Nôn ói thường xuyên, kích thích và quấy khóc không giải thích được ở trẻ em thường gây stress rất nhiều cho cha mẹ trẻ. Các BS nhi khoa thường kê toa các loại thuốc ức chế tiết acid dạ dày cho những triệu chứng này với nỗ lực nhằm điều trị trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tuy nhiên, GERD là nguyên nhân không phổ biến gây ra những triệu chứng này ở những trẻ khỏe mạnh khác.
BS Hassall, trưởng khoa Tiêu hóa của Tổ chức Y khoa Sutter Pacific tại San Francisco, California đồng thời cũng là một thành viên tư vấn cho FDA (U.S. Food and Drug Administration), đã phối hợp với Khoa Nhi Đại học British Columbia, Vancouver, Canada cảnh báo về việc chẩn đoán quá mức GERD cũng như kê toa lạm dụng thuốc ức chế tiết acid dạ dày ở trẻ em. Mặc dù FDA chỉ cho phép sử dụng các thuốc ức chế tiết acid dạ dày, ví dụ như thuốc ức chế bơm proton (PPIs) cho trẻ em hơn 1 tuổi, việc sử dụng PPIs cho trẻ dưới 12 tháng tuổi đã tăng lên rõ rệt trong thập niên vừa qua.
BS Hassall lưu ý rằng phần lớn “trào ngược” ở trẻ em thường không có tính acid vì việc cho trẻ ăn thường xuyên sẽ trung hòa các thành phần trong dạ dày. Tuy nhiên, sự thiếu các thông tin hữu dụng và hướng dẫn của các BS cộng thêm việc quảng cáo và thông tin sai lệch thường xuyên hiện diện trên Internet khiến cha mẹ đưa các trẻ có các triệu chứng trên đến BS, và cũng vì những triệu chứng này, trẻ sẽ được các BS kê toa thuốc ức chế tiết acid dạ dày mặc dù phần lớn các trường hợp không phải là GERD.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thuốc PPIs không tốt hơn so với giả dược cho phần lớn các trẻ với triệu chứng nôn ói, kích thích hay quấy khóc không giải thích được, có lẽ vì các thuốc này thường xuyên được kê toa cho những triệu chứng không phải do GERD. BS Hassall nhấn mạnh việc nôn ói ở những trẻ khỏe mạnh khác là bình thường và sẽ cải thiện dần theo thời gian. Kích thích hay quấy khóc không giải thích được, có hay không kèm nôn ói, thường là hiện tượng phát triển bình thường, đặc biệt ở trẻ từ 2 đến 5 tháng tuổi.
Theo BS Hassall, ở phần lớn các trẻ, những triệu chứng này là bình thường và không cần điều trị bằng thuốc, việc điều trị thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Acid dạ dày là hàng rào sinh lý đầu tiên ngăn cản nhiễm trùng và đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng, chính khi kê toa các thuốc ức chế tiết acid dạ dày cho trẻ em không có GERD, các BS đã tạo ra nguy cơ nhiễm trùng cao hơn cho trẻ như viêm phổi và viêm ruột. Việc sử dụng các thuốc PPIs ở trẻ em cũng có thể dẫn đến bất thường về nồng độ các khoáng chất và vitamin thiết yếu, như magie, canxi và vitamin B12.
BS Hassall khuyến khích các BS nhi khoa đồng nghiệp tìm hiểu và áp dụng các cách tiếp cận không dùng thuốc, như việc thay đổi chế độ ăn của mẹ ở những bà mẹ cho con bú hay sử dụng các loại sữa công thức ít gây dị ứng cho những trẻ bú bình. Tuy nhiên nếu các tiếp cận này không thành công hay nếu trẻ có những triệu chứng nặng và gợi ý thật sự có GERD, BS Hassall đề nghị bắt đầu điều trị các thuốc ức chế tiết acid dạ dày trong thời gian giới hạn là 2 tuần. BS Hassall cũng chú ý rằng trong phần lớn các trường hợp, nôn ói không cần điều trị. Tuy nhiên, quấy khóc không giải thích được có thể cần điều trị nếu gây ra stress thật sự và khiến cha mẹ trẻ lo âu liên tục. Điều quan trọng với các BS nhi khoa là hiểu biết về các ảnh hưởng đó, giải thích về hành động bình thường ở trẻ, thảo luận về các cận lâm sàng phù hợp, tiến hành điều trị và theo dõi.
(The Jounal of Pediatrics - October 20, 2011)
BS. Lê Phạm Thu Hà
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...