Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 29-09-2024 2:55pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
DS Nguyễn Thảo Nhi – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

CÁC LOẠI DINH DƯỠNG
Dinh dưỡng đa lượng
Acid béo
Lượng tiêu thụ và nồng độ trong máu của acid béo có ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Chế độ ăn high-fat (thường giàu acid béo bão hòa) có vẻ như làm ảnh hưởng tiêu cực đến chuyển hóa của xương như: quá trình tạo phức hợp giữa calci và và các khoáng chất khác trong ruột, tăng sự thải phức hợp qua phân, tổng hợp prostaglandin, hình thành osteoblast (tế bào tạo xương) và sự oxy hóa lipid. Ví dụ, palmitic acid, một trong những acid béo bão hòa có nhiều nhất trong chế độ ăn, làm tăng hoạt apoptosis của osteoblast và dẫn đến tăng khả năng sống sót của osteoclast (tế bào hủy xương).
Ngược lại, các acid béo không bão hòa lại mang lại tác dụng tốt cho loãng xương. Omega-3 điều hòa osteoblast và osteoclast, điều khiển sự khởi phát viêm và chuyển hóa calci, tuy nhiên tác dụng của omega-6 còn cần phải được nghiên cứu thêm. Theo các nghiên cứu, sử dụng các acid béo không bão hòa có thể làm tăng mật độ xương (Bone Mineral Density – BMD) và thậm chí là giảm nguy cơ gãy xương.

Carbohydrat
Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu, người ta cho rằng lượng đường huyết cao sẽ không tốt cho sức khỏe xương. Đó là vì những lý do sau: làm tăng tình trạng viêm và stress oxy hóa, giảm hoạt động của osteoblast và tăng hủy xương do nhiễm toan. Ngoài ra, đường huyết cao còn có thể làm tăng thải calci theo đường nước tiểu và ngăn cản các thụ thể PTH và vitamin D.

Protein
Protein giúp tái tạo xương qua nhiều cơ chế, đầu tiên, chúng cung cấp amino acid cho hình thành cả nền xương và khối lượng cơ, đồng thời làm tăng nồng độ IGF-1 (insulin-like growth factor 1) – một hormon liên quan đến sự tăng sinh của osteoblast và hydroxyl hóa 25-hydroxyvitamin D, góp phần làm tăng hấp thu calci ở ruột.
Và mặc dù các nghiên cứu về vai trò của protein đối với loãng xương hiếm hoi, chúng có vai trò cần thiết trong việc điều trị, đặc biệt là nguồn từ các thực phẩm sữa vì có chất lượng cao và gắn kết tốt với vitamin D và calci.
  
Bảng 1. Vai trò và liều khuyến cáo của nguồn dinh dưỡng đa lượng với xương

Dinh dưỡng đa lượng Vai trò đối với xương Lượng khuyến cáo
Acid béo bão hòa  
Tăng hình thành phức hợp với calci, dẫn đến sự đào thải chúng qua phân và đồng thời gây apoptosis cho osteoblast
Hạn chế sử dụng (có trong các thực phẩm chế biến sẵn)
Acid béo không bão hòa Điều hòa hoạt động osteoblast và osteoclast cùng quá trình viêm  
Đảm bảo chế độ ăn giàu omega-3 như các loại hạt (óc chó, chia, lanh), sử dụng dầu thực vật như đậu nành, dầu lanh và cá (chứa eicosapentaenoic acid và docosahexaenoic acid)
Carbohydrat Đường huyết cao gây tăng viêm, stress oxy hóa, tăng hủy xương do nhiễm toan và tăng thải calci niệu  
Khuyến cáo chế độ ăn uống làm giảm đường huyết sau ăn: chỉ số đường huyết GI cao và giàu chất xơ như hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt
 
Protein Cung cấp các amino acid cần thiết cho tái tạo xương và tăng hấp thu calci ở ruột  
Tăng lượng protein nạp vào trên 0,8 g/kg trọng lượng cơ thể một ngày nếu không bị chống chỉ định
 

Dinh dưỡng vi lượng
Bảng 2. Vai trò và liều khuyến cáo của nguồn dinh dưỡng vi lượng với xương
Dinh dưỡng vi lượng Vai trò đối với xương Lượng khuyến cáo
Phospho Là chất quan trọng trong nền xương
Nếu sử dụng quá nhiều, đặc biệt là ở nhóm tiêu thụ ít calci có thể gây tăng PTH và hủy xương
Giới hạn lại sự tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn
Magie Cofactor cho enzyme liên quan đến tổng hợp chất nền xương
Không hấp thu đủ theo khuyến cáo (đặc biệt là người cao tuổi hoặc đang sử dụng thuốc lợi tiểu/ nhuận tràng) sẽ giảm độ cứng cơ, tăng số osteoclast và giảm osteoblast. Nó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến xương do làm tăng viêm và stress oxy hóa, thay đổi PTH và giảm lượng 25-hydroxyvitamin D
Đa số tác giả đồng ý rằng magie huyết thấp liên quan đến nguy cơ loãng xương cao
Khuyến cáo sử dụng đủ lượng các loại hạt và đậu
Thực phẩm bổ sung magie vẫn chưa được chứng minh
Các vitamin B Liên quan đến chuyển hóa homocysteine, một amino acid điều hòa quá trình tái tạo xương bằng cách tăng hoạt động và biệt hóa osteoclast.
Thiếu hụt vitamin B6, B9, B12 làm tăng homocysteine
Cần thêm các nghiên cứu
Vitamin C Liên quan đến hình thành osteoblast và tổng hợp collagen Đảm bảo tiêu thụ đủ hoa quả và rau củ
Các thực phẩm bổ sung vitamin C vẫn chưa được chứng minh
Vitamin E Chất chống oxy hóa, làm giảm ROS và hàng loạt các cytokin tiền viêm. ROS cao gây mất xương do stress oxy hóa kích hoạt sự biệt hóa osteoclast. Chế độ ăn Địa Trung Hải rất giàu vitamin E gồm dầu thực vật, hoa quả, hạt và rau củ.
Vitamin K Là cofactor cho quá trình gamma-carboxyl hóa của osteocalcin, một protein được tiết ra từ osteoblast cần thiết cho hình thành tinh thể hydroxyapatite.
Khi thiếu vitamin K huyết thanh sẽ dẫn đến tăng lượng osteocalcin chưa carboxyl hóa, cả 2 chất này đều liên quan đến khả năng gãy xương hông
Vitamin K2 (menaquinon) được chia thành 2 loại: chuỗi ngắn và chuối dài, được sản xuất bởi vi khuẩn nên chế độ ăn chứa thực phẩm lên men như phô mai, nato hay cá, trứng hoặc gan sẽ có lợi.
 

Một số chất khác
Phytate
Phytate là chất có tự nhiên trong các loại đậu, ngũ cốc, hạt; nó ảnh hưởng đến quá trình khử calci tương tự như biphosphonat – một nhóm thuốc điều trị loãng xương. Cơ chế là gắn kết ái lực cao với calci trong tinh thể hydroxyapatite, cản trở cả quá trình kết tinh và tái hòa tan cũng như sự hủy xương.

Phytoestrogen
Là hợp chất polyphenol trong tự nhiên có cấu trúc gần giống với estrogen nội sinh; bao gồm isoflavon, stilben, coumestan và lignan. Trong đó, isoflavon được nghiên cứu và sử dụng nhiều nhất trong phytoestrogen, được tìm thấy nhiều ở đậu nành và một số loại đậu khác. Resveratrol, một stilben có nhiều trong nho và berries được nghiên cứu giúp cải thiện BMD ở cổ xương đùi và cột sống thắt lưng.
Lý do phytoestrogen có khả năng giảm loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là vì nó gắn lên cùng với thụ thể của estrogen nội sinh, cho ra ảnh hưởng giống nhau là giảm hoạt động của osteoclast và tăng sự apoptosis của chúng.

Thực phẩm từ sữa
Dường như chúng là thực phẩm được nghiên cứu nhiều nhất đối với sức khỏe xương, vì chứa hàm lượng cao calci, vitamin D và protein. Chúng còn chứa probiotic và peptide đóng vai trò quan trọng trong xương.
Đầu tiên, phosphopeptide từ casein làm tăng sự hấp thu calci bằng cách ngăn sự kết tủa của nó trong ruột; đồng thời cải thiện tăng sinh, biệt hóa và khoáng hóa osteoblast. Tiếp theo, probiotic trong sản phẩm lên men giúp điều hòa vi khuẩn đường ruột – ngày càng được chứng minh là nhân tố quan trọng cho sức khỏe xương, probiotic còn ảnh hưởng lên nồng độ 25-hydroxyvitamin D và sự hấp thu calci. Tuy nhiên, cung cấp loại nào và bao nhiêu probiotic vẫn còn là vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

Trà xanh
Một số nghiên cứu chỉ ra trà xanh có chứa nhiều loại polyphenol – chất chống oxy hóa giúp bảo vệ osteoblast khỏi stress oxy hóa và isoflavon, như đã đề cập ở trên về lợi ích đối với sức khỏe xương. Tuy nhiên, có vẻ như lợi ích này sẽ không còn nếu lạm dụng (trên 5 cốc mỗi ngày) trà xanh, cơ sở là do nó có chứa caffeine - ở một nồng độ nhất định sẽ tương tác với polyphenol và isoflavon.

Caffeine, mặt khác lại tăng sự hủy xương qua nhiều cơ chế: khung purin như là chất đối vận của adenosin ở thụ thể A2 dẫn đến ngăn cản hình thành xương, ngoài ra còn ảnh hưởng lên chuyển hóa calci (tăng đào thải) và vitamin D (ngăn cản thụ thể vitamin D kích hoạt osteoblast)
 
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn Địa Trung Hải

Bảng 3. Các loại thực phẩm và dinh dưỡng chế độ ăn Địa Trung Hải cung cấp
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Loại Dinh dưỡng
Thực vật Trái cây, rau củ Vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa như carotenoid
Đậu, ngũ cốc và hạt Phytate, phytoestrogen, omega-3
Protein Cá, thịt trắng, trứng Omega-3
Lipid Dầu olive Polyphenol
Sản phẩm từ sữa Phô mai, sữa Calci, vitamin D, protein
 
Chỉ số viêm trong chế độ ăn (DII – Dietary Inflammatỏy Index)
Viêm liên quan đến tái tạo xương và bệnh sinh của loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. DII là một công cụ dùng để đánh giá tính chất gây viêm của chế độ ăn uống. Chế độ ăn gây viêm làm tăng CRP – một protein gây viêm, bao gồm nhiều carbohydrat tinh chế (loại bỏ hết chất xơ, vitamin và khoáng chất như pasta, bánh mì, pizza,..), thịt chế biến sẵn (xúc xích,...). Một số nghiên cứu cho kết quả rằng DII cao liên quan đến nguy cơ tăng bị loãng xương, BMD thấp và gãy xương.
 
KẾT LUẬN
Hình ảnh dưới đây tóm gọn là bài viết về ảnh hưởng của các loại dinh dưỡng khác nhau đối với sức khỏe xương ở phụ nữ mãn kinh.


Hình 1. Ảnh hưởng các loại dinh dưỡng với sức khỏe xương

Tài liệu tham khảo
 Alabadi B, Civera M, Moreno-Errasquin B, Cruz-Jentoft AJ. Nutrition-Based Support for Osteoporosis in Postmenopausal Women: A Review of Recent Evidence. Int J Womens Health. 2024;16:693-705. doi:10.2147/IJWH.S409897
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK