Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-01-2017 9:23am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Việc tiêu thụ một chế độ ăn giàu chất béo trong thai kỳ có thể ảnh hưởng tới quần thể hệ vi khuẩn ruột ở thế hệ sau, điều này có thể gây ra các bất lợi cho dinh dưỡng và sự phát triển. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí “Genome Medicine”.
 

Các nhà nghiên cứu cho rằng những thai phụ tiêu thụ một chế độ ăn giàu chất béo trong thai kỳ
có thể gây ra nhiều nguy cơ cho sức khoẻ và sự phát triển của con họ.
 
Những gì thai phụ ăn và uống trong thai kỳ đã được biết rõ là có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và sự phát triển của con họ. Lấy ví dụ, các thai phụ đã được khuyến cáo nên tiêu thụ 0,4mg acid folic mỗi ngày nhằm giúp ngăn ngừa những khiếm khuyết lúc sinh nhất định, và lời khuyên hiện nay được đưa ra là một chế độ ăn khoẻ mạnh, cân bằng là tốt nhất cho cả bà mẹ lẫn trẻ. Nhưng theo đồng tác giả của nghiên cứu TS. Kjersti Aagaard, thuộc Trường Y Baylor ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, cùng các đồng nghiệp, nghiên cứu mới của họ gợi ý rằng nên tập trung nhiều hơn nữa vào lượng nhập chất béo của thai phụ trong thai kỳ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những trẻ được sinh ra từ các bà mẹ với một lượng nhập chất béo cao hơn trong thai kỳ có ít Bacteroides trong ruột của trẻ hơn so với những trẻ được sinh ra từ các bà mẹ với lượng nhập chất béo hằng ngày thấp hơn trong thai kỳ, và điều này có thể dẫn tới các hậu quả bất lợi cho sức khoẻ và sự phát triển.

Các nhà nghiên cứu đưa ra các kết luận của mình sau khi phân tích những mẫu phân của 157 trẻ sơ sinh, những mẫu phân này được lấy trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi trẻ được sinh ra. Những mẫu phân của 75 trẻ sơ sinh này được phân tích lại lần nữa ở 4 đến 6 tuần tuổi. Bằng việc sử dụng phương pháp giải trình tự chuỗi DNA, các nhà nghiên cứu đánh giá thành phần vi khuẩn trong những mẫu phân – một chỉ dấu của quần thể vi sinh vật trong ruột. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu đánh giá những thói quen ăn uống của các bà mẹ trong thai kỳ. Những thói quen này được xác định thông qua việc hoàn thành Bảng câu hỏi Tầm soát Chế độ ăn (the Dietary Screener Questionnaire) – một bảng khảo sát gồm 26 điểm hỏi về tần suất tiêu thụ một số loại thức ăn và đồ uống nhất định trong tháng vừa qua. Bằng việc sử dụng câu trả lời của các bà mẹ, các nhà nghiên cứu ước tính lượng nhập calo hằng ngày từ đường, chất béo và chất xơ bổ sung trong tháng trước khi sinh.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng nhập calo hằng ngày của các bà mẹ từ chất béo dao động từ 14% đến 55,2% mỗi ngày, trong khi đó lượng nhập trung bình hằng ngày từ chất béo dừng lại ở con số 33,1%. So sánh với những trẻ sơ sinh có mẹ với lượng nhập chất béo hằng ngày thấp hơn trong tháng trước khi sinh, những trẻ có mẹ với một lượng nhập chất béo hằng ngày cao hơn có nồng độ Bacteroides trong ruột thấp hơn chỉ một thời gian ngắn sau sinh và ở thời điểm 4-6 tuần tuổi.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng Bacteroides giúp phân huỷ và loại bỏ nguồn năng lượng từ các carbohydrate đặc hiệu, do đó sự suy giảm nồng độ Bacteroides đồng nghĩa với việc các loại carbohydrate này có thể trở nên không sử dụng được. Họ cho rằng điều này có thể dẫn tới việc loại bỏ năng lượng từ thức ăn cũng như sự phát triển sẽ trở nên kém hơn.

Nhóm nghiên cứu phát biểu rằng các kết quả này gợi ý nên chú ý nhiều hơn tới lượng nhập chất béo của các bà mẹ cũng như những hậu quả có thể xảy ra cho con của họ. “Chúng tôi dự đoán rằng sẽ xảy ra một cuộc tranh cãi lớn về việc thảo luận cũng như ước tính xem lượng nhập chất béo sẽ là bao nhiêu” – TS. Aagaard lưu ý. Hơn thế nữa, nghiên cứu cung cấp thêm chứng cứ về việc bằng cách nào mà chế độ ăn của bà mẹ có thể ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn đường ruột của thế hệ sau. “Các phát hiện này mở ra toàn bộ những hướng đi mới của nghiên cứu, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp thêm các bảng câu hỏi và dữ liệu về chế độ ăn của bà mẹ khi nghiên cứu những biến đổi xảy ra sớm của hệ vi khuẩn. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu trong tương lai nhằm chứng minh xem liệu những biến đổi trong các chế độ ăn của bà mẹ có một ảnh hưởng có lợi cho con của họ ngay lập tức hoặc trong thời gian dài hay không” – TS. Kjersti Aagaard phát biểu.

(Nguồn: medicalnewstoday 8/2016)

 
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK