.

Kết quả cho thấy bệnh nhân có hở khuyết sẹo MLT có nguy cơ ~ 40% phát triển dịch ghi nhận được trên siêu âm trong khoang nội mạc tử cung trong quá trình kích thích buồng trứng. Hơn nữa, so với nhóm không có dịch lòng tử cung, nhóm bệnh nhân có phát triển dịch liên quan có ý nghĩa thống kê với độ sâu (cm) của hở khuyết sẹo MLT vào ngày KTBT thứ 2 hoặc thứ 3 (0,57 ± 0,19 so với 0,49 ± 0,18, p = 0,038) và vào ngày trigger (−1 / −2 ngày) (0,64 ± 0,19 so với 0,56 ± 0,19, p = 0,049); chu vi (cm) của hở khuyết sẹo MLT vào ngày trigger (−1 / −2 ngày) (1,79 ± 0,51 so với 1,60 ± 0,5, p = 0,040), khoảng cách từ sẹo MLT đến lỗ ngoài cổ tử cung (cm) (3,25 ± 0,62 so với 2,95 ± 0,73, p = 0,036), số trẻ được sinh ra (3,1 ± 1,8 so với 2,5 ± 1,5, p = 0,047) và số lần MLT trước đó (1,9 ± 1,1 so với 1,4 ± 0,8, p = 0,035). Có sự gia tăng có ý nghĩa thống kê trong các thông số kích thước của hở khuyết sẹo MLT khi kích thích buồng trứng. Nếu tình trạng ứ dịch lòng tử cung được loại bỏ trước khi tiến hành chuyển phôi, kết quả thai sau chuyển phôi (gồm cả tỷ lệ thai và tỷ lệ thai sinh hóa và thai ngoài tử cung, sẩy thai và thai diễn tiến/sinh sống) không khác biệt giữa hai nhóm có và không có hở khuyết sẹo MLT.



Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nhận thức từ phía các chuyên gia y học sinh sản đối với tác động bất lợi tiềm tàng của hở khuyết sẹo MLT đối với điều trị hỗ trợ sinh sản, vì có khả năng hình thành dịch lòng tử cung trong quá trình kích thích buồng trứng làm thụ tinh ống nghiệm. Hơn nữa, sự gia tăng chu vi của hở khuyết sẹo MLT có thể làm tăng khó khăn trong chuyển phôi.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nghiên cứu này không được thiết kế từ đầu để điều tra nguyên nhân hình thành dịch lòng tử cung trong quá trình kích thích buồng trứng hay để đánh giá kết cục sinh sản. Hơn nữa, kết cục sinh sản được báo cáo với số lượng nhỏ cũng là một hạn chế.
Tóm lại, ở những bệnh nhân có hở khuyết sẹo MLT, nguy cơ hình thành dịch lòng tử cung trong quá trình kích thích nội tiết tố cho thụ tinh ống nghiệm là gần 40%; do đó, phải đặc biệt chú ý để loại trừ tụ dịch trong quá trình kích thích buồng trứng và đặc biệt là tại thời điểm chuyển phôi, nếu không thể thực hiện chuyển phôi đông lạnh.

Nguồn: B Lawrenz, L Melado, N Garrido, C Coughlan, D Markova, Hm Fatemi, Isthmocele and ovarian stimulation for IVF: considerations for a reproductive medicine specialist, Human Reproduction, Volume 35, Issue 1, January 2020, Pages 89–99, https://doi.org/10.1093/humrep/dez241



Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK