Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 23-09-2019 10:46am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh

Sự cân xứng (đồng đều) của các phôi bào ở giai đoạn phôi phân chia (đều hoặc không đều) là một trong những thông số quan trọng trong đánh giá chất lượng phôi. Một số nghiên cứu cho thấy các phôi có phôi bào kích thước không đều thường có tiềm năng phát triển kém cũng như là có tỉ lệ lệch bội cao hơn so với những phôi có kích thước phôi bào đồng đều. Tuy nhiên, nếu những phôi có kích thước phôi bào không đều được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang thì tỉ lệ phôi lệch bội lại giảm. Điều này được giải thích có thể do các phôi lệch bội ở giai đoạn phôi phân chia bị ngừng phát triển khi nuôi cấy lên phôi nang, hoặc nhờ cơ chế tự sửa sai của phôi trong quá trình phát triển lên phôi nang. Vì vậy, việc biết được chính xác tỉ lệ lệch bội của phôi có phôi bào không đồng đều nhưng có thể phát triển thành phôi nang hữu dụng sẽ rất hữu ích trong việc quyết định có lựa chọn sử dụng phôi có phôi bào không đều hay không cho dù phôi này vẫn phát triển được đến giai đoạn phôi nang.

Trên cơ sở đó, Diana và cộng sự (2019) đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu để xác định tầm quan trọng của sự cân xứng phôi bào ở giai đoạn phôi 4 tế bào lên chất lượng và độ bội của phôi nang (sự cân xứng được định nghĩa là sự khác biệt về đường kính các phôi bào ≤ 25%). Nghiên cứu bao gồm 732 phôi nang ngày 5/6 từ 191 bệnh nhân thực hiện chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ về lệch bội (PGT-A), nuôi cấy trong tủ cấy sử dụng hệ thống quan sát hình ảnh phôi liên tục (Embryoscope, Vitrolife) trong năm 2017. Sự cân xứng phôi bào được đo ở hình ảnh đầu tiên của phôi 4 tế bào vào ngày 2 bằng cách lập bảng đường kính trung bình của 2 đường được vẽ vuông góc trên mỗi phôi bào. Sinh thiết tế bào lá nuôi phôi (trophectoderm – TE) được thực hiện vào ngày 5/6 và phân tích bằng NGS (VeriSeq Protocol, Illumina). Ảnh hưởng của sự cân xứng phôi bào lên chất lượng phôi nang và độ bội được đo bằng các phép thử chi bình phương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong chất lượng phôi nang ở các phôi có phôi bào cân xứng và không cân xứng (p = 0,10). Ngoài ra, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nguyên bội (42,5% so với 45,3%) hoặc tỷ lệ khảm (22,1% so với 16,2%) giữa phôi có phôi bào cân xứng và không cân xứng (p = 0,24).

Tóm lại, sự hiện diện của phôi bào không cân xứng ở giai đoạn phôi 4 tế bào không ảnh hưởng đến tỷ lệ tạo phôi nang chất lượng tốt và tỷ lệ nguyên bội ở các phôi nang tương ứng. Như vậy, phôi 4 tế bào không cân xứng có khả năng phát triển thành phôi nang nguyên bội chất lượng tốt và có thể được xem xét để chuyển phôi ngày 2 trong trường hợp không có phôi 4 tế bào cân xứng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là nghiên cứu này đã loại trừ các phôi không phát triển đến giai đoạn phôi nang và những phôi phân chia bất thường (phân chia trực tiếp và phân chia ngược vào ngày 2) nên cả hai điều này đều có khả năng ảnh hưởng đến kết quả độ bội phôi. Ngoài ra, nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu này khá trẻ với độ tuổi trung bình là 31 tuổi nên cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Nguồn: Diana Chieh Xing Tain et al., 2019. The Influence of Day 2 Blastomere Symmetry on Blastocyst Grade and Ploidy Status. Fertility & Reproduction 2019 01:02, 115-118. https://doi.org/10.1142/S2661318219500117.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK