Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-11-2019 9:56am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS Lê Khắc Tiến - BV Mỹ Đức

Sinh non là một hệ quả có nguồn gốc đa yếu tố, một vấn đề khó giải quyết trong sản khoa. Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ (ví dụ như tiền căn sinh non trước đó, cổ tử cung ngắn), mối liên quan giữa lượng rượu tiêu thụ và tỉ lệ sinh non của mẹ vẫn chưa rõ ràng, tỷ số nguy cơ dao động từ 0,66 (KTC 95% 0,52-0,84) đến 1,34 (95 % CI 1.28-1.41) (theo các nghiên cứu của tác giả Strandberg - Larsen và tác giả Aliyu).

Gần đây, tác giả Ikehara và cộng sự đã trình bày những phát hiện từ Nghiên cứu về Môi trường và Trẻ em Nhật Bản (Japan Environment and Children's Study), là một nghiên cứu đoàn hệ lớn trên toàn Nhật Bản về sản khoa. Họ đã báo cáo mối liên quan luỹ tiến giữa mức độ tiêu thụ rượu trong tam cá nguyệt hai, tam cá nguyệt ba và sinh non; cụ thể, nguy cơ sinh non thấp hơn (OR hiệu chỉnh [aOR] 0,78, KTC 95% 0,60 - 1,00) ở những người uống ít nhưng tăng nguy cơ sinh non (aOR 4,52, KTC 95% 1,68, - 12,2) ở những người nghiện rượu nặng (phụ nữ tiêu thụ > 300g rượu / tuần, ~21 đơn vị tiêu chuẩn, 1 đơn vị tiêu chuẩn khoảng 1 lon bia chứa 5% cồn). Không có mối liên quan giữa lượng rượu trong ba tháng đầu và sinh non. Một điểm mạnh lớn của nghiên cứu này chính là cỡ mẫu với hơn 90.000 trường hợp.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có nhiều điểm hạn chế. Những dữ liệu trong nghiên cứu - đặc biệt là tỷ lệ sinh non thấp hơn ở những người uống ít - nên được giải thích một cách thận trọng. Ngay cả trong số những người uống rượu, dữ liệu đã được thu gọn vào mức tiêu thụ hàng tuần, làm giảm khả năng đánh giá việc uống rượu so với mức độ uống hàng ngày. Những dữ liệu này giới hạn ở một nhóm dân số Nhật Bản, một nhóm dân số dường như mang đặc điểm di truyền không thể dung nạp được chất có cồn, đồng thời lại có tỉ lệ sinh non thấp (4,2%). Hơn nữa, phụ nữ có tiền căn thai kỳ bất thường có thể ít tiêu thụ các chất có cồn hơn, nhưng vì tiền căn sản khoa của họ có nhiều nguy cơ sinh non, làm sai lệch kết quả so với những người không uống rượu. Mặc dù phụ nữ có tiền căn sinh non trước đó đã bị loại khỏi phân tích, nghiên cứu lại không có thông tin bổ sung nào về tiền căn sản khoa hoặc các yếu tố nguy cơ sản khoa. Có thể dùng một phân tích độ nhạy đánh giá xem các kết cục quan sát được (đặc biệt ở những người uống rượu ít) giữa những người con so hoặc những người tiền căn sản khoa bình thường có thể giải quyết được vấn đề gây nhiễu cụ thể này. Ngoài ra, kết cục lâu dài của trẻ về khả năng nhận thức, phát triển thần kinh và các chỉ số sức khỏe lâu dài khác nên được nghiên cứu thêm chứ không chỉ đơn thuần là kết cục sinh non. Cuối cùng, ngay cả trong số những người nghiện rượu nặng, các yếu tố thống kê cũng cần được xem xét, đặc biệt là với quy mô của nghiên cứu đoàn hệ vì cỡ mẫu lớn thì sự khác biệt dễ đạt được ý nghĩa thống kê hơn. Chỉ 0,08% (n = 73) phụ nữ trong đoàn hệ này có mức tiêu thụ rượu vừa hoặc nặng trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Trong số phụ nữ này, chỉ có tám trường hợp sinh non.

Khi đưa những kết quả này vào bối cảnh của các khuyến cáo lâm sàng hiện nay, điều quan trọng cần lưu ý chính là rượu có khả năng gây ra quái thai và sử dụng rượu với bất kì mức độ nào trong thai kỳ đều có thể gây hại, rượu có tác động tiềm tàng không thể đảo ngược đối với cấu trúc và chức năng não trong phát triển tâm thần kinh ngắn hạn ở thai nhi cũng như tác động dài hạn đến sự phát triển sau này ở trẻ.

Tóm lại, những dữ liệu từ nghiên cứu của tác giả Ikehara nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc tiêu thụ rượu trong suốt thời kỳ mang thai và tiếp tục củng cố các khuyến nghị về việc kiêng rượu trong thai kỳ.

Nguồn: Sun, S. and Manuck, T. (2019), Alcohol in pregnancy: not recommended at any gestational age. BJOG: Int J Obstet Gy, 126: 1455-1455. doi:10.1111/1471-0528.15918

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK