Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-11-2019 9:32am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
 CVPH. Hồ Thị Mỹ Trang – IVFMD Phú Nhuận

Hiện nay có nhiều phương pháp lựa chọn tinh trùng khác nhau được đề xuất nhằm cải thiện tỷ lệ thành công của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) trong đó có phương pháp chọn các tinh trùng tương tác với hyaluronan hay còn gọi là PICSI. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh, những tinh trùng có khả năng gắn vào hyaluronan có tỉ lệ tổn thương DNA thấp đồng thời cũng làm giảm tỷ lệ sẩy thai. Tuy nhiên, tác động của PICSI đến tỷ lệ sinh sống vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu đánh giá hiệu quả của PICSI so với ICSI trong việc cải thiện tỷ lệ sinh sống giữa các cặp vợ chồng đang điều trị hiếm muộn.

Đây là một nghiên cứu ngẫu nhiên, trên hai nhóm thực hiện song song diễn ra từ ngày 1 tháng 2 năm 2014 đến ngày 31 tháng 8 năm 2016. Nghiên cứu thực hiện trên 2772 cặp vợ chồng thực hiện ICSI và chuyển phôi tươi tại 16 trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Anh. Các cặp vợ chồng được chỉ định ngẫu nhiên bởi một hệ thống trực tuyến để phân vào nhóm PICSI (n = 1387) hoặc ICSI (n = 1385). Kết quả chính của nghiên cứu là trẻ sinh sống trên 37 tuần tuổi.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh sống không khác biệt đáng kể giữa các nhóm PICSI (27,4%) so với ICSI (25,2%) (OR 1,12, 95% CI 0,95 – 1,34; p = 0,18). Hơn nữa, cũng không có sự khác biệt nào về mặt điều trị như tuổi mẹ, sẩy thai nhiều lần, nồng độ FSH, hay mật độ tinh trùng giữa hai nhóm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sẩy thai thấp hơn đáng kể ở nhóm PICSI nên nhóm tác giả cho rằng, chất lượng tinh trùng thực sự có ảnh hưởng đến chất lượng phôi và kết quả lâm sàng.

Như vậy, so với ICSI, phương pháp PICSI không cải thiện tỷ lệ sinh sống, mặc dù có làm giảm tỷ lệ sẩy thai. Do đó, việc sử dụng rộng rãi phương pháp PICSI tại thời điểm hiện nay là không cần thiết.

Nguồn: Miller David et al. "Physiological hyaluronan-selected intracytoplasmic sperm injection for infertility treatment (HABSelect): a parallel, two-group, randomised trial." The Lancet 393.10170 (2019): 416-422.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK