Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 03-12-2019 9:11am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Trong quá trình sinh tinh, nhân tinh trùng được nén chặt bằng cách thay thế protein histone bằng protamine để thu gọn kích thước đầu tinh trùng, giúp tinh trùng dễ dàng di động để tiếp xúc với noãn. Sự giảm nén chặt nhiễm sắc chất tinh trùng là sự thay đổi đầu tiên khi tinh trùng xâm nhập vào tế bào chất của noãn và là điều kiện tiên quyết để hình thành tiền nhân và hoà nhập tiền nhân. Vì vậy quá trình giải nén ở nhân có thể là thước đo khả năng thụ tinh của tinh trùng.

Một số nghiên cứu trước đó cho thấy, sự thay đổi trong quá trình nén chặt nhiễm sắc chất có liên quan đến khả năng giải nén của tinh trùng trong tế bào chất của noãn, vì vậy có liên quan đến sự phát triển sớm của phôi. Hơn nữa, sai hỏng DNA có liên quan đến bất thường trong đóng gói nhiễm sắc chất và có thể thấy rằng DNA sai hỏng là nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ của những phôi được thụ tinh từ noãn bình thường và tinh trùng bất thường DNA.

Những năm gần đây, C. Galotto và cộng sự đã có một số nghiên cứu về sự giải nén nhiễm sắc chất tinh trùng in vitro với sự hiện diện của heparin (Hep) và Glutathione (GSH). GSH là chất làm giảm liên kết disulfide của protamine và Hep là chất có cấu trúc và đặc tính sinh học tương tự với heparan sulfate (HS). HS hiện diện trong noãn của người và một số động vật có vú khác và được xem là có liên quan đến giải nén nhiễm sắc chất tinh trùng in vivo. Theo những nghiên cứu trước của nhóm, khả năng giải nén tinh trùng với sự hiện diện của Hep và GSH không giống nhau ở tất cả bệnh nhân. Dữ liệu cho thấy có khoảng 10% chu kỳ ICSI thất bại trong việc tạo phôi và trong số đó có khoảng 15% tinh trùng có DNA vẫn còn nén. Theo nhóm tác giả này, những người nam có tinh trùng không có khả năng giải nén không thích hợp để thực hiện ICSI. Để nghiên cứu sâu hơn về tác động của việc không giải nén được nhân lên kết quả phôi học và kết quả điều trị của bệnh nhân, C. Galotto và cộng sự tiếp tục thực hiện nghiên cứu này với mục đích phân tích khả năng giải nén in vitro của tinh trùng và để xác định liệu rằng nó có liên quan đến chất lượng phôi cũng như kết cục điều trị của bệnh nhân mà đặc biệt là tỉ lệ sinh sống hay không?

Nghiên cứu trên 129 bệnh nhân trong đó có 45 trường hợp xin noãn thực hiện từ tháng 10/2012 đến tháng 12/2014. Mức độ giải nén DNA với Hep và GSH cũng như chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng đo bằng kỹ thuật TUNEL được đánh giá. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Chất lượng phôi có tương quan mật thiết với tốc độ giải nén nhân tinh trùng (p<0,05). Dựa vào tốc độ giải nén, bệnh nhân được chia thành hai nhóm giải nén chậm (SlowD) và giải nén nhanh (FastD). Chất lượng phôi tốt ở nhóm FastD chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với nhóm SlowD. Khi chia hai nhóm này dựa vào chu kỳ có xin noãn hay không, kết quả nghiên cứu thấy rằng ở nhóm SlowD, tỉ lệ thai sinh hoá và tỉ lệ lâm sàng ở nhóm xin noãn cao hơn nhóm sử dụng noãn tự thân. Chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng đo bằng kỹ thuật TUNEL không tương quan với chất lượng phôi. Tuy nhiên những bệnh nhân có chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng cao ở nhóm SlowD không có trường hợp nào có thai lâm sàng hay trẻ sinh sống.

Kết quả nghiên cứu cho thấy giải nén nhân tinh trùng in vitro có thể có tương quan với chất lượng phôi và kết cục điều trị của bệnh nhân.

CVPH. Lê Thị Bích Phượng - IVFMD PN

Nguồn: Human sperm decondensation in vitro is related to cleavage rate and embryo quality in IVF. urnal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-019-01590-y
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK