Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-11-2019 9:51am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH - Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương

Ở nam giới lớn tuổi, chức năng tinh hoàn có nhiều thay đổi như các ống sinh tinh bị thu hẹp, số lượng tế bào mầm, tế bào Leydig và Sertoli suy giảm. Bên cạnh đó, những thay đổi điều hòa trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục có thể dẫn đến quá trình apoptosis hoặc tích lũy các gốc oxy hóa tự do (ROS) gây stress oxy hóa và phân mảnh DNA tinh trùng (sperm DNA Fragmentation - SDF) (Kaarouch I, 2018). SDF cao làm giảm khả năng phát triển phôi và tăng tỉ lệ sẩy thai trong IVF (Choy HY, 2017). Ngoài ra, phương pháp xử lý tinh trùng cũng được xem là một yếu tố gây SDF. Hiện nay, Swim-up (SU) và thang nồng độ (Density Gradient Centrifugation -DGC) là hai phương pháp được sử dụng phổ biến. Elena Albani và cộng sự đã tiến hành đánh giá mối liên quan giữa độ tuổi nam giới và chỉ số phân mảnh DNA (DNA Fragmentation Index) sử dụng phương pháp DGC với hai loại môi trường PureSperm® (Thụy Điển) và Gradient™ (Đan Mạch).

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6-2018 tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản Humanitas, Ý. Các mẫu tinh dịch được thu nhận từ 89 người đàn ông và được chia thành 2 nhóm: nhóm A (19-38 tuổi), nhóm B (39-51 tuổi), các thông số tinh dịch và DFI đã được đánh giá trước và sau khi xử lý DGC sử dụng hai môi trường PureSperm® và Gradient™.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về các thông số tinh dịch trước và sau xử lý bằng phương pháp DGC khi sử dụng PureSperm® và Gradient™. Ảnh hưởng của tuổi đến các thông số tinh dịch ở hai nhóm không có sự khác biệt, tương ứng với Mean (±SD) ở nhóm A và B như sau: tuổi 34 (± 3,67) và 42,89 (± 3,37), thể tích tinh dịch 3,77 (± 1,07) và 3,41 (± 0,91), mật độ tinh trùng 60,46 (± 19,99) và 63,87 (± 21,71), di động tiến tới 30,08 (± 6,32) và 29,12 (± 6,29), tỉ lệ sống 78,1 (± 5,63) và 77,35 (± 7,02). DFI trước và sau xử lý bằng DGC cho thấy nhóm B tăng đáng kể so với nhóm A (p=0,0122), số lượng mẫu có SDF >30% ở nhóm B cao hơn đáng kể so với nhóm A tương ứng 15,38% và 2%.

Như vậy, nghiên cứu cho thấy việc lựa chọn DGC vẫn có thể gây phân mảnh DNA tinh trùng, tỉ lệ phân mảnh DNA ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi (39-51 tuổi) cao hơn so với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi (19-38 tuổi).
 
Nguồn: Elena Albani và cs., 2019. Male age: negative impact on sperm DNA fragmentation, Aging. DOI: 10.18632/aging.101946

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK