Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 27-11-2019 9:11am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
 Đào Thị Thanh – IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức
 
Thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) là một kỹ thuật điều trị chuyên sâu, tốn kém và căng thẳng. Có nhiều vấn đề liên quan đến chế độ sinh hoạt và cuộc sống sau chuyển phôi. Các vấn đề thường được bệnh nhân đặt ra nhiều nhất bao gồm: nghỉ ngơi tại giường, quan hệ tình dục, chơi thể thao và công việc sau chuyển phôi. Bài viết nhằm mục đích mang lại cách nhìn chính xác và khoa học về các vấn đề thường gặp này.



Có nên nằm nghỉ tại giường sau khi chuyển phôi?

Trong thời gian đầu khi TTON mới ra đời, việc bệnh nhân nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi là một phần trong thực hành điều trị. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của việc nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi. Kết quả từ các nghiên cứu này cho thấy, không có sự khác biệt nào về kết quả điều trị ở hai nhóm bệnh nhân có và không có nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi. Điều này có thể được hiểu thông qua cơ chế của quá trình phôi làm tổ. Đầu tiên, “khoang” nội mạc tử cung không phải là một khoảng không gian thực sự mà là một “khoang ảo”. Sau khi chuyển phôi vào buồng tử cung, nội mạc tử cung thành trước và thành sau ngay lập tức áp vào nhau; do đó, phôi không thể “rơi” ra ngoài như suy nghĩ của bệnh nhân. Tiếp theo đó, các nghiên cứu sử dụng siêu âm theo dõi “giọt môi trường chứa phôi” sau chuyển phôi ghi nhận không có bất cứ ảnh hưởng nào của trọng lực lên “giọt môi trường chứa phôi” này. Như vậy, việc đứng dậy, đi lại hay thay đổi tư thế không làm ảnh hưởng đến vị trí của phôi trong buồng tử cung (hay “khoang” nội mạc tử cung). Việc nằm nghỉ tại giường sau chuyển phôi do đó làm tăng các gánh nặng không cần thiết cho bệnh nhân và cơ sở y tế vì: tốn kém thời gian của bệnh nhân, gây cảm giác lo lắng và căng thẳng không cần thiết, đồng thời việc nằm nhiều có thể tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Bên cạnh đó, việc nằm nhiều cũng tăng gánh nặng cho cơ sở y tế trong việc sắp xếp và vận chuyển bệnh cũng như chuẩn bị giường và không gian nằm nghỉ cho bệnh nhân.

Quan hệ tình dục sau khi chuyển phôi 

Phụ nữ điều trị TTON thường lo ngại việc quan hệ tình dục có thể cản trở sự làm tổ của phôi, nhất là khi họ có các cơn co thắt tử cung khi đạt cực khoái vì lo ngại sự tăng áp lực đột ngột trong buồng tử cung tại thời điểm này. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng có cỡ mẫu lớn cho thấy có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ làm tổ của phôi ở những phụ nữ đã giao hợp trong vòng 2 ngày sau khi chuyển phôi. Việc giao hợp sau chuyển phôi được cho rằng có thể mang lại các chất hỗ trợ về mặt miễn dịch cho phôi trong quá trình phôi làm tổ đến từ tinh dịch chẳng hạn như TGF-ß hay prostaglandin E1. Tuy nhiên, việc quan hệ tình dục cần được hạn chế nếu người phụ nữ có buồng trứng với kích thước lớn do tăng nguy cơ xoắn buồng trứng hay vỡ nang xuất huyết sau chọc hút. Ngoài ra, tuy rất ít khi xảy ra, việc quan hệ tình dục sau chuyển phôi có thể dẫn đến tình trạng đa thai do có sự hiện diện của thai kỳ tự nhiên bên cạnh thai kỳ TTON. Do đó, các bằng chứng nghiên cứu hiện tại cho thấy các cặp vợ chồng có thể sinh hoạt tình dục sau khi chuyển phôi với điều kiện người phụ nữ không gặp phải tình trạng khó chịu vùng chậu liên quan đến kích thước lớn của buồng trứng.

Hoạt động thể chất sau khi chuyển phôi

Nhiều phụ nữ lo ngại rằng tập thể dục với cường độ cao sau khi chuyển phôi có thể cản trở việc chuyển phôi thành công. Hiện tại, có rất ít thông tin liên quan đến sự an toàn của việc tập luyện thể dục sau khi chuyển phôi. Morris và cs. đã nghiên cứu ảnh hưởng của các loại bài tập khác nhau đến kết quả điều trị TTON. Họ kết luận rằng tập thể dục theo kiểu bài tập cardio gắng sức, đặc biệt là trong khoảng thời gian hơn 4 giờ mỗi tuần, có liên quan đến sự gia tăng thất bại trong chuyển phôi và sẩy thai khi so sánh với việc không tập thể dục hoặc tập thể dục nhẹ trong ít hơn 4 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, nhược điểm của nghiên cứu này là các tác giả đánh giá việc luyện tập ở thời điểm chuẩn bị điều trị TTON chứ không phải sau chuyển phôi. Có một số cơ chế mà việc luyện tập thể dục có thể tác động lên thai kỳ. Đầu tiên có thể là các rung động cơ học liên quan đến tập thể dục cường độ cao. Thứ hai, nhiệt độ lõi của cơ thể có thể tăng tới 2oC trong khi chơi thể thao cường độ cao, sự tăng nhiệt độ như vậy có liên quan đến sẩy thai hay dị tật thai. Cuối cùng, chơi thể thao có liên quan đến thiếu hụt giai đoạn hoàng thể và là tác nhân khởi phát của tình trạng tăng stress oxy hóa, các gốc tự do có liên quan đến sự suy yếu trong phát triển phôi. Như vậy, có thể tư vấn cho người phụ nữ sau chuyển phôi hạn chế tập luyện với kiểu bài tập cardio cường độ cao và luyện tập bằng cách đi bộ với thời gian 30 phút mỗi ngày.

Quay trở lại công việc sau chuyển phôi

Một số bệnh nhân điều trị TTON sắp xếp ngừng đi làm vì cho rằng dừng công việc một thời gian có thể giúp chuyển phôi thành công. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng có bằng chứng cho thấy mức độ lo lắng và căng thẳng gia tăng trong quá trình điều trị TTON có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả. Thay vì lo lắng về kết quả điều trị, việc đi làm có thể là một cách để bệnh nhân sau chuyển phôi giảm bớt trạng thái này. Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc rất căng thẳng hoặc phải tiếp xúc với tác nhân gây độc ảnh hưởng lên khả năng sinh sản (hóa chất, chiếu xạ) thì có thể nghỉ phép sau chuyển phôi.  Do đó, các cơ sở điều trị hỗ trợ sinh sản nên chủ động và giải thích cho bệnh nhân của họ - cả bằng lời nói và bằng văn bản - về những vấn đề này trong quá trình điều trị.  


TÀI LIỆU THAM KHẢO Cozzolino M, Troiano G, Esencan E. Bed rest after an embryo transfer: a systematic review and meta-analysis. Arch Gynecol Obstet. 2019 Nov;300(5):1121-1130.
Kelton Tremellen (2012). Life after embryo transfer. Khaldoun Sharif. Assisted Reproduction Techniques: Challenges and Management Options, first edition, Blackwell Publishing, United Kingdom, 261-264.

Morris SN, Missmer SA, Cramer DW, Powers RD, McShane PM, Hornstein MD. Effects of lifetime exercise on the outcome of in vitro fertilization. Obstet Gynecol. 2006; 108, 938–45.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK