Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-03-2019 1:47pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Trước đây, các mục tiêu của điều trị hiếm muộn thường là tỉ lệ mang thai, tỉ lệ sinh sống, thời gian ngắn nhất có thai, thời gian ngắn nhất đạt sinh sống. Tuy nhiên, có 1 bé sinh sống khoẻ mạnh toàn diện nên là mục tiêu của điều trị hiếm muộn, bởi lẽ mang đa thai và sinh đa con mang lại nhiều biến chứng ngắn hạn và dài hạn cho mẹ và bé, mang đến gánh nặng cho cả gia đình và toàn xã hội trong trường hợp sức khoẻ của bé không đạt lý tưởng.
 

Có 1 bé sinh sống khoẻ mạnh là mục tiêu quan trọng của điều trị, song cần đạt mục tiêu này trong bao lâu? Đối với những phụ nữ lớn tuổi, thời gian là yếu tố rất quan trọng để các bác sĩ cân nhắc lựa chọn phác đồ điều trị, lựa chọn các kỹ thuật đi kèm, sao cho tỉ lệ có thai là tốt nhất và người phụ nữ đạt được 1 bé khoẻ mạnh trong thời gian sớm nhất, để sau đó có thể có tiếp đứa con thứ hai hoặc thứ ba tuỳ theo số con mong muốn của từng gia đình.

Đồng thuận Delphi của 27 chuyên gia hiếm muộn phân tích về các cách rút ngắn thời gian có 1 bé sinh sống khoẻ mạnh khi điều trị hiếm muộn. Đồng thuận này gồm 12 điểm thống nhất sau:
 
Nội dung Tài liệu tham khảo
Tuổi và thời gian sinh 1 bé khoẻ mạnh  
1.      Điều tối quan trọng là điều trị hiếm muộn cần được lên kế hoạch với khung thời gian hợp lý, tránh điều trị quá tay hoặc quá nhẹ tay American Society for Reproductive Medicine (2014)
2.      Ở những phụ nữ vô sinh dưới 40 tuổi, kết cục thụ tinh trong ống nghiệm cộng dồn lý tưởng có thể đạt được với 6 chu kỳ chuyển đơn phôi Gnoth et al (2003), Goswami et al (2013)
3.      Tuổi bệnh nhân không ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh sống cộng dồn ở những chu kỳ xin noãn nếu người cho noãn từ 18 đến 34 tuổi Garrido et al (2012)
Các kỹ thuật giúp tối ưu thời gian sinh 1 bé khoẻ mạnh  
4.      Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sàng lọc thể lệch bội (PGT-A) giúp giảm tỉ lệ lệch bội và rút ngắn thời gian có thai và thời gian sinh 1 bé khoẻ mạnh Ubaldi et al (2015)
5.      PGT-A bằng kỹ thuật xét nghiệm toàn bộ bộ nhiễm sắc thể có thể làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng và làm tổ Dahdouh et al (2015)
6.      Ở những phụ nữ > 35 tuổi, chuyển một phôi chọn lọc bằng cách sử dụng kỹ thuật PGT-A có thể làm giảm tỉ lệ đa thai mà vẫn duy trì được tỉ lệ thành công cộng dồn của thụ tinh trong ống nghiệm Ubaldi et al (2015)
7.      Chuyển phôi trữ có thể được xem xét thực hiện ngay lập tức sau khi chuyển phôi tươi thất bại, bởi lẽ tỉ lệ thai lâm sàng cũng tương tự như trường hợp chuyển phôi trữ sau khi nghỉ vài chu kỳ Santos-Ribeiro et al (2016)
8.      Kích thích buồng trứng kết hợp FSH và LH trong phác đồ antagonist có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị giảm dự trữ buồng trứng Ubaldi et al (2016)
Chọc hút noãn và thời gian sinh 1 bé khoẻ mạnh  
9.      Tỉ lệ sinh sống cộng dồn (bao gồm sinh sống sau chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ của cùng chu kỳ chọc hút noãn) tăng đáng kể cùng với số noãn chọc hút được Drakopoulos et at (2016)
GnRH antagonist và thời gian sinh 1 bé khoẻ mạnh  
10.  Sử dụng phác đồ GnRH antagonist có thể rút ngắn thời gian điều trị (số ngày kích thích buồng trứng ngắn hơn) với tổng liều FSH thấp hơn và số mũi tiêm ít hơn Devroey et al (2009)
11.  Ở những bệnh nhân đáp ứng buồng trứng bình thường, GnRH antagonist có hiệu quả tương tự GnRH agonist Al-Inany et al (2016)
12.  GnRH agonist có thể được sử dụng để khởi phát trưởng thành noãn trong chu kỳ GnRH antagonist, giảm có ý nghĩa nguy cơ huỷ chu kỳ và hội chứng quá kích buồng trứng ở những bệnh nhân đáp ứng bình thường Al-Inany et al (2016)
 
Bên cạnh thời gian đạt 1 bé khoẻ mạnh sinh sống, các lựa chọn và tư vấn về điều trị của bác sĩ lâm sàng cũng cần cân nhắc đến số con mà bệnh nhân mong muốn, bởi vì càng mong muốn nhiều con bao nhiêu, thì thời gian dành cho việc điều trị càng dài bấy nhiêu. Một phương trình mô phỏng của máy tính đã ước tính nếu cặp vợ chồng muốn có 1, 2 hoặc 3 con với xác suất ³ 90%, thì họ cần bắt đầu điều trị thụ tinh trong ống nghiệm ở các mốc tương ứng là ≤ 35, ≤ 31 và ≤ 28 tuổi. Nếu thụ tinh trong ống nghiệm không phải là phương pháp điều trị được lựa chọn, thì các mốc tuổi tương ứng nên bắt đầu điều trị sẽ là 32, 27 và 23 tuổi.

BS Nguyễn Khánh Linh – IVFMDPN – BV Mỹ Đức Phú Nhuận
Nguồn: How time to healthy singleton delivery could affect decision-making during infertility treatment: a Delphi consensus. RBM Online, Volume 38, Issue 1, 2019.
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK