Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-11-2019 9:57am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh

Khi điều trị IVF, phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ phôi bị lệch bội càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tuổi, liệu việc kích thích buồng trứng (KTBT) có làm tăng nguy cơ phôi bị lệch bội hay không vẫn còn là một vấn đề đang tranh cãi. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy càng tăng liều FSH thì nguy cơ phôi lệch bội càng tăng. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trên chuột có hạn chế là tỉ lệ phôi lệch bội thấp hơn nhiều so với ở người cũng như là chưa có bằng chứng chứng minh cơ chế gây phôi lệch bội ở người và chuột là giống nhau. Hiện tại cũng đã có một vài nghiên cứu về việc liệu KTBT có làm tăng tỷ lệ phôi lệch bội ở những phụ nữ điều trị IVF hay không. Hai nghiên cứu trên đối tượng xin noãn (2010) và noãn tự thân (2007) cho kết quả giống nhau là giảm liều KTBT sẽ làm giảm số phôi thu được nhưng lại tăng tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ phôi nguyên bội. Tuy nhiên, một nghiên cứu sau đó (2012) lại cho thấy số lượng phôi tạo ra không tương quan với tỷ lệ lệch bội nghĩa là kích thích nhiều noãn cho nhiều phôi nhưng không tăng tỷ lệ phôi bị lệch bội. Một nghiên cứu gần đây (2017) đánh giá trên 4.034 phôi từ những phụ nữ được KTBT liều nhẹ, trung bình và cao, được chuyển đơn phôi nang có tầm soát phôi lệch bội (PGT-A) cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ phôi lệch bội hoặc tỷ lệ thai.

Từ các kết quả không đồng nhất giữa các nghiên cứu như trên, Kathleen và cộng sự (2019) đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá xem liệu các ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) sử dụng chu kỳ tự nhiên (chỉ dùng thuốc khởi động trưởng thành noãn) so với các ca KTBT thường quy sử dụng các hormone sinh dục ngoại sinh có làm giảm nguy cơ phôi bị lệch bội hay không.

Đây là một nghiên cứu tiến cứu, được thực hiện từ tháng 4/2013 đến tháng 8/2015. Tất cả các bệnh nhân đến khám vô sinh được đề nghị tham gia vào nghiên cứu. Bệnh nhân trong nhóm chu kỳ tự nhiên được điều trị TTTON không KTBT. Nếu bệnh nhân có phôi nang nguyên bội sẽ được chuyển phôi trữ sau đó. Tỷ lệ phôi lệch bội ở các chu kỳ IVF không KTBT được so sánh với tỷ lệ phôi lệch bội ở các bệnh nhân IVF được kiểm soát theo tuổi có KTBT sử dụng hormone sinh dục ngoại sinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lệch bội tương đương nhau ở các chu kỳ IVF có và không có KTBT. Tương tự các chu kỳ IVF có KTBT, tỷ lệ phôi lệch bội trong các chu kỳ tự nhiên cũng tăng theo tuổi vợ. Bên cạnh đó, tỷ lệ làm tổ của phôi nang nguyên bội cũng tương đương nhau ở các chu kỳ IVF tự nhiên và KTBT.

Như vậy, tỷ lệ phôi lệch bội không bị ảnh hưởng bởi KTBT với các hormone sinh dục ngoại sinh. Những lo ngại trước đây về việc KTBT gây ra nguy cơ phôi lệch bội cao hơn không được hỗ trợ bởi dữ liệu trong nghiên cứu này.
 
Nguồn: Hong, Kathleen H. et al., 2019. Embryonic aneuploidy rates are equivalent in natural cycles and gonadotropin-stimulated cycles. Fertility and Sterility, Volume 112, Issue 4, 670 – 676.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK