Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 27-09-2019 2:23pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Phan Thị Ngân Phúc – IVF Vạn Hạnh
 
Hiện nay, bảo quản lạnh phôi được coi là một phần thiết yếu của TTTON và tỷ lệ của chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (FET) đã nhanh chóng tăng lên trong thập kỷ qua. Ứng dụng rộng rãi của bảo quản lạnh phôi đã cho phép tăng tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị TTTON, như chính sách trữ phôi toàn bộ, ngân hàng phôi và bảo quản phôi nang cho PGT, và do đó, FET đã trở thành phương thức điều trị thiết yếu trong nhiều trung tâm TTTON. Đông lạnh chậm và thủy tinh hóa là 2 phương pháp thường được sử dụng để bảo quản phôi. So với phương pháp làm lạnh chậm truyền thống, thủy tinh hóa phôi là phương pháp bảo quản lạnh cực nhanh, chuyển đổi huyền phù thành chất rắn giống như thủy tinh, do đó ngăn ngừa sự hình thành băng và tổn thương tế bào. Theo đó, thủy tinh hóa được báo cáo có liên quan đến tỷ lệ đông lạnh phôi tăng đáng kể cũng như kết quả lâm sàng vượt trội (bao gồm tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống) so với đông lạnh chậm. Tính nhất quán và hiệu quả của kỹ thuật này về tốc độ bảo quản lạnh từ các kết quả nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát (RCT) cho thấy các phòng thí nghiệm IVF nên xem xét chuyển từ phương pháp đông lạnh chậm sang thuỷ tinh hoá để bảo quản phôi trong tương lai gần.

Sự an toàn của thủy tinh hóa đối với bảo quản lạnh phôi cần được nghiên cứu kỹ và so sánh với phương pháp đông lạnh chậm truyền thống trước khi thực hiện quy mô lớn. Hầu hết các nghiên cứu đã giải quyết vấn đề này bằng cách so sánh kết quả chu sinh của phôi trữ lạnh bằng thủy tinh hóa với chuyển phôi tươi. Ngoài ra, người ta còn thấy FET giai đoạn phôi nang cho ra rủi ro kết quả chu sinh là tương đương giữa hai chiến lược bảo quản lạnh. Tuy nhiên, sự an toàn của phôi đông lạnh giai đoạn phân cắt trên kết quả chu sinh vẫn còn cần được làm sáng tỏ. Vì thế, Gu và cộng sự thực hiện nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đa trung tâm để so sánh kết quả chu sinh sau khi chuyển phôi ngày 3 trữ bằng phương pháp thủy tinh hóa so với đông lạnh chậm tại sáu trung tâm y tế sinh sản ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
 
Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu hồi cứu 3199 trẻ sinh đơn sau khi chuyển phôi trữ ngày 3 từ thủy tinh hóa và đông lạnh chậm từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2015. Ngoài ra, tác giả sử dụng điều chỉnh điểm số xu hướng (propensity score - PS) để cân bằng sự phân bố về thiên vị và các yếu tố gây nhiễu. Các đoàn hệ thủy tinh hóa và đông lạnh chậm được kết hợp bằng điểm số xu hướng với tỷ lệ 1: 1 cho các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn liên quan đến kết quả chu sinh. Các biến này bao gồm nhân khẩu học cơ bản (tuổi mẹ, BMI, trình độ học vấn, loại vô sinh và nguyên nhân vô sinh), cũng như các đặc điểm IVF (phương pháp thụ tinh, chuẩn bị nội mạc tử cung và thời gian bảo quản phôi).
 
Các kết quả đánh giá chính

Kết quả chu sinh gồm sinh non, nhẹ cân, con to, nhỏ so với tuổi thai và lớn so với tuổi thai được so sánh.
 
Kết quả nghiên cứu

Có 2.858 trường hợp từ thủy tinh hóa và 341 em bé từ nhóm đông lạnh chậm được đưa vào nghiên cứu. Sau khi kết hợp PS, có 297 cặp trẻ sơ sinh được tạo ra để so sánh. Tuổi thai trung bình là 39 tuần đối với cả đoàn hệ và tỷ lệ sinh tương đương nhau. Không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm về tỷ lệ sinh non, nhẹ cân, con to, nhỏ so với tuổi thai và lớn so với tuổi thai. Phân tích hồi quy logistic chỉ ra rằng thủy tinh hóa không thua kém phương pháp đông lạnh chậm về tần suất sinh non, nhẹ cân, con to, nhỏ so với tuổi thai và lớn so với tuổi thai. Các mô hình kết hợp PS phân tầng giới tính với phân tích hồi quy đa biến tiếp tục khẳng định rằng thủy tinh hóa không làm tăng nguy cơ của các bất lợi chu sinh nêu trên ở cả nhóm trẻ sơ sinh nam hay nữ.
 
Kết luận

Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc mang thai thu được từ chuyển phôi thủy tinh hóa không liên quan đến việc tăng nguy cơ kết quả chu sinh bất lợi so với phương pháp đông lạnh chậm. Tính ưu việt của thủy tinh hóa về kết quả lâm sàng so với phương pháp đông lạnh chậm, cùng với việc đảm bảo an toàn cho kết quả chu sinh, góp phần hỗ trợ áp dụng phương pháp thủy tinh hóa như một phương pháp bảo quản lạnh hiệu quả và an toàn trong thực hành ART. Nghiên cứu trong tương lai là cần thiết để tìm hiểu về tác động của phương pháp thủy tinh hóa đối với sức khỏe lâu dài của trẻ em.
 
Nguồn: Perinatal outcomes of singletons following vitrification versus slow-freezing of embryos: a multicenter cohort study using propensity score analysis. Gu et al., 2019. Human Reproduction, Volume 34, Issue 9, September 2019, Pages 1788–1798
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK