Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 28-02-2020 2:05pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế

BS Hoàng Lê Trung Hiếu
 
Sử dụng kết hợp ba chất chống oxy hóa gồm acetyl-L-Carnitine, N-acetyl-L-cysteine ​​và axit α-lipoic (A3) khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm và bổ sung vào môi trường nuôi cấy phôi đã được ghi nhận mang đến tác dụng có lợi đáng kể lên sự phát triển của phôi và thai chuột, đặc biệt khi có mặt các tác nhân stress oxy hoá. Dựa trên nhận định này, nhóm nghiên cứu tại Melbourne, Australia đã tiến hành một nghiên cứu phân tích trong phòng thí nghiệm trên mô hình động vật; trong đó, quá trình làm lạnh nhanh phôi nang chuột F1 được thực hiện nhờ kỹ thuật thủy tinh hóa, với các chất chống oxy hóa A3 được bổ sung trong các dung dịch thủy tinh hóa rồi rã đông, sau đó là nuôi cấy và chuyển phôi.

Cụ thể, các hợp tử 2 tiền nhân được thu thập và nuôi cấy trong các nhóm đến phôi nang ngày 4. Các phôi nang ở trạng thái giãn nở được tiến hành thủy tinh hóa và rã đông trong các dung dịch có và không có chất chống oxy hóa A3 và được nuôi cấy thêm trong 24 giờ. Khả năng sống sót của phôi được ghi nhận qua số lượng tế bào còn lại sau thuỷ tinh hoá và sự phân bố tế bào, cũng như mức độ chết theo chương trình. Khả năng phát triển sau thuỷ tinh hoá của phôi được đánh giá thông qua các chỉ số sinh trưởng trong ống nghiệm cũng như qua các chỉ số tăng trưởng phôi thai trong tử cung sau chuyển phôi. Ngoài ra, thông tin tổng quát về thượng di truyền của phôi nang thông qua khảo sát sự acetyl hóa histone cũng được ghi nhận lại.

Kết quả cho thấy, các phôi nang chuột được trữ đông theo phương pháp thủy tinh hóa nếu không thêm chất chống oxy hóa so với nhóm phôi không thuỷ tinh hoá có số lượng tế bào thấp hơn đáng kể (77,39 ± 4,57 so với 105,88 ± 4,4, p <0,001) và các tế bào chết theo chương trình (apoptosis) cao hơn (6,13 ± 0,75 so với 3,04 ± 1,36, p <0,05). Việc bổ sung nhóm chất chống oxy hóa A3 vào dung dịch thủy tinh hóa và rã đông giúp gia tăng đáng kể số lượng tế bào của khối nội phôi bào (ICM) (22,84 ± 1,30 so với 17,00 ± 1,05, p <0,001), tổng số tế bào còn lại sau thuỷ tinh hoá 24 giờ (101,30 ± 3,92 so với 73,03 ± 3,87, p <0,01), và tăng kích thước phôi bào qua hình ảnh ghi nhận trên kính hiển vi đảo ngược (p <0,05).

Khi mang các phôi được thuỷ tinh hoá có A3 chuyển vào buồng tử cung thành công, so với chuyển các phôi không thêm chất chống oxy hóa, nghiên cứu ghi nhận có sự gia tăng đồng bộ các chỉ số phát triển của thai sau đó gồm trọng lượng thai (190,19 ± 4,61 mg so với 174,29 ± 5,52 mg, p <0,05), chiều dài đầu mông (11,09 ± 0,10

so với 10,76 ± 0,11, p < 0,05) và sự phát triển chi (14,89 ± 0,07 so với 14,56 ± 0,11, p < 0,05). Thêm vào đó, nếu như việc thủy tinh hóa phôi nang làm giảm đáng kể nồng độ acetyl hóa (p <0,05) so với phôi không thủy tinh hóa, việc bổ sung các chất chống oxy hóa A3 đã giúp cải thiện điều này.
Tuy sự phát triển phôi chỉ mới được kiểm tra trên chuột nhưng kết quả của nghiên cứu này chứng minh rằng kỹ thuật thủy tinh hóa và rã đông phôi nang có tác động bất lợi đáng kể lên khả năng sống sót và phát triển sau này của phôi cũng như ảnh hưởng lên các thay đổi về thượng di truyền vì làm giảm sự acetyl hóa histone. Sự hiện diện của các chất chống oxy hóa trong các dung dịch thủy tinh hóa giúp giảm bớt các tác động tiêu cực của việc trữ đông. Các chất chống oxy hóa cần phải hiện diện trong môi trường ngay tại thời điểm stress oxy hóa tăng lên khi thực hiện thủy tinh hóa; thêm chất chống oxy hoá trước khi trữ đông không đủ để bảo vệ các tế bào chống lại tổn thương liên quan đến quá trình làm lạnh. Từ bằng chứng trên phôi nang chuột, các chất chống oxy hóa A3 có thể hỗ trợ duy trì khả năng sống sót và phát triển của phôi người được thủy tinh hóa trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thông qua việc giảm stress oxy hóa.

Tóm lại, sự kết hợp của ba chất chống oxy hóa trong các dung dịch thủy tinh hóa giúp phôi nang chuột tăng khả năng sống sót và có tiềm năng phát triển cao hơn sau rã đông, cả khi đánh giá qua các thông số sinh trưởng trong ống nghiệm cũng như qua sự phát triển của thai nhi sau khi chuyển vào tử cung.

Nguồn: Thi T Truong, David K Gardner, Antioxidants increase blastocyst cryosurvival and viability post-vitrification, Human Reproduction, Volume 35, Issue 1, January 2020, Pages 12–23, https://doi.org/10.1093/humrep/dez243

 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK