Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 28-11-2011 8:00am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

kep ronTheo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí British Medical trung tuần tháng 11, việc để cho máu từ nhau thai vào trẻ mới sinh trong 3 phút sẽ giúp tăng lượng ferritin cho trẻ đến 4 tháng tuổi, so với việc cắt dây rốn trong vòng 10 giây đầu tiên như thường lệ. Đây là điều rất có ích cho sự phát triển của trẻ vì dự trữ đủ sắt cần thiết cho sự myelin hóa các neuron ở não, sự phát triển các sợi nhánh của neuron, sự dẫn truyền thần kinh, và sự chuyển hóa năng lượng trong các neuron và tế bào thần kinh đệm. Do nhu cầu sắt ở trẻ nhỏ rất cao, tình trạng thiếu máu thiếu sắt và dấu hiệu thiếu sắt qua cận lâm sàng thường đi kèm với các vấn đề về hành vi và nhận thức lâu dài của trẻ.

Cũng có nhiều nghiên cứu trước đây ủng hộ sự trì hoãn trong việc cắt dây rốn được tiến hành ở các cộng đồng đang phát triển hoặc có thu nhập trung bình (như ở Guatemala, Ấn Độ, Mexico và Zambia), các cộng đồng này có tỉ lệ hiện mắc của thiếu máu thiếu sắt cao nhưng những nghiên cứu này không theo dõi các đứa bé cho đến qua giai đoạn chu sinh. Trong khi đó, tình trạng thiếu sắt ít gặp hơn ở các nước khác nhưng đến nay vẫn khá phổ biến.

Từ lý do đó, Thạc sĩ Y khoa Ola Andersson, nhà Sơ sinh học ở Bệnh viện Halland- Thụy Điển, và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu 400 trẻ đủ tháng sinh từ các thai kì nguy cơ thấp từ tháng 4/2008 đến tháng 9/2009, và lựa chọn ngẫu nhiên thời điểm cắt dây rốn hoặc 10 giây hoặc 3 phút. Khi một đứa trẻ sắp sinh ra, người đỡ sanh sẽ mở một bao thư chỉ định một trong hai thời điểm cắt dây rốn. Người đỡ sanh giữ đứa bé ở 20 cm dưới mức âm hộ của mẹ trong 30 giây sau đó mới đặt đứa bé trên bụng bà mẹ để máu mẹ truyền sang con dễ hơn.

Các nhà nghiên cứu đánh giá mẫu máu của đứa bé trong ngày thứ hai để làm xét nghiệm công thức máu toàn phần (bao gồm huyết sắc tố, thể tích khối hồng cầu, thể tích trung bình hồng cầu, nồng độ huyết sắc tố trung bình, đếm hồng cầu lưới, và huyết sắc tố hồng cầu lưới), tình trạng sắt (sắt huyết thanh, transferrin, ferritin huyết thanh, độ bão hòa transferrin, và các thụ thể transferrin hòa tan), protein phản ứng C, và bilirubin; sau đó lặp lại tất cả trừ test bilirubin trên những mẫu máu của trẻ lúc 4 tháng tuổi.

Lý do căn bản của việc cắt dây rốn ngay sau khi sinh trước đây là do sợ tăng nguy cơ bất lợi do trẻ nhận quá nhiều máu, nên các nhà nghiên cứu cũng đã đánh giá những trẻ được cắt dây rốn muộn về các triệu chứng hô hấp, tình trạng đa hồng cầu, và nhu cầu liệu pháp chiếu đèn để điều trị vàng da sơ sinh. Điều này cũng giải thích tại sao cân nặng trung bình của những đứa trẻ cắt rốn muộn thường cao hơn.

Kết quả nghiên cứu: Lúc 4 tháng tuổi, những đứa trẻ ở cả 2 nhóm đều có nồng độ huyết sắc tố tương đương nhau, nhưng những trẻ được cắt rốn muộn có nồng độ ferritin trung bình cao hơn 45% (117 μg/L so với 81 μg/L; P < .001) (khoảng tin cậy 95%, 23% - 71%) và tỉ lệ hiện mắc của tình trạng thiếu sắt thấp hơn (1 trẻ [0.6%] so với 10 trẻ [5.7%]; P = .02). Nhóm được trì hoãn cắt dây rốn có tỉ lệ hiện mắc của thiếu máu chu sinh thấp hơn (2 trẻ [1.2%] so với 10 trẻ [6.3%] ; P = .02). Các nhóm không khác nhau về các triệu chứng hô hấp, tình trạng đa hồng cầu, hoặc tăng bilirubin máu. Cứ mỗi 20 trẻ được trì hoãn cắt dây rốn thì có thể ngăn ngừa được 1 trường hợp thiếu sắt. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng trì hoãn việc cắt rốn “nên được xem như một bước chăm sóc tiêu chuẩn trong các cuộc chuyển dạ đủ tháng sau những thai kì không biến chứng”. Thạc sĩ bác sĩ Nhi khoa Patrick van Rheenen, cố vấn của Đại học Groninhen ở Netherlands, đồng ý trong một bài báo kèm theo rằng “đã có đủ bằng chứng để khuyến khích sự thay đổi một lề lối thực hành thường ngày”.

Nguồn: Ricki Lewis, Delayed Cord Clamping Raises Iron Stores at 4 Months - Medscape Medical News

Nguyễn Thị Ngọc Nhân

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK