Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 28-11-2019 4:08pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My – Bệnh viện Mỹ Đức

Nhau tiền đạo và nhau bám thấp liên quan đến xuất huyết trong thai kỳ và một số biến chứng như sinh non hoặc mạch máu tiền đạo. Có đến 90% trường hợp chẩn đoán nhau bám thấp ở tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ không còn vào ba tháng cuối. Một số hướng dẫn thực hành đề nghị cần đánh giá lại vị trí nhau bám vào quý ba thai kỳ ở tất cả các trường hợp nhau bám thấp ghi nhận ở quý hai, tuy nhiên hầu hết đều nhận thấy nhau ở vị trí bình thường khi đánh giá lại. Vấn đề đặt ra là, liệu chẩn đoán nhau bám thấp giai đoạn tam cá nguyệt giữa có gây nên những áp lực không đáng có cho bệnh nhân cũng như bác sĩ lâm sàng không? Có cần thiết phải đánh giá lại nhóm bệnh nhân này vào cuối thai kỳ hay không?


Nguồn: healthhand.com

Tổng quan hệ thống và phân tích gộp các nghiên cứu khảo sát nhau bám thấp hiện nay vẫn chưa có câu trả lời điểm cắt khoảng cách giữa mép dưới nhau và lỗ trong cổ tử cung (CTC) và khả năng duy trì chẩn đoán nhau bám thấp, hoặc loại trừ các trường hợp không cần theo dõi.

Một nghiên cứu đánh giá khả năng dự đoán nhau bám thấp ở quý ba thai kỳ dựa vào khoảng cách giữa bánh nhau – lỗ trong CTC và xác định ngưỡng cắt khoảng cách này trong tiên lượng nhau bám thấp vừa công bố kết quả trên tạp chí ISUOG tháng 11/2019.

Nghiên cứu thiết kế dạng đoàn hệ tiến cứu, dữ liệu được thu thập trên nhóm bệnh nhân được chẩn đoán nhau bám thấp (khi khoảng cách giữa bánh nhau và lỗ trong CTC < 20 mm) dựa trên siêu âm ngả âm đạo giai đoạn thai 18-24 tuần. Tất cả những bệnh nhân này sẽ được siêu âm lại vào tam cá nguyệt cuối của thai kỳ với cùng kỹ thuật siêu âm và tiêu chuẩn chẩn đoán. Tổng cộng có 959 thai phụ tham gia vào nghiên cứu. Kết quả phân tích được:
  • Ở tam cá nguyệt thứ hai, nhau bám mặt sau nhiều hơn mặt trước (62% so với 38%).
  • Đến tam cá nguyệt thứ ba chỉ có 48/958 (5,0%) trường hợp nhau thai vẫn còn ở vị trí thấp. Nhau tiền đạo ở tam cá nguyệt hai có nguy cơ trở thành nhau bám thấp cao hơn nhóm nhau bám thấp (tỷ lệ lần lượt là 37/181, khoảng 20% so với 11/777, khoảng 1,4%); RR 17,9 (95% CI 8,9-36).
  • Nhau bám mặt sau có nguy cơ nhau bám thấp ở quý ba cao hơn so với nhau bám mặt trước (tỷ lệ 38/594, 6,4% so với 10/364, 2,7%); RR 2,4 (95% CI 1,2-4,9).
  • Bệnh nhân có tiền sử sinh mổ lấy thai có nguy cơ nhau bám thấp cao hơn nhóm chưa từng mổ lấy thai (14/105, khoảng 13% so với 34/853, 4.0%); RR 3.7 (95% CI 1.9-7.2).
  • Ngưỡng cắt khoảng cách giữa bánh nhau và lỗ trong CTC trong tam cá nguyệt thứ hai để không bỏ sót bất kỳ trường hợp nhau bám thấp nào trong tam cá nguyệt thứ ba là 15,5 mm ở nhóm thai bám mặt sau. Đối với nhóm nhau bám mặt trước, khoảng cách này thấp hơn, thậm chí là bánh nhau phủ qua lỗ trong CTC đến 4,5 mm ở siêu âm ba tháng giữa thai kỳ.
Với các kết quả phân tích trên, để không bỏ sót bất kỳ thai phụ nguy cơ cao nào, cũng như giảm số ca theo dõi không cần thiết, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên hạ giá trị ngưỡng khoảng cách bánh nhau – lỗ trong CTC để theo dõi từ 20 mm xuống còn 5 mm trong các trường hợp nhau bám thấp mặt trước.

 
Lược dịch từ: Follow-up ultrasound in second-trimester low-positioned anterior and posterior placentas: prospective cohort study – ISUOG Nov.2019 - doi: 10.1002/uog.21903
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK