Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-05-2024 2:39pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện - IVFMD Phú Nhuận

Giới thiệu:
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovarian syndrome – PCOS) ảnh hưởng đến 6 đến 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Người mắc hội chứng này có sự biểu hiện của 2 trong 3 đặc điểm bao gồm cường androgen, thiểu sản và buồng trứng đa nang và là một trong những tình trạng nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ. Ngoài ra, có mối liên hệ rõ ràng giữa PCOS và các bệnh chuyển hóa khác, bao gồm ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh tim mạch. Rối loạn chức năng trao đổi chất ở bệnh nhân PCOS gây ra các vấn đề về trưởng thành noãn và phát triển phôi, nguyên nhân là do sự thay đổi vi môi trường nội nang trong quá trình hình thành nang noãn.

Các tế bào cumulus nằm gần noãn và duy trì trao đổi với noãn bằng các cầu nối xuyên màng và liên kết gap junction. Trong phức hợp noãn-cumulus (cumulus-oocyte complex – COC), có mối quan hệ hai chiều giữa tế bào noãn và tế bào cumulus, dẫn đến sự trưởng thành của tế bào noãn cũng như sự phát triển và biệt hóa của tế bào cumulus. Trong quá trình trưởng thành noãn, tế bào cumulus cung cấp một con đường vận chuyển các chất khác nhau, bao gồm chất dinh dưỡng, các phân tử điều hòa và các yếu tố cận tiết. Hơn nữa, noãn còn giải phóng các chất thúc đẩy quá trình biệt hóa và phát triển của tế bào cumulus. Có nhiều bằng chứng cho thấy tế bào cumulus có vai trò quan trọng đối với chất lượng noãn, quá trình thụ tinh cũng như sự phát triển phôi sớm và quá trình mang thai. Do đó, nghiên cứu biểu hiện của tế bào Cumulus là một cách không xâm lấn để đánh giá chất lượng noãn. Đã có một số nghiên cứu nhằm tìm ra đặc điểm biểu hiện gen của tế bào Cumulus bằng phương pháp microarray và giải trình tự RNA.

Con đường tín hiệu Wnt/β-catenin có thể ảnh hưởng đến việc kích hoạt hệ thống sinh sản nữ bằng cách thay đổi hoạt động nội tiết tố trong tế bào hạt buồng trứng. Trong số các gen có khả năng kích hoạt con đường này một cách thuận lợi là gen BAMBI. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chức năng quan trọng của phức hợp SCF (Skp1-cullin 1-F-box) trong quá trình hình thành noãn. Trung tâm phản ứng của SCF, một proteasome gồm nhiều tiểu đơn vị, được hình thành bởi RBX1, một trong những thành phần thiết yếu của nó. Việc kích hoạt gián tiếp APC/Cdc20 bằng RBX1 có thể giúp noãn vượt qua giai đoạn GV và tiến tới giai đoạn MII. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định xem những gen này có liên quan đến sự trưởng thành của noãn hay không và vai trò của chúng trong quá trình rụng trứng.

Phương pháp:
Đối tượng:
  • Bệnh nhân được chẩn đoán có mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Tiêu chuẩn loại:
  • Bệnh nhân có khối u tiết androgen
  • Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
  • Hội chứng Cushing
Mẫu tế bào cumulus (cumulus cell – CC) thu được từ noãn của bệnh nhân mắc PCOS (nhóm nghiên cứu) và không mắc PCOS (nhóm đối chứng). Các tế bào cumulus được lấy từ các COC ở giai đoạn GV (GV-CC) và giai đoạn MII (MII-CC) bao gồm 38 MII-CC và 38 GV-CC ở nhóm mắc PCOS, 33 MII-CC và 33 GV-CC ở nhóm không mắc PCOS. Noãn chọc hút được sẽ được tiến hành tách lớp tế bào cumulus từ các COC sau đó được tách chiết RNA và tổng hợp cDNA cho cả 2 gen BAMBI và RBX1. RT-PCR định lượng (qPCR) được sử dụng để đánh giá biểu hiện của BAMBI và RBX1.

Kết quả:
Kết quả chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa tuổi, chỉ số BMI và chỉ số FSH ở hai nhóm. Những phụ nữ mắc PCOS có tỷ lệ LH cơ bản (9,1 ± 1,6) và FSH (1,38 ± 0,6) cao hơn so với những phụ nữ không mắc PCOS có LH (4,1 ± 1,5) và FSH (0,6 ± 0,4) với p<0,05 và p<0,001 tương ứng.

Khi so sánh với những bệnh nhân không mắc PCOS, phụ nữ mắc PCOS có biểu hiện gen RBX1 trong CC của họ thấp hơn đáng kể ở giai đoạn MII (p=0,0019). Hơn nữa, biểu hiện gen RBX1 trong CC của phụ nữ không mắc PCOS ở giai đoạn GV thấp hơn đáng kể ở giai đoạn MII (p=0,0024). Sự biểu hiện của gen BAMBI thấp hơn đáng kể ở bệnh nhân mắc PCOS ở cả giai đoạn GV (p=0,02) và MII (p<0,0001), so với phụ nữ không mắc PCOS. Ngoài ra, biểu hiện của gen BAMBI trong CC của nhóm PCOS ở giai đoạn GV đã giảm đáng kể so với CC của nhóm PCOS ở giai đoạn MII (p=0,023). Sự biểu hiện của gen này thấp hơn đáng kể ở CC của nhóm không mắc PCOS ở cả hai giai đoạn (p=0,011) (Hình 1).


Kết luận:
Phân tích biểu hiện gen của tế bào Cumulus cung cấp một phương pháp không xâm lấn để kiểm tra tình trạng của noãn. Theo kết quả của nghiên cứu, gen RBX1 và BAMBI có thể liên quan đến chất lượng noãn ở bệnh nhân PCOS. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận về kết luận này.

Nguồn: Monshizadeh, K., Tajamolian, M., Anbari, F. et al. The association of RBX1 and BAMBI gene expression with oocyte maturation in PCOS women. BMC Med Genomics 17, 24 (2024). https://doi.org/10.1186/s12920-024-01800-2.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Giang mai trong thai kỳ - Ngày đăng: 19-05-2024
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK