Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 16-01-2017 8:39am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Một phân tích mới đây cho thấy những phụ nữ có thai trong vòng 6 tháng trở lại sau khi mới chấm dứt thai kỳ có nguy cơ sinh non tăng nhẹ nhưng có ý nghĩa thống kê so với những phụ nữ có thai muộn hơn từ 18 đến 24 tháng sau.



Người ta đã biết rằng khoảng cách giữa lần sinh con sống và lần mang thai sau đó nếu ngắn sẽ liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, cũng như các biến chứng khác như vỡ ối sớm, thai nhẹ cân hoặc nhỏ so với tuổi thai. Khoảng cách tối ưu giữa các lần mang thai nên là từ 18 đến 23 tháng. Tuy nhiên, người ta chưa biết được liệu khoảng cách giữa các lần mang thai sau khi chấm dứt thai kỳ có ảnh hưởng đến các nguy cơ này hay không. Khuyến cáo hiện tại của Tổ chức Y tế thế giới là phụ nữ nên chờ ít nhất 6 tháng trước khi có thai lại sau lần chấm dứt thai kỳ trước đó, được dựa trên một nghiên cứu trong đó gồm cả hai nhóm phụ nữ chấm dứt thai kỳ và sẩy thai, điều này khiến cho việc xác định ảnh hưởng riêng của chấm dứt thai kỳ trở nên khó khăn.

Trong nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia này, Tiến sĩ Männistö, thuộc Bệnh viện Đại học Oulu và Đại học Oulu, Phần Lan, và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 19.894 phụ nữ Phần Lan được chấm dứt thai kỳ từ năm 2000 đến năm 2009, sau đó sinh 1 con sống. Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm: thai kỳ vẫn tiếp tục diễn tiến sau nỗ lực chấm dứt thai kỳ, sẩy thai hoặc thai lưu trong lần mang thai kế tiếp, hoặc sinh nhiều con.

Các đối tượng nghiên cứu được chia thành 5 nhóm dựa trên khoảng cách giữa hai lần mang thai: dưới 6 tháng, 6 đến 12 tháng, 12 đến 18 tháng, 18 đến 24 tháng và từ 24 tháng trở lên. Những phụ nữ trong nhóm 18 đến 24 tháng tạo thành nhóm chứng.

Sinh non được định nghĩa là khi sinh dưới 37 tuần; trẻ nhẹ cân khi dưới 2500 gram và trẻ nhẹ cân so với tuổi thai là các kết cục chính của nghiên cứu.

Khoảng cách trung vị giữa hai lần mang thai là 21 tháng. Gần một nửa phụ nữ (45.4%) có khoảng cách này là từ 24 tháng trở lên. Khoảng cách dưới 6 tháng gặp ở 2956 phụ nữ (14.9%), 6 đến 12 tháng có 3203 phụ nữ (16.1%), 12 đến 18 tháng có 2623 phụ nữ (13.2%), và 18 đến dưới 24 tháng có 2076 phụ nữ (10.4%). Nhìn chung, những phụ nữ có khoảng cách ngắn nhất có khuynh hướng trẻ hơn, có thai kỳ lần trước được chấm dứt ở tam cá nguyệt thứ hai, và đã có con rồi.

Tần suất mới mắc của sinh non là 167 (5.6%) trong nhóm phụ nữ có khoảng cách dưới 6 tháng (P = .008 so với nhóm chứng), tiếp theo lần lượt là 150 (4.7%), 100 (3.8%), 83 (4.0%) và 405 (4.5%) trong các nhóm có khoảng cách dài hơn.

Không có sự khác biệt có ý nghĩa về nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc nhỏ so với tuổi thai. Cụ thể, tần suất sinh con nhẹ cân trong năm nhóm lần lượt là 4.1%, 3.7%, 3.0%, 3.4%, và 3.6%, và trẻ nhẹ cân so với tuổi thai là 2.5%, 2.8%, 2.1%, 2.5%, và 2.5%.

Tỉ số nguy cơ (OR) sinh non của khoảng cách ngắn nhất giữa hai lần mang thai là 1.35 (95% CI 1.02 - 1.77; P = .034) so với nhóm chứng, sau khi điều chỉnh số lần mang thai, BMI trước mang thai, tình trạng chung sống với bạn tình, nơi ở, tình trạng kinh tế xã hội, hút thuốc lá, tuổi mẹ và tuổi thai vào thời điểm chấm dứt thai kỳ. Khoảng cách thai kỳ xa hơn không liên quan đến tăng nguy cơ sinh non hoặc các kết cục khác của thai kỳ khi phân tích hồi quy đa biến.

Trong một phân tích phân nhóm loại trừ những phụ nữ chấm dứt thai kỳ trước đó do bất thường của thai, “mối liên quan giữa khoảng cách mang thai dưới 6 tháng và sinh non vẫn tồn tại”.

Nguy cơ ước tính của sinh non liên quan đến khoảng cách thai kỳ ngắn (dưới 6 tháng) gia tăng (OR 1.46, 95% CI 1.10-1.93) và vẫn tăng sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu (OR điều chỉnh 1.37, 95% CI 1.03-1.83, P=.031). Khoảng cách thai kỳ dài hơn thì không tăng nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân hoặc trẻ nhỏ so với tuổi thai.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận các hạn chế của nghiên cứu, bao gồm không kiểm soát được đặc điểm dân tộc và tiền sử sinh non trước đó, là hai yếu tố có khả năng gây nhiễu. Ngoài ra, họ cũng không thể phân biệt được sinh non tự phát hay sinh non do chỉ định y khoa.

Các phát hiện này “nhấn mạnh tầm quan trọng của ngừa thai sau khi chấm dứt thai kỳ”. Ngay cả khi có khả năng hiện diện các biến gây nhiễu không đo lường được và thực tế là hầu hết các trường hợp sinh non là không thể dự đoán trước, “việc lập trình tốt thời điểm mang thai sau khi chấm dứt thai kỳ có thể giúp tránh được các biến chứng sau này liên quan đến sinh non”.

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng thông tin về khoảng cách mang thai này nên được cung cấp cho các phụ nữ vừa mới chấm dứt thai kỳ và các đối tượng y tế liên quan.

BS Nguyễn Khánh Linh
Nguồn: Pregnancy soon after termination may raise prematurity risk. Obstet Gynecol. 2017;129:347-354.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK