Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 05-12-2019 1:42pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương


Các nghiên cứu gần đây cho thấy chất lượng tinh trùng của con người đang giảm dần. Tuổi tác, yếu tố môi trường và yếu tố dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch. Đặc biệt, thủy ngân (Hg) được coi là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đối với sinh sản nam giới. Các nghiên cứu in vitro chỉ ra rằng tiếp xúc với Hg có thể gây tổn thương DNA, rối loạn chức năng và giảm khả năng di động của tinh trùng. Nồng độ Hg trong tinh dịch có liên quan đến hình dạng tinh trùng bất thường và khả năng sống thấp của tinh trùng. Hơn nữa, một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng nồng độ Hg trong máu ở nam giới vô sinh hoặc hiếm muộn cao hơn so với nam giới bình thường. Bên cạnh đó, hầu hết lượng Hg bao gồm methylmercury (MeHg) trong hải sản cao hơn đáng kể so với các loại thực phẩm khác. Một số nghiên cứu cũng đề cập rằng mức Hg trong máu có tương quan thuận với lượng hải sản tiêu thụ. Ngoài Hg, các kim loại như chì (Pb), selen (Se) cũng có thể có tác động đối với sức khỏe sinh sản của nam giới. Do đó, Chin-En Ai và cộng sự tiến hành nghiên cứu về mối liên quan giữa nồng độ Hg trong máu và tinh dịch với chất lượng tinh dịch và hormone sinh sản; mối liên quan giữa lượng tiêu thụ loại cá tiêu thụ ăn thịt và nồng độ Hg trong máu. Ngoài ra, nghiên cứu còn tiến hành đánh giá nồng độ Pb và Se trong máu và tinh dịch.

Nghiên cứu tiến hành trên 84 nam giới, được chia thành hai nhóm là nhóm tinh dịch chất lượng thấp (n=27) và chất lượng cao (n= 57) (chất lượng cao với giá trị về mật độ tinh trùng ≥ 1,5×106/mL, thể tích tinh dịch ≥ 1,5 mL, tổng số tinh trùng ≥ 39×106/mL, độ di động ≥ 40% và hình dạng bình thường ≥ 4%). Thông tin về BMI, tần suất tiêu thụ thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, ăn cá tươi hàng tuần được khảo sát thông qua câu hỏi. Mẫu tinh dịch được đánh giá chất lượng theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO 2010. Các mẫu máu (n = 84) và tinh dịch (n = 39) được phân tích nồng độ Hg, Pb và Se. Nồng độ Hg trong máu được xác định bằng máy quang phổ hấp thụ nguyên tử hơi lạnh. Nồng độ Pb và Se trong máu và nồng độ Hg, Pb và Se trong tinh dịch được xác định bằng phương pháp quang phổ khối plasma kết hợp cảm ứng. Hormone kích thích nang noãn (FSH), hormone hoàng thể hoá (LH), testosterone và prolactin trong huyết thanh được phân tích bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ (RIA). Bên cạnh đó, nghiên cứu tiến hành đánh giá xem liệu có tồn tại mối tương quan giữa lượng tiêu thụ loại cá ăn thịt (cá ngừ, cá mập và cá marlin) và nồng độ Hg trong máu hay không.

Kết quả cho thấy, chỉ số BMI trung bình là 25,8 kg/m2, với 30% BMI là 24~27 kg/m2 và 18% BMI >27 kg/m2. Có 40,9%, 12,1% và 8,3% nam giới tham gia tương ứng với thói quen hút thuốc lá, uống rượu và ăn trầu. Nồng độ trung bình của Hg, Pb và Se trong máu lần lượt là 9.0 ± 5.9, 15.8 ± 6.3 và 205 ± 58 µg/L.  Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về nồng độ Hg, Pb và Se trong máu và tinh dịch giữa các nhóm tinh dịch chất lượng thấp và chất lượng cao. Hơn nữa, lượng cá tươi tiêu thụ hàng tuần của nhóm chất lượng thấp là 1,9 ± 0,8 bữa/tuần, không khác biệt đáng kể so với nhóm tinh dịch chất lượng cao (2,3 ± 1,2 bữa/tuần) (p = 0,311). Bên cạnh đó, có 29% số người tham gia có mức Hg trong máu vượt quá mức bình thường của WHO 2008 (khoảng 5~10 µg/L). Do đó, nghiên cứu đã đánh giá mối liên quan của nồng độ Hg trong máu với các thông số tinh dịch với 3 nhóm về nồng độ Hg trong máu là thấp (<5,5 μg/L), trung bình (5,5~8,9 µg/L) và cao (> 8,9 µg/L). Kết quả cho thấy nồng độ Hg trong máu có liên quan đáng kể với sự giảm hình dạng tinh trùng bình thường (p = 0,02). Tinh trùng có hình dạng bình thường của nhóm Hg trong máu thấp (54,6%) lớn hơn đáng kể so với nhóm cao và trung bình (46,1% và 48,3%) (p <0,05). Ngược lại, nồng độ Hg trong máu không tương quan đáng kể với nồng độ FSH, LH, testosterone hoặc prolactin. Ngoài ra, kết quả cho thấy lượng cá tiêu thụ và nồng độ Hg trong máu có tương quan đáng kể với sự giảm hình dạng tinh trùng bình thường (p = 0,02). Lượng cá tiêu thụ và nồng độ Hg trong máu cao có tỷ lệ tinh trùng hình dạng bình thường thấp hơn (45,1%) so với trường hợp không ăn cá và lượng Hg trong máu thấp (53,2%). Bên cạnh đó, lượng cá tiêu thụ và nồng độ Hg trong tinh dịch cũng có tương quan đáng kể với sự giảm hình dạng tinh trùng bình thường, nhưng không đáng kể. Ngoài ra, nồng độ Pb trong máu có mối liên quan đến việc giảm đáng kể tổng số tinh trùng (p = 0,04).

Nghiên cứu đã tìm ra một trong những vấn đề quan trọng là lượng cá tiêu thụ và mức Hg trong máu cao có thể làm giảm tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường. Do đó, lượng cá tiêu thụ có thể là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với mức Hg tăng cao ở nam giới và ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa với kích thước mẫu lớn để khẳng định rằng liệu lượng tiêu thụ loại cá ăn thịt có ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch của nam giới hay không.

Nguồn: Chin-En Ai (2019), Blood and seminal plasma mercury levels and fish intake in relation to low semen quality, Environmental Science and Pollution Research. https://doi.org/10.1007/s11356-019-04592-6.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK