Nguy cơ bệnh tim mạch và cơ xương trong độ tuổi sinh sản thì thấp khi estrogen được sản xuất dồi dào, trong thời kỳ mãn kinh khi có sự thiếu hụt estrogen thì nguy cơ này gia tăng.
Theo một bài tổng quan đăng trên tạp chí Maturitas, John Stevenson thuộc Viện tim phổi quốc gia Anh khảo sát về sự thay đổi hormone trong suốt cuộc đời của 1 người phụ nữ ảnh hưởng lên nguy cơ bệnh tim mạch và cơ xương.
Hai bệnh lý này đặc biệt quan trọng vì chúng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong ở phụ nữ với tần suất mắc bệnh gia tăng theo tuổi. Tác giả đã tiến hành xem xét nguy cơ mắc các bệnh này theo ba giai đoạn trong cuộc sống của người phụ nữ: thời kỳ sinh sản (20 – 45 tuổi), thời kỳ chuyển tiếp (40 – 60 tuổi), và thời kỳ sau mãn kinh (≥ 60 tuổi).
Đóng vai trò chính yếu trong 3 thời kỳ này là estrogen, sự tổng hợp và nồng độ estrogen trong máu cao nhất trong thời kỳ sinh sản và thấp nhất trong thời kỳ sau mãn kinh do buồng trứng ngừng hoạt động và do đó dẫn đến sự thiếu hụt estrogen.
Ngược lại, nguy cơ của các rối loạn tim mạch và cơ xương thấp nhất thong thời kỳ sinh sản. Tần suất mắc các bệnh tim mạch, viêm xương khớp, loãng xương ở phụ nữ tăng đáng kể ở độ tuổi mãn kinh và tiếp tục tăng sau đó.
Bệnh lý tim mạch hiếm gặp ở phụ nữ trẻ tuổi do estrogen nội sinh có tác động bảo vệ lên hệ mạch, tuy nhiên những yếu tố nguy cơ mắc phải trong khoảng thời gian này có thể dẫn đến bệnh tim mạch sau này như bệnh xơ vữa mạch máu. Tác giả đề nghị rằng để phòng ngừa và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, người phụ nữ nên có một lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá, chế độ ăn kiêng, hạn chế rượu bia và luyện tập thể dục.
Tác giả còn lưu ý tầm quan trọng của việc tầm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch trong thời kỳ chuyển tiếp, như: tăng huyết áp, tăng lipid máu, béo phì, và tăng đường huyết.
Khi xem xét lại các bằng chứng về nguy cơ và lợi ích của liệu pháp estrogen thay thế như một chiến lược điều trị, tác giả đã mô tả cách thức mà liệu pháp hormone thay thế giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch cũng như những triệu chứng quanh giai đoạn mãn kinh (cơn bốc hỏa, triệu chứng niệu dục) đến 60 tuổi, dù là dùng estrogen bổ sung qua đường uống hay qua da.
Lựa chọn giữa liệu pháp estrogen thay thế bằng đường uống hay qua da có thể phụ thuộc vào tuổi và nguy cơ huyết khối tĩnh mạch đi kèm. Estrogen hấp thu qua da có nguy cơ huyết khối thấp hơn nên thường được ưu tiên hơn ở những phụ nữ lớn tuổi có tình trạng bất thường đông cầm máu và có nguy cơ huyết khối.
Những rối loạn cơ xương hiếm khi gặp ở phụ nữ trẻ, thường gặp hơn và nghiêm trọng hơn ở phụ nữ lớn tuổi. Thời điểm khởi phát của tình trạng loãng xương và viêm khớp như viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp thường xảy ra cùng thời điểm với mãn kinh, nhận định này ủng hộ cho tính nhạy cảm với hormone của những bệnh lý trên.
Tác giả còn đưa ra bằng chứng ủng hộ việc sử dụng liệu pháp hormon thay thế trong thời kỳ chuyển tiếp để phòng ngừa viêm xương khớp và loãng xương, đặc biệt là ở những phụ nữ có yếu tố nguy cơ với những bệnh này. Cuối cùng, tác giả nhận định rằng liệu pháp hormone thay thế là biện pháp phòng ngừa đầu tiên có hiệu quả nhất đối với loãng xương, với công thức qua da được ưu tiên hơn cho phụ nữ lớn tuổi, đồng thời liệu pháp sẽ được cá thể hóa cho từng bệnh nhân cụ thể sau khi cân nhắc về tất cả các nguy cơ cũng như lợi ích của liệu pháp.
BS. Nguyễn Thị Uyên Sa
Nguồn : Ups and downs of estrogen and risks of heart and bone diseases. Stevenson JC. Maturitas. 2011;70:197-205.
http://www.orgyn.com/en/Womens_Health/Reviews/fullpage.asp?xml=/en/reviews/2011/issue_10/reviews.xml
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...