Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 26-11-2019 3:37pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

NHS. Đặng Hồng Thúy – IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức


Mong muốn được làm bố, làm mẹ là điều tất yếu ở mỗi cặp vợ chồng. Nhưng mong muốn đó trở thành khao khát, ước mơ của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Và điều trị hiếm muộn - một hành trình gian nan đòi hỏi không đơn giản chỉ là sự cố gắng. Chính vì vậy, không ít người trong số họ đã bỏ cuộc giữa hành trình này - hành trình tìm kiếm hạnh phúc mang tên “Con”. Vậy đâu là lý do khiến các cặp vợ chồng từ bỏ việc điều trị? Một nghiên cứu của Alice D.Domar và cs. vào năm 2018 được thực hiện tại Hoa Kỳ trên 893 phụ nữ được bảo hiểm chi trả trong quá trình điều trị. Họ đã hoàn thành một chu kì thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng không trở lại trong vòng một năm để tiếp tục điều trị dù chưa thành công. Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định các lý do chính khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn kết thúc quá trình điều trị. Để thực hiện nghiên cứu này, các đối tượng được khảo sát là những phụ nữ trong độ tuổi 18 đến 42, đã điều trị IVF tại IVF Boston từ 01/01/2010 đến 31/05/2014. Tiêu chuẩn loại bao gồm các bệnh nhân xin noãn hoặc đã mang thai. Nhóm nghiên cứu thực hiện gởi email, thư hoặc gọi điện thoại để mời nhóm đối tượng đủ tiêu chuẩn tham gia khảo sát thông qua bộ câu hỏi trực tuyến. Bộ câu hỏi bao gồm các yếu tố liên quan đến quyết định ngưng điều trị cũng như các đề xuất nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân trong tương lai; cụ thể là: khả năng tiếp cận và được cung cấp thông tin, thái độ của nhân viên, sự tham gia của bệnh nhân, quyền riêng tư và sự hỗ trợ về tâm lý. Các câu trả lời khảo sát được thu thập, lưu trữ và bảo mật.

Có 383 phụ nữ hoàn thành khảo sát với tỷ lệ phản hồi 42,9%. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ này tăng dần theo tuổi: 28 phụ nữ <30 tuổi (9,0%), 85 phụ nữ từ 30 đến <35 tuổi (27,2%), 121 phụ nữ từ 35 đến <40 tuổi (38,8%) và 25,0% còn lại trong độ tuổi 40 đến 42. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy khoảng 62,5% số người tham gia nghiên cứu đã ngưng điều trị hoàn toàn tại trung tâm cũng như tìm kiếm phương án điều trị ở những trung tâm khác, 40,2% trong số họ gặp phải tình trạng căng thẳng quá độ khi điều trị, 25,1% không đủ khả năng chi trả, hoặc vì lý do hết hạn bảo hiểm chiếm 24,6%. Bên cạnh đó, có 24,1% phụ nữ có thai tự nhiên. Trong số những nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng, các nguyên nhân hàng đầu bao gồm (i) việc đã quá kỳ vọng IVF sẽ mang lại cơ hội thành công tốt nhất cho họ (65,0%) (2i) cảm thấy quá áp lực để tiếp tục (47,5%) và (3i) hiếm muộn đã gây tổn hại rất nhiều đối với các mối quan hệ của họ (36,3%). Trong số 40,2% phụ nữ đề cập đến vấn đề căng thẳng quá độ khi điều trị, cũng có sự khác biệt đáng kể theo tuổi khi nhóm phụ nữ <30 tuổi chiếm 12,5% và nhóm phụ nữ từ 40 đến 42 tuổi chiếm 33,3% thấp hơn nhóm từ 30 đến <35 tuổi (45,1%) và 35 đến <40 tuổi (48,6%). Về vấn đề không đủ kinh phí để chi trả trong quá trình điều trị cũng có sự khác biệt đáng kể theo tuổi (P=0,01) với tỷ lệ cao nhất ở nhóm phụ nữ từ 40 đến 42 tuổi (25,0%). Khi những người tham gia được hỏi rằng điều gì có thể đem lại cho họ các trải nghiệm tốt hơn, các mong muốn phổ biến bao gồm: cung cấp dịch vụ chăm sóc ngoài giờ (vào buổi tối) hoặc cuối tuần (47,4%) và dễ dàng tiếp cận với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần (39,4%), điều này được nhắc đến nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Khoảng 34,8% phụ nữ đã tìm đến nơi khác để điều trị, lý do phổ biến nhất được đưa ra là mong muốn tìm được hướng điều trị khác (55,7%), kế tiếp là không hài lòng với dịch vụ chăm sóc (40,6%) hoặc đã nghe những điều tích cực từ các trung tâm khác (27,4%). Ở những phụ nữ trẻ tuổi, họ có xu hướng tìm kiếm thêm phương án điều trị và nghe những điều tích cực từ trung tâm khác hơn là vấn đề không hài lòng với dịch vụ chăm sóc. Như vậy, gánh nặng về tâm lý là lý do phổ biến nhất giải thích vì sao những bệnh nhân được bảo hiểm chi trả trong quá trình điều trị lại từ bỏ việc điều trị. Chiến lược giảm thiểu sự căng thẳng là mong muốn của bệnh nhân và có tác động lớn đến quyết định từ bỏ khi điều trị hiếm muộn.

Điểm hạn chế của nghiên cứu này bao gồm tỷ lệ phản hồi thấp và lý do được đưa ra của những người tham gia có thể khác với những người không tham gia, tương tự những phụ nữ được chăm sóc ở trung tâm khác sẽ có những lý do khác nhau để ngưng điều trị. Điểm mạnh của nghiên cứu này là có cỡ mẫu lớn và khả năng so sánh kết quả theo độ tuổi.

Kết quả của nghiên cứu ghi lại sự tác động từ các yếu tố gây căng thẳng đến quyết định ngưng điều trị của những bệnh nhân được bảo hiểm chi trả trong quá trình điều trị IVF, định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo tập trung vào những cách thức hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất nhằm giảm thiểu sự căng thẳng và hỗ trợ bệnh nhân không bỏ cuộc trên hành trình điều trị hiếm muộn đến khi được đón chào sự ra đời của một đứa con khỏe mạnh.

Nguồn: Alice D. Domar, Kristin Rooney, Michele R. Hacker, Denny Sakkas and Laura E. Dodge. Burden of care is the primary reason why insured women terminate in vitro fertilization treatment. (2018) Fertil Steril, 109(6): 1121–1126.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK