Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 03-12-2019 9:17am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Đáp ứng kém chiếm khoảng 15 – 16% các chu kỳ IVF/ICSI, và là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến kết cục điều trị. Trong chu kỳ kích thích buồng trứng, GnRH antagonist được sử dụng để ức chế hình thành đỉnh LH. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy có khoảng 0.34 – 8% thất bại trong ức chế đỉnh LH bằng GnRH antagonist, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, giảm dự trữ buồng trứng và đáp ứng kém với kích thích buồng trứng.

Progestin được sử dụng rộng rãi để kiểm soát phóng noãn như thuốc ngừa thai trong hơn 50 năm qua. Kể từ năm 2013, progestin còn được dùng để ức chế phóng noãn trong chu kỳ kích thích buồng trứng nhờ sự phát triển của kỹ thuật trữ phôi. Các nghiên cứu trước đây cho thấy phác đồ dùng progestin để ức chế đỉnh LH kết hợp trữ phôi toàn bộ cho tỷ lệ có thai tương đương với phác đồ chuẩn dùng GnRH antagonist ở nhóm đáp ứng bình thường. Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu quả ức chế đỉnh LH sớm và phóng noãn sớm khi dùng progestin trên nhóm đáp ứng kém so với GnRH còn hạn chế.



Tác giả Chen và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng so sánh hiệu quả ức chế đỉnh LH sớm trong kích thích buồng trứng của progestin và GnRH antagonist ở nhóm đáp ứng kém. Đáp ứng kém được định nghĩa theo tiêu chuẩn Bologna. Những bệnh nhân có bệnh lý hệ thống, suy buồng trứng sớm, dị dạng tử cung, chống chỉ định với thuốc điều trị, IVF thất bại 5 lần hoặc không đồng ý tham gia sẽ bị loại khỏi nghiên cứu.

Có 340 bệnh nhân phù hợp tiêu chuẩn được chia thành 2 nhóm, 170 bệnh nhân mỗi nhóm, GnRH antagonist và medroxyprogesterone acetate (MPA). Ở nhóm GnRH antagonist, bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ linh hoạt, GnRH antagonist sẽ được thêm vào mỗi ngày, bắt đầu khi xuất hiện nang vượt trội đạt kích thước  14mm. Ở nhóm progestin, bệnh nhân được dùng medroxyprogesterone acetate 10mg từ ngày 3 chu kỳ cùng với hMG. Duy trì progestin cho đến ngày tiêm trưởng thành noãn.

Kết cục chính là tỷ lệ tăng LH sớm, tức nồng độ LH > 15 mIU/ml vào ngày tiêm trưởng thành noãn có thể có hoặc không có phóng noãn và sự tăng nồng độ progesterone. Kết cục phụ bao gồm số noãn, số phôi khả dụng, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ thai sinh sống.

Kết quả ghi nhận có sự tương đồng về đặc điểm dân số của hai nhóm (tuổi, BMI, AMH, AFC, FSH, thời gian mong con).
Vào ngày trưởng thành noãn, nồng độ LH ở nhóm dùng GnRH antagonist dao động biên độ lớn (0.4 – 43.18 mIU/ml) so với nhóm dùng progestin (0.51 – 12.74 mIU/ml). Nồng độ LH trung bình vào ngày trưởng thành noãn của nhóm dùng GnRH antagonist thấp hơn nhóm dùng progestin có ý nghĩa thống kê, 1.79 mIU/ml so với 2.15 mIU/ml, p < 0.05.

Xuất hiện đỉnh LH sớm (LH > 15 mIU/ml) xảy ra 10 ca ở nhóm GnRH antagonist (5.88%) và không có ở nhóm progestin (0%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Hai ca phóng noãn trước thời điểm chọc hút xảy ra ở nhóm GnRH antagonist mà không có sự xuất hiện đỉnh LH sớm.

Không có sự khác nhau ở hai nhóm về các đặc điểm lâm sàng như thời gian kích thích buồng trứng, tổng liều FSH, nồng độ estradiol vào ngày tiêm trưởng thành noãn, số noãn chọc hút được, số noãn trưởng thành, số noãn thụ tinh, số phôi và số phôi khả dụng.

Không có sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng, thai sinh sống, cân nặng lúc sinh, tỷ lệ sẩy thai và tỷ lệ dị tật bẩm sinh giữa hai nhóm.
Nghiên cứu cho thấy progestin ức chế đỉnh LH sớm tốt hơn GnRH antagonist ở nhóm bệnh nhân đáp ứng kém. Tuy nhiên, chiến lược dùng progestin để ức chế đỉnh LH sớm sau đó trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi trữ không giúp tăng tỷ lệ thai so với dùng GnRH antagonist. Cần thêm nghiên cứu trên cỡ mẫu lớn hơn và phân tích hiệu quả - kinh tế đối với hai chiến lược điều trị trên.  

Bs Lê Long Hồ, IVFMD – Bệnh viện Mỹ Đức
 
Nguồn: Chen, Q., Chai, W., Wang, Y., Cai, R., Zhang, S., Lu, X., ... & Sun, L. (2019). Progestin versus gonadotropin-releasing hormone antagonist for the prevention of premature luteinizing hormone surges in poor responders undergoing in vitro fertilization treatment: a randomized controlled trial. Frontiers in Endocrinology, 10, 796.
Từ khoá: ức chế đỉnh LH, progestin, GnRH antagonist, đáp ứng kém
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK