Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-09-2019 7:59am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Lê Thị Bích Phượng - IVFMD Phú Nhuận
 
Những năm về trước, nhiều trung tâm IVF đã thực hiện chuyển nhiều hơn 2 phôi để tăng cơ hội mang thai cho bệnh nhân, tuy nhiên điều này tăng nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé. Nhằm giảm những nguy cơ đó, chuyển đơn phôi lựa chọn đã được áp dụng tại một số trung tâm IVF. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá và lựa chọn phôi chuyển với tiềm năng cao nhất.

Nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang và chuyển phôi chất lượng tốt là chiến lược được sử dụng nhiều nhất để giảm số lượng phôi chuyển. Hệ thống đánh giá xếp loại phôi đầu tiên được mô tả bởi Gardner và cộng sự, theo hệ thống xếp loại này, chất lượng phôi nang được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: sự nở rộng của khoang phôi, kích thước và sự nén của các tế bào ICM, sự liên kết và số lượng tế bào lớp lá nuôi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối tương quan trong việc đánh giá phôi dựa trên 3 đặc điểm này với tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên đặc điểm nào là quan trọng nhất trong 3 đặc điểm kể trên với kết cục điều trị của bệnh nhân vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ngoài ra, chất lượng phôi với kết cục chu sinh cũng chỉ có một ít nghiên cứu quan tâm và kết quả đưa ra cũng không được rõ ràng. Vì vậy, Jennifer B. Bakkensen và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tầm quan trọng của đặc điểm hình thái phôi nang với kết cục điều trị và kết cục chu sinh của bệnh nhân chuyển đơn phôi.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên 1023 chu kỳ chuyển phôi tươi và 1.222 chu kỳ chuyển phôi trữ thực hiện từ tháng 1/2012 đến tháng 2/2018, chất lượng phôi nang được đánh giá dựa trên hệ thống đánh giá phôi của Gardner. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở cả chu kỳ chuyển phôi tươi và trữ, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống có mối tương quan đáng kể với độ nở rộng của khoang phôi, không có sự khác biệt với chất lượng ICM nhưng khi chất lượng TE giảm thì cả 2 tỉ lệ này đều giảm.

Khi so sánh trên kết cục chu sinh, kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối tương quan giữa độ nở rộng của khoang phôi với sinh non, thai nhỏ hay lớn hơn so với tuổi thai ở cả 2 chu kỳ chuyển phôi tươi và trữ. Về mối tương quan của chất lượng ICM với kết cục chu sinh, nhóm tác giả chỉ ra rằng trong chu kỳ chuyển phôi trữ, tỉ lệ sinh non giảm khi chất lượng ICM giảm; tuổi thai lúc sinh tương ứng với 3 mức độ A B C là 38,9 tuần; 39,1 tuần và 39,3 tuần (p= 0,005). Tương tự, cân nặng trẻ tăng khi chất lượng ICM giảm trong chu kỳ chuyển phôi trữ, cân nặng là 3420g; 3555g; 3586g tương ứng với 3 mức độ A, B và C. Không có sự khác biệt được quan sát thấy ở chất lượng ICM với việc lớn hay nhỏ so với tuổi thai. Và cuối cùng, không có mối tương quan giữa chất lượng TE với kết cục chu sinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy độ nở rộng của phôi càng tăng và chất lượng TE càng cao giúp tăng tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống. Ngoài ra, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng chất lượng ICM có liên quan với sinh non trong chu kỳ chuyển phôi trữ, mặc dù chất lượng ICM cao liên quan đến việc tăng khả năng sinh non, nhưng không có mối liên hệ nào với những kết cục chu sinh khác. Nghiên cứu này cho thấy, việc bệnh nhân mang thai từ những phôi có độ nở rộng thấp, chất lượng ICM và TE không cao không có tương quan với kết cục chu sinh bất lợi.

Nguồn: Association between blastocyst morphology and pregnancy and perinatal outcomes following fresh and cryopreserved embryo transfer. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-019-01580-0
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK