Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 15-08-2019 9:24am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Lê Thị Bích Phượng - IVFMD Phú Nhuận
 


Xã hội ngày càng hiện đại, phụ nữ có xu hướng lập gia đình muộn vì thế tỉ lệ các cặp đôi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm với chẩn đoán bệnh nhân lớn tuổi ngày càng tăng. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy tuổi phụ nữ có liên quan mật thiết với kết quả điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Tuổi phụ nữ càng cao, chất lượng noãn của họ càng suy giảm từ đó làm giảm chất lượng cũng như khả năng phát triển, làm tổ của phôi từ đó ảnh hưởng đến tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống.

Lựa chọn phôi chuyển có tiềm năng làm tổ tốt nhất là mục tiêu chính của một chu kỳ điều trị. Từ trước đến nay, phôi được đánh giá dựa trên quan sát dưới kính hiển vi tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên sự phân chia và phát triển của phôi là các sự kiện liên tục nên hình thái phôi có thể thay đổi theo thời gian. Vì vậy hiện nay, nhiều trung tâm IVF đã ứng dụng hệ thống time-lapse trong việc nuôi cấy và đánh giá lựa chọn phôi. Hệ thống này giúp quan sát được toàn bộ các sự kiện diễn ra trong giai đoạn tiền làm tổ của phôi, phân tích được các thông số động học từ đó có thể giúp lựa chọn được phôi tiềm năng. Hệ thống này có thể được sử dụng để lựa chọn phôi ở những bệnh nhân lớn tuổi giúp cải thiện kết quả điều trị của họ. Vì vậy, Azita Faramarzi và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá mối tương quan giữa tuổi bệnh nhân với thông số động học và kiểu phân chia của phôi.

Nghiên cứu hồi cứu trên 73 bệnh nhân, các thông số động học phôi như thời gian tống xuất thể cực thứ hai, thời gian xuất hiện/ biến mất tiền nhân, thời gian phân chia từ 2 đến 8 tế bào được so sánh trên 4 nhóm < 30 tuổi, 30 - 35 tuổi, 36 - 40 tuổi và > 40 tuổi. Bên cạnh đó, các dạng phân chia bất thường cũng được so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Thời gian phôi phân chia hoàn toàn thành 5 tế bào (t5) dài hơn ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi: 52,29 ± 8,03 giờ ở nhóm 36 - 40 tuổi; 53,02 ± 8,13 giờ ở nhóm > 40 tuổi so với 45,84 ± 7,07 giờ ở nhóm < 30 tuổi và 49,20 ± 7,71 ở nhóm 30 - 35 tuổi. Không có sự khác biệt ở các thông số động học khác trên 4 nhóm bệnh nhân. Ngoài ra, nghiên cứu này chứng minh được rằng có sự khác biệt trong tần suất xuất hiện phôi phân chia bất thường trên 4 nhóm mà cụ thể là tuổi càng tăng thì tần suất xuất hiện phôi phân chia bất thường càng nhiều.

Như vậy nghiên cứu này chỉ ra rằng tuổi mẹ có mối tương quan mật thiết với thời gian phôi phân chia thành 5 phôi bào và tần suất xuất hiện phôi phân chia bất thường. Điều này cho thấy tỉ lệ thành công trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm giảm đáng kể khi tuổi mẹ cao.

Nguồn: Correlations between embryo morphokinetic development and maternal age: Results from an intracytoplasmic sperm injection program. Clinical and Experimental Reproductive Medicine. doi.org/10.5653/cerm.2019.02838

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK