Tin tức
on Tuesday 29-10-2019 11:26am
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Phú Nhuận
Trữ đông tinh trùng giúp bảo vệ khả năng sinh sản của nam giới nhưng có thể gây tổn thương lớn tới màng, làm thay đổi các quá trình sinh học bằng cách làm hư hại ty thể và gây tổn hại đến tính toàn vẹn của vật liệu di truyền. Trữ đông có thể gây stress oxy hóa do mất cân bằng giữa sản xuất các dẫn xuất gốc tự do của các phân tử chứa oxy (ROS) và tổng chất chống oxy hóa (TAC). Stress oxy hóa có thể làm hư hại nhiều loại phân tử sinh học như carbohydrate, lipid, protein và DNA, do đó có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của màng, khả năng sống, độ di động, hình dạng và khả năng sinh sản của tinh trùng được trữ đông. Nồng độ ROS cao gây tổn thương màng ty thể, ảnh hưởng đến sự sản xuất ATP và chức năng của tinh trùng. Mặt khác, màng ty thể bị hư hại làm tăng sản xuất ROS. Ngoài ra, malondialdehyd (MDA) là một sản phẩm của quá trình peroxy hóa lipid gây ra bởi stress oxy hóa, tương quan nghịch với khả năng sống, độ di động và hình dạng của tinh trùng. Ngày nay, một trong những chiến lược hiệu quả để khắc phục các vấn đề về trữ đông tinh trùng là bổ sung các chất chống oxy hóa. Myoinositol (MYO) là dạng inositol quan trọng nhất trong tự nhiên, có vai trò chống oxy hóa. MYO chủ yếu được sản xuất bởi các tế bào Sertoli, tham gia vào quá trình điều hòa của sự trưởng thành, độ di động và phản ứng acrosome của tinh trùng. Ngoài ra, MYO hoạt hóa phospholipase C, dẫn đến sản xuất InsP3 và mở các kênh canxi. Do đó, MYO gây ra sự gia tăng nồng độ canxi tế bào và do đó làm tăng Ca2+ của ty thể giúp kích thích cơ chế oxy hóa và sản xuất ATP, cải thiện chức năng ty thể của tinh trùng, ngăn ngừa apoptosis. Do đó, F. Mohammadi và cộng sự thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Myoinositol (MYO) trong môi trường trữ đông đối với chất lượng tinh trùng sau rã đông.
Nghiên cứu thực hiện trên 40 nam giới có tinh trùng bình thường. Các mẫu tinh dịch được chia thành hai phần, một phần được trữ đông với môi trường bình thường, phần mẫu còn lại được trữ đông với môi trường được bổ sung 2 mg/ml MYO. Cả hai phần đều được bảo quản lạnh bằng phương pháp đông lạnh chậm. Sau một tháng, các mẫu được rã đông. Độ di động và hình dạng của tinh trùng được đánh giá bằng hệ thống CASA theo hướng dẫn của WHO 2010. ROS của mẫu được đánh giá bằng phương pháp đo huỳnh quang của DCFH-DA. TAC và MDA được đo dựa trên xét nghiệm đo màu bằng đầu dò ELISA. Sự phân mảnh DNA được đánh giá bằng phương pháp TUNEL.
Kết quả cho thấy, MYO cải thiện đáng kể độ di động tiến tới và hình dạng bình thường trong các mẫu được bổ sung 2 mg/ml MYO so với đối chứng (độ di động tiến tới lần lượt là 16.97 ± 1.86 và 12.77 ± 1.78; hình dạng bình thường lần lượt là 11.9 ± 0.97 và 9.57 ± 0.9; p < 0,05). Bên cạnh đó, ROS có sự suy giảm trong nhóm được bổ sung MYO so với nhóm đối chứng, tuy nhiên sự suy giảm này không đáng kể. TAC tăng trong nhóm được bổ sung MYO so với đối chứng (p < 0,001). Có sự giảm đáng kể trong sản xuất MDA khi thêm 2 mg/mL MYO vào môi trường trữ đông (p < 0,05). Tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng của nhóm được bổ sung MYO thấp hơn đáng kể so với các mẫu đối chứng (p = 0,001).
Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung myoinositol trong môi trường trữ đông có thể cải thiện chất lượng tinh trùng trữ đông ở nam giới và bảo vệ tinh trùng chống lại sự phân mảnh DNA và apoptosis. Đây là nghiên cứu đầu tiên về ảnh hưởng của việc bổ sung myoinositol trong môi trường trữ đông đến chất lượng tinh trùng sau rã đông. Cần có nhiều nghiên cứu khác nữa để xác định về việc có thể bổ sung MYO trong môi trường trữ đông để tối ưu hóa thành công việc trữ đông tinh trùng.
Nguồn: F. Mohammadi (2019), Supplementation of sperm freezing medium with myoinositol improve human sperm parameters and protects it against DNA fragmentation and apoptosis, Cell Tissue Bank. https://doi.org/10.1007/s10561-018-9731-0.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Mối tương quan giữa tỉ lệ phôi khảm và chất lượng tinh trùng ở nam giới - Ngày đăng: 29-10-2019
Vai trò của gen FMR1 trong sẩy thai tự phát liên tiếp không rõ nguyên nhân - Ngày đăng: 29-10-2019
Hoạt hóa noãn nhân tạo với CANXI IONOPHORE - Ngày đăng: 29-10-2019
Tiên lượng cho tỉ lệ trẻ sinh sống sau khi thất bại làm tổ nhiều lần chưa rõ nguyên nhân sau khi điều trị IVF/ICSI - Ngày đăng: 29-10-2019
Thai ngoài tử cung có ảnh hưởng kết cục của thai kỳ sau hay không - Ngày đăng: 25-10-2019
Đồng thuận Delphi về tiêu chuẩn chẩn đoán và theo dõi song thai thiếu máu đa hồng cầu - Ngày đăng: 25-10-2019
Chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng như là một công cụ tiên lượng đầy hứa hẹn cho chẩn đoán và điều trị vô sinh nam - phân tích gộp - Ngày đăng: 25-10-2019
DNA ty thể tự do trong dịch nang người: một dấu ấn sinh học đầy hứa hẹn tiên đoán tiềm năng phát triển lên phôi nang ở các phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm - Ngày đăng: 25-10-2019
Tư thế nằm ngửa khi ngủ ở giai đoạn sau thai kỳ tăng nguy cơ trẻ nhẹ cân - Ngày đăng: 25-10-2019
Có phải có nhiều noãn hơn có nghĩa là noãn chất lượng kém hơn? - Ngày đăng: 25-10-2019
Vitamin C ảnh hưởng như thế nào đến chức năng tinh trùng trong quá trình swim-up? - Ngày đăng: 25-10-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK