Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 11-11-2019 1:48pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

BS. Lê Tiểu My – Bệnh viện Mỹ Đức

Nguy cơ nhau tiền đạo (NTĐ) tăng dần theo tỷ lệ mổ lấy thai – được cho là đang có khuynh hướng gia tăng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, yếu tố nguy cơ chính của nhau cài răng lược (NCRL) cũng là tiền căn mổ lấy thai. Nhóm bệnh nhân nhau bám thấp và NTĐ thường có NCRL đi kèm. Một yếu tố quan trọng đối với thai phụ từng mổ lấy thai là thay đổi phân bố mạch máu và sự cung cấp oxygen vùng sẹo mổ cũng kém hơn, có thể ảnh hưởng đến quá trình làm tổ và biệt hoá bánh nhau. Giả thiết này lý giải sự phát triển bất thường của nhau và hậu quả có thể dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của thai. Ngoài ra, những bệnh nhân từng mổ lấy thai thường tăng trở kháng động mạch tử cung so với nhóm không mổ lấy thai trước đó. Thai phụ NTĐ thường bị xuất huyết trong thai kỳ hơn 50% trường hợp. Một nghiên cứu công bố gần đây cho thấy những trường hợp nhau tiền đạo có nguy cơ thai nhỏ so với tuổi thai cao hơn. Tất cả những yếu tố này đặt ra vấn đề liệu nguy cơ thai chậm tăng trưởng có tăng khi thai phụ được chẩn đoán NTĐ và/hoặc NCRL?

Một nghiên cứu khảo sát vấn đề trên đã công bố kết quả trên tạp chí ISUOG tháng 11/2019. Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đa trung tâm khảo sát trên thai phụ mang đơn thai NTĐ, có thể có hoặc không kèm NCRL. Nhóm bệnh nhân đối chứng gồm những thai phụ được chẩn đoán nhau bám thấp – bờ bánh nhau cách lỗ trong cổ tử cung 0,5 – 2cm trên siêu âm. Chẩn đoán NCRL và mức độ xâm lấn dựa trên điểm đánh giá lúc sinh và giải phẫu bệnh.

Tổng cộng có 82 trường hợp NCRL phân thành hai phân nhóm (35 trường hợp thể không xâm lấn và 47 trường hợp thể xâm lấn) và 146 thai phụ NTĐ nhưng không có NCRL. Nhóm đối chứng gồm 64 thai phụ được chẩn đoán nhau bám thấp.

Kết quả phân tích cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về thai nhỏ so với tuổi thai (cân nặng lúc sinh ≤ BPV thứ 10) và thai to (cân nặng lúc sinh ≥ BPV thứ 90) so với tuổi thai trong nhóm dân số nghiên cứu. Tuổi thai trung bình khi chẩn đoán NTĐ không cài răng lược thấp hơn đáng kể so với nhóm nhau bám thấp (P = 0,002). Không có sự khác biệt đáng kể về các tai biến được ghi nhận ở nhóm NCRL và nhóm chứng. Trọng lượng trung bình ước đoán của thai nhi ở nhóm NCRL không xâm lấn thấp hơn đáng kể so với nhóm NCRL có xâm lấn (P = 0,047). Tỷ lệ cân nặng khi sinh thực tế không khác biệt đáng kể giữa các phân nhóm (P = 0,804).

Nghiên cứu kết luận không có sự khác biệt về tăng trưởng thai nhi ở các trường hợp NTĐ, NCRL khi so với nhóm nhau bám thấp. Nguy cơ thai nhỏ hoặc thai to cũng không tăng ở các trường hợp nhau bám bất thường này. Kết luận này có ý nghĩa là đối với quá trình theo dõi thai: vì nhóm NTĐ, NCRL chưa thấy bằng chứng ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tăng trưởng của thai nên không cần siêu âm liên tiếp nhiều lần trong tam cá nguyệt hai của thai kỳ để theo dõi tăng trưởng thai nhi.
 

Lược dịch từ: Impact of placenta previa with placenta accreta spectrum disorder on fetal growth – ISUOG Nov.2019, p 643-649


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK