Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 15-12-2011 3:14am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

buon nonMột bài tổng quan trong ấn bản New England Journal of Medicine xuất bản ngày 14/10 đã mô tả nhiều chiến lược khác nhau trong việc xử trí buồn nôn và nôn ở thai phụ. Các khuyến cáo trong bài báo này tương tự với hướng dẫn được ban hành bởi Đại học Sản Phụ khoa Hoa kỳ (ACOG) và Hội Sản Phụ khoa Canada trong việc kiểm soát buồn nôn và nôn trong thai kỳ.

Theo BS Jennifer R. Niebyl từ ĐH Iowa Hospitals and Clinics tại thành phố Iowa, khoảng 50% thai phụ bị buồn nôn và nôn trong 3 tháng đầu thai kỳ, và khoảng 25% thai phụ chỉ có triệu chứng nôn.

“Trong số các thai phụ có triệu chứng này, 35% có biểu hiện lâm sàng nặng, dẫn đến giảm thời gian làm việc và có ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong gia đình. Ở một thiểu số các bệnh nhân, các triệu chứng trên dẫn đến mất nước và sụt cân nhiều đến nỗi phải nhập viện. Tỉ lệ thai phụ nôn quá nhiều ghi nhận được vào khoảng 0,3-1,0%, gồm các biểu hiện nôn kéo dài, sụt cân hơn 5%, keton niệu, rối loạn điện giải (hạ K+), và mất nước (tỷ trọng nước tiểu tăng).”

Vẫn chưa tìm được nguyên nhân rõ ràng gây buồn nôn và nôn ở tam cá nguyệt thứ nhất, tuy nhiên cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý đau đầu migraine và rối loạn tiêu hóa. Các xét nghiệm sinh hóa máu đề nghị gồm có BUN, creatinine, ALT, AST, ion đồ và amylase.

Việc tư vấn về chế độ ăn sau đây có thể hữu ích cho bệnh nhân: chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày, tránh tiếp xúc với mùi hay thức ăn gây buồn nôn, đặc biệt là thực phẩm nhiều chất béo và gia vị, và viên sắt. Các chiến lược khác bao gồm ăn và uống nước giữa các bữa ăn, hoặc ăn các thực phẩm lạt, khô, giàu đạm. Tuy nhiên, các thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng không so sánh các chế độ ăn khác nhau trong việc khống chế buồn nôn và nôn trong thai kỳ.

Ở một số thai phụ, các liệu pháp khác như dùng gừng và châm cứu cũng có thể có hiệu quả, và các phương thức điều trị này có thể được chỉ định ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ.

Cần chỉ định liệu pháp dược lý đối với các trường hợp buồn nôn, nôn đi kèm với sụt cân trong 3 tháng đầu thai kỳ. Có khoảng 10% thai phụ trong trường hợp này cần điều trị bằng thuốc.

Bằng chứng từ các thử nghiệm ngẫu nhiên ủng hộ việc sử dụng vitamin B6, 10-25mg mỗi 8h, và doxylamine, 25mg trước khi ngủ và 12,5mg vào buổi sáng và trưa. Thuốc viên Unisom Sleep Tabs (chứa vitamin B6 và doxylamine uống), được bán rộng rãi ở Hoa Kỳ, không có bằng chứng gây quái thai theo nghiên cứu ở 6000 bệnh nhân có nhóm chứng. Ở các thử nghiệm ngẫu nhiên, sự kết hợp này làm giảm 70% các triệu chứng buồn nôn, nôn. Và do đó, ACOG khuyến cáo đây như một phác đồ điều trị đầu tay cho buồn nôn, nôn ở thai kỳ.

Đối với cái thai phụ phải điều trị với liệu pháp kết hợp kéo dài này, có thể lần lượt dùng thử phenothiazine, metoclopramide hoặc ondansetron. Prochlorperazine (Compazine) trong công thức thuốc ngậm (Bukatel) thường ít gây lơ mơ và an thần hơn các thuốc uống.

Metoclopramide (Reglan, Alavan) là thuốc đối vận dopamine, hiếm khi dẫn đến chứng rối loạn thần kinh mạn tính. Cơ quan Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ cũng ban hành cảnh báo về việc sử dụng Reglan. Theo đó, thời gian điều trị không nên vượt quá 12 tuần, dựa vào nguy cơ gây rối loạn vận động muộn tăng dần với thời gian và liều lượng sử dụng thuốc.

Methylprednisolone chỉ nên được chỉ định sau 10 tuần tuổi thai, và chỉ chỉ định cho những thai phụ không đáp ứng với các điều trị khác. Một phân tích tổng hợp 4 nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ hở hàm ếch kèm hoặc không kèm chẻ vòm hầu cao gấp 3-4 lần khi sử dụng glucocorticoids ở thai nhỏ hơn 10 tuần.

Khi buồn nôn, nôn làm thai phụ mất nước và gia tăng nồng độ ketone, cần chỉ định dịch truyền với multivitamins, đặc biệt là thiamine. Những bệnh nhân này nên được cho thuốc chống nôn, có thể truyền tĩnh mạch nếu cần, và nên theo dõi sát nồng độ ketones và ion đồ niệu. Đối với các bệnh nhân vẫn còn tiếp tục nôn ói sau 12h truyền dịch, cần cho bệnh nhân nhập viện.

Nếu bệnh nhân tiếp tục sụt cân dù đã dùng thuốc, có thể cần đến hỗ trợ dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoặc đường tĩnh mạch.

“Đối với các bệnh nhân buồn nôn, nôn không thể kiểm soát với chế độ dinh dưỡng ngoại trú, cần phải hỗ trợ dinh dưỡng và bù dịch qua đường tĩnh mạch”, Bác sĩ Niebyl cho biết.

“Mặc dù một vài bệnh nhân tiếp tục nôn ói kéo dài, nuôi ăn bằng ống thông dạ dày vẫn có thể có ích. Dinh dưỡng ngoài ruột hoàn toàn thì liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng (25%); và bệnh nhân cũng có thể bị viêm gan nhiễm mỡ khi sử dụng nhũ tương lipid trong suốt thai kỳ. Vì các nguy cơ trên, dinh dưỡng ngoài ruột hoàn toàn chỉ nên dành cho các thai phụ sụt cân nghiêm trọng (>5% cân nặng) mà không đáp ứng với chế độ ăn chống nôn ói, và tình trạng trên không cải thiện với nuôi ăn đường ruột.”

Nguồn: http://www.medscape.com/viewarticle/730517

BS Huỳnh Thanh Sơn (dịch)

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK