Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 13-03-2019 2:38pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Lê Tiểu My – Nhóm Nghiên cứu sinh non Bệnh viện Mỹ Đức

Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp nào được chứng minh là có hiệu quả trong giảm tỷ lệ sinh non ở thai kỳ song thai, từng có tiền căn dọa sinh non và chiều dài kênh cổ tử cung ngắn. Đối với nhóm thai phụ nguy cơ cao này, việc tư vấn và lựa chọn phương pháp can thiệp thật sự là thử thách.

Siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung từ 20-24 tuần là phương pháp dự đoán sinh non hiệu quả ở nhóm thai phụ không triệu chứng sinh non, nhưng dữ liệu cập nhật đến hiện tại vẫn cho thấy rằng, phương pháp này ít chính xác ở thai kỳ song thai so với đơn thai.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng tiến hành trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao sinh non, bao gồm nhiều yếu tố: song thai, từng có tiền căn dọa sinh non và chiều dài kênh cổ tử cung ngắn, nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp đặt vòng nâng cổ tử cung trong trì hoãn sinh sớm vừa công bố kết quả trên tạp chí Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (AJOG – tháng 2/2019).

Đối tượng nghiên cứu bao gồm những thai phụ song thai, từng bị dọa sinh non (có 3-5 cơn gò/10 phút), tuổi thai 24 0/7 – 33 6/7 tuần, cổ tử cung mở hoặc chiều dài kênh cổ tử cung ngắn (≤ 20 mm khi thai từ 24 0/7 – 29 6/7 tuần và ≤ 10 mm ở tuổi thai từ 30 0/7 – 33 6/7 tuần). Tất cả những bệnh nhân được chẩn đoán dọa sinh non đều nhập viện, sử dụng thuốc giảm gò và hỗ trợ trưởng thành phổi. Nếu không sinh non sau đó 48 giờ (không còn cơn gò sau sử dụng thuốc giảm gò) và đo lại kênh cổ tử cung vẫn ngắn theo tiêu chuẩn, bệnh nhân sẽ được ngẫu nhiên chia thành hai nhóm: đặt vòng nâng cổ tử cung và theo dõi thường quy. Tổng cộng có 132 trường hợp tham gia nghiên cứu và kết quả cho thấy:
  • Tỷ lệ sinh non ở nhóm đặt vòng nâng cổ tử cung thấp hơn so với nhóm chứng: 11/6 (16,4%) so với 21/65 (32,3%) – RR = 0,51 (CI 0,27 – 0,97); p=0,03.
  • Không có sự khác biệt có ý nghĩa ở nhóm sinh non < 28 tuần hoặc <37 tuần.
  • Nhóm đặt vòng nâng cổ tử cung có tỷ lệ tái nhập viện thấp hơn do đợt dọa sinh non mới: 4/67 (5,6%) so với 14/65 (21,5%); RR = 0,28 (CI 0,10 – 0,80); p = 0.009
  • Trẻ sinh ra < 2500 g ở nhóm đặt vòng nâng cổ tử cung thấp hơn: 24/134 (17,9%) so với 92/130 (70,8%); RR = 0,25 (CI 0,15 – 0,43); p < 0,0001
  • Một số kết quả khác sau phân tích bao gồm: tỷ lệ vỡ ối non, ra huyết âm đạo ở nhóm chứng cũng nhiều hơn nhóm can thiệp đặt vòng nâng cổ tử cung, tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê.
Nhóm nghiên cứu kết luận, đặt vòng nâng cổ tử cung có hiệu quả giảm tỷ lệ sinh < 34 tuần; giảm tỷ lệ tái nhập viện vì dọa sinh non và giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh < 2.500 g ở nhóm thai phụ song thai, kênh cổ tử cung ngắn có dọa sinh non.

Cho đến nay, chỉ duy nhất một nghiên cứu được công bố về hiệu quả của vòng nâng cổ tử cung trên nhóm bệnh nhân từng dọa sinh non, tuy nhiên nghiên cứu này đã tạm dừng sau phân tích giữa kỳ. Vì vậy, đây được xem là nghiên cứu đầu tiên cho thấy hiệu quả của vòng nâng cổ tử cung trên thai kỳ song thai – nhóm bệnh nhân được xem là vẫn chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả khi chiều dài kênh cổ tử cung ngắn.

Thông tin này, cho đến nay có thể được xem là khá hữu ích khi tư vấn bệnh nhân dọa sinh non đã tạm ổn chọn lựa biện pháp can thiệp nhằm kéo dài thai kỳ.

 
Lược dịch từ: Cervical pessary for preventing preterm birth in twin pregnancies with maternal short cervix after an episode of threatened preterm labour: randomised controlled trial. American Journal of Obstetrics and Gynecology – Feb 2019
DOI: https://doi.org/10.1016/j.ajog.2019.02.035
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK