Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-09-2019 7:55am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Nguyễn Hữu Duy – IVF Vạn Hạnh

Hiện tượng phôi bị lệch bội là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công trong IVF, với tỉ lệ lệch bội dao động trong khoảng 20% – 100%. Chẩn đoán di truyền lệch bội ở phôi (PGT-A) hiện tại đang là phương pháp đáng tin cậy nhất để đánh giá tình trạng nhiễm sắc thể của phôi. Việc phân tách và khuếch đại ADN phôi thông qua sinh thiết tế bào lá nuôi phôi (Trophectoderm – TE) và phân tích bằng kỹ thuật NGS (next-generation sequencing) hiện đang là phương pháp phổ biến trong xét nghiệm PGT-A. Tuy nhiên, việc sinh thiết TE hiện tại đang gặp phải 2 vấn đề chính: (1) Việc sinh thiết TE đòi hỏi các trang thiết bị chuyên dụng cũng như nhân viên thực hiện phải được đào tạo chuyên sâu; (2) Thể khảm (mosaicsm) có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Do vậy, việc tìm ra một phương pháp xét nghiệm di truyền không xâm lấn thay thế cho sinh thiết TE nhưng vẫn có hiệu quả tương đương là cần thiết, và một trong những phương pháp không xâm lấn như vậy là phân tích ADN tự do có nguồn gốc từ phôi (cell-free DNA – cfDNA). Các cfDNA này được phôi nang tiết ra trong môi trường nuôi cấy (spent blastocyst medium – SBM) trong suốt giai đoạn phát triển tiền làm tổ. Các nghiên cứu hiện tại đều cho thấy tỉ lệ khuếch đại được cfDNA khá cao, dao động từ 80 – 100%. Tuy nhiên, tỉ lệ tương đồng kết quả xét nghiệm với sinh thiết TE lại khác nhau giữa các nghiên cứu (30,4% của Vera-Rodriguez (2018); 65% của Ho (2018); 85,7% của Xu (2016), …). Do vậy, Carmen Rubio và cộng sự (2019) đã thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá xem liệu cfDNA có trong SBM có phản ánh được bộ nhiễm sắc thể (lệch bội hoặc nguyên bội) của phôi nang hay không.

Thiết kế nghiên cứu

Đây là một nghiên cứu tiến cứu được thực hiện từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018, bao gồm 115 mẫu sinh thiết TE và môi trường SBM từ 46 cặp vợ chồng (từ 32 – 46 tuổi) thực hiện PGT-A tại Genera (Rome, Ý). PGT-A được chỉ định cho các trường hợp: (1) vợ lớn tuổi (> 35 tuổi, n = 41); (2) thất bại làm tổ liên tiếp (> 2 lần chuyển phôi thất bại, n = 1) và (3) sẩy thai liên tiếp (> 2 lần sẩy, n = 4). Kết quả sinh thiết TE và cfDNA từ môi trường SBM sẽ được so sánh mù (chuyển phôi sẽ dựa trên kết quả sinh thiết TE, sau đó mới lấy môi trường SBM của phôi này đi phân tích cfDNA và đối chiếu kết quả thu được với kết quả sinh thiết TE). Phôi được nuôi cấy tối đa đến ngày 7, phôi được chuyển sang môi trường nuôi cấy phôi nang ở ngày 4. Môi trường SBM được thu nhận ở ngày 5, 6 hoặc 7.

Các kết quả đánh giá chính

Tỉ lệ tương đồng, độ nhạy và độ đặc hiệu giữa các mẫu sinh thiết TE và SBM. Các kết quả lâm sàng trong trường hợp sinh thiết TE nguyên bội và SBM nguyên bội được so sánh với trường hợp TE nguyên bội và SBM lệch bội.

Kết quả nghiên cứu

Nhìn chung, tổng tỷ lệ tương đồng cho bộ nhiễm sắc thể và giới tính là 78,7%; độ nhạy và độ đặc hiệu lần lượt là 94,5% và 71,7%. Tất cả các thông số đều có sự gia tăng đáng kể ở các mẫu ngày 6/7 so với mẫu ngày 5, trong đó các mẫu ngày 6/7 cho thấy tổng tỷ lệ tương đồng bộ nhiễm sắc thể và giới tính là 84%, độ nhạy và độ đặc hiệu tương ứng là 95,2% và 82,1%. Tỷ lệ thai diễn tiến ở các trường hợp TE nguyên bội/SBM nguyên bội tăng gấp ba lần so với TE nguyên bội/SBM lệch bội (52,9% so với 16,7%), mặc dù sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Có một điều thú vị trong nghiên cứu là không có trường hợp sẩy thai nào được ghi nhận khi TE và SBM đều nguyên bội. Điều này cho thấy có thể phương pháp mới này giúp bổ khuyết cho sinh thiết TE trong chẩn đoán phôi lệch bội.

Kết luận

Những kết quả này cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về động học của cfDNA trong quá trình phát triển phôi. Mặc dù cần nghiên cứu chuyên sâu hơn, những kết quả khả quan bước đầu này cho thấy trong tương lai, phương pháp không xâm lấn có thể là một phương pháp thay thế cho sinh thiết TE khi làm xét nghiệm PGT-A.

Nguồn: Embryonic cell-free DNA versus trophectoderm biopsy for aneuploidy testing: concordance rate and clinical implications. Rubio, Carmen et al., 2019. Fertility and Sterility, Volume 112, Issue 3, 510 - 519

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK