Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 16-08-2023 3:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Khắc Tiến
Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
Nhóm Nghiên cứu Lạc nội mạc tử cung & Adenomyosis - Bệnh viện Mỹ Đức (SEAMD)

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ progesterone trong huyết thanh ở chu kỳ chuyển phôi trữ có mối tương quan với tỷ lệ làm tổ hoặc tỷ lệ thai sau chuyển phôi trữ và đưa ra khuyến cáo về nồng độ progesterone huyết thanh tối ưu cho tỷ lệ trẻ sinh sống. Ngưỡng cắt được đề cập nhiều nhất trong các nghiên cứu là 32 nmol/l (10 ng/ml). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đánh giá về mối liên quan giữa nồng độ progesterone huyết thanh và tỷ lệ trẻ sinh sống ở bệnh nhân Lạc nội mạc tử cung (LNMTC), một nhóm bệnh lý mà cơ chế liên quan mật thiết đến sự đề kháng progesterone ở nội mạc tử cung (NMTC) chính vị và lạc chỗ.
 
Vì vậy, nhóm nghiên cứu của tác giả Alsbjerg và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu, với 262 chu kỳ chuyển phôi trữ sử dụng nội tiết ngoại sinh (HRT-FET) ở 179 phụ nữ LNMTC. Tiêu chuẩn nhận vào nghiên cứu là phụ nữ được chẩn đoán LNMTC thông qua phẫu thuật nội soi, hoặc được chẩn đoán trên siêu âm có hình ảnh nang LNMTC, LNMTC sâu kèm theo có thống kinh. Những bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu sẽ uống thuốc ngừa thai trước 6 tuần và ngưng 5 ngày để có kinh. Quá trình chuẩn bị NMTC được thực hiện bằng estradiol, liều 6mg/ngày, uống 1 lần duy nhất. Sau 12-19 ngày dùng estradiol, bệnh nhân được siêu âm để theo dõi, nếu độ dày NMTC ≥7 mm, bệnh nhân sẽ được mở cửa sổ làm tổ bằng cách sử dụng progesterone gel 90mg, bơm âm đạo 2 lần/ngày trong 4 ngày, sau đó bổ sung thêm progesterone tiêm bắp (50mg/ngày). Bệnh nhân được chuyển phôi ngày 5 hoặc ngày 6 vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7 khi NMTC tiếp xúc với progesterone. Thử thai được thực hiện vào 9-11 ngày sau chuyển phôi. Xét nghiệm progesterone huyết thanh được thực hiện vào ngày thử thai, khoảng 2-4h sau khi bơm progesterone gel. Nếu bệnh nhân có thai, hỗ trợ hoàng thể được duy trì đến 10 tuần tuổi thai, sử dụng liều tương tự và progesterone tiêm bắp được duy trì đến khi siêu âm thấy túi thai trong tử cung (vào khoảng 7 – 8 tuần tuổi thai).
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy ngưỡng progesterone tối ưu cho tỷ lệ trẻ sinh sống là 118 nmol/L (37,1 ng/mL). Những phụ nữ có nồng độ progesterone huyết thanh ≥118 nmol/L có tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn có ý nghĩa thống kê so với phụ nữ có nồng độ progesterone <118 nmol/L (51% so với 34%, p=0,01). Sự khác biệt vẫn có ý nghĩa thống kê sau khi hiệu chỉnh các yếu tố gây nhiễu (OR 2,1, KTC 95% 1,2-3,7).
 
Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy bệnh nhân LNMTC được chuẩn bị NMTC để chuyển phôi trữ sử dụng phác đồ nội tiết ngoại sinh có tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn nếu nồng độ progesterone huyết thanh trong giai đoạn hoàng thể cao hơn (≥118 nmol/L) so với ngưỡng được báo cáo ở bệnh nhân không có LNMTC. Lý giải kết luận này, nhóm tác giả cho rằng nhu cầu progesterone ở nhóm bệnh nhân có LNMTC là cao hơn, có thể liên quan đến cơ chế kháng progesterone của bệnh lý này. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên đưa ra điểm cắt về nồng độ progesterone trong huyết thanh tối ưu cho tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm bệnh nhân có LNMTC thực hiện chuẩn bị NMTC chuyển phôi trữ.
 
Nguồn: Alsbjerg, Birgit et al. Endometriosis patients benefit from high serum progesterone in hormone replacement therapy–frozen embryo transfer cycles: a cohort study. Reproductive BioMedicine Online, Volume 46, Issue 1, 92 – 98.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK