Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 25-09-2024 2:57pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Liên Mỹ Dinh – IVFMD SIH - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
 
Giới thiệu
Vào năm 1953, tinh trùng đông lạnh đã lần đầu được sử dụng thành công trong thụ tinh nhân tạo. Kể từ đó, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (intrauterine insemination - IUI) sử dụng tinh trùng của người hiến ẩn danh trong ngân hàng tinh trùng (NHTT) đã trở thành hình thức hỗ trợ sinh sản (HTSS) phổ biến cho các trường hợp như các cặp đôi đồng giới, cha mẹ đơn thân hoặc trường hợp vô sinh nam nặng. Việc sử dụng tinh trùng của người hiến đông lạnh được quản lý chặt chẽ về mặt pháp lý. Quy trình lựa chọn và sàng lọc người hiến được thiết kế để đảm bảo các mẫu chất lượng cao và ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm. Một số nghiên cứu cho thấy mẫu tinh trùng đông lạnh có thể liên quan đến tỷ lệ thai thấp hơn so với tinh trùng tươi từ người hiến. Nguyên nhân có thể do việc sử dụng chất bảo vệ đông lạnh trong quá trình đông lạnh, có thể làm giảm khả năng vận động và khả năng sống của tinh trùng, ảnh hưởng đến tỷ lệ thai.
 
Các thông số tinh trùng và tác động của chúng đối với tỷ lệ thai đã được nghiên cứu trong nhiều tài liệu. Chưa có sự đồng thuận về tổng số tinh trùng di động (total motile sperm count- TMSC) tối ưu cho IUI ở mẫu đông lạnh do đã có nhiều nghiên cứu được công bố với kết quả khác nhau. Các NHTT khác nhau vẫn có thể cung cấp tinh trùng có số lượng và chất lượng khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy mẫu đông lạnh với ít nhất 20 triệu TMSC có tỷ lệ thai tương tự như mẫu tươi với mật độ tinh trùng cao hơn. Tuy nhiên, mức TMSC này cao so với tiêu chuẩn 10 triệu của nhiều nghiên cứu trước đó nhằm duy trì tỷ lệ thai IUI tối ưu. Không rõ liệu TMSC trong các mẫu tinh trùng đông lạnh của người hiến có đóng vai trò độc lập trong việc ảnh hưởng đến tỷ lệ thai hay không. Phụ nữ sử dụng tinh trùng hiến thường lo ngại về số lượng và chất lượng của tinh trùng trong mẫu tinh trùng hiến đã rã đông tại thời điểm IUI. Do đó, mục đích của nghiên cứu là xác định TMSC của tinh trùng hiến lấy từ NHTT có ảnh hưởng đến tỷ lệ thai sau IUI hay không và liệu có ngưỡng tối thiểu/tối ưu cho TMSC trong các mẫu này hay không.
 
Tác giả đã thực hiện một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu bao gồm những phụ nữ (PN) độc thân, đồng giới và PN có chồng không có tinh trùng thực hiện IUI tại trung tâm từ ​​tháng 1 năm 2011 đến tháng 3 năm 2018. Kết cục chính là tỷ lệ thai trên mỗi chu kỳ IUI, được phân tầng theo TMSC sau khi lọc rửa. Dữ liệu được chia thành ba nhóm: các mẫu có TMSC dưới 5 triệu (nhóm 1); TMSC từ 5–10 triệu (nhóm 2); và TMSC lớn hơn 10 triệu (nhóm 3). Tiêu chuẩn loại: tắc nghẽn cổ tử cung hoặc sinh lý cổ tử cung bất thường nghiêm trọng ngăn cản IUI, PN mắc hội chứng Asherman, mẹ mắc các bệnh lý nghiêm trọng (hội chứng chảy máu và bệnh tự miễn dịch nghiêm trọng) và nghiện rượu hoặc ma túy.
 
Một số kết quả ghi nhận được
Có 1080 ca được sử dụng tinh trùng hiến từ NHTT trong khoảng thời gian nghiên cứu. Không có sự khác biệt về tuổi mẹ giữa các nhóm nghiên cứu. Không có sự khác biệt về tỷ lệ thai trên mỗi lần thực hiện dựa trên TMSC. Tỷ lệ thai trên mỗi chu kỳ là 15/114 (13,3%) ở nhóm 1, 34/351 (9,5%) ở nhóm 2 và 61/609 (10,0%) ở nhóm 3. Có mối tương quan không đáng kể giữa TMSC tinh trùng hiến và thai kỳ sau IUI. Hơn nữa, nồng độ beta-HCG được xét nghiệm 16 ngày sau IUI không liên quan đến TMSC.
 
Kết luận
Việc sử dụng tinh trùng hiến cho IUI đã trở nên phổ biến trong thực hành lâm sàng, vì đây là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để có thai. Phương pháp này ít xâm lấn và vẫn là phương pháp điều trị đầu tay có giá cả phải chăng. Cùng với tình trạng vô sinh và các cặp đôi đồng giới tìm kiếm con ngày càng tăng, nhu cầu về tinh trùng hiến tặng vẫn tiếp tục tăng.
 
Do nghiên cứu phân tầng các nhóm khác nhau, nên tác giả có thể đã bỏ qua bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào có thể có ở TMSC thấp hơn, như đã thấy trong các nghiên cứu khác. Tuy nhiên, vẫn còn bằng chứng mâu thuẫn về tác động của TMSC ở người hiến đối với tỷ lệ thai sau IUI, với một số nghiên cứu sử dụng tinh trùng của người hiến để thực hiện IUI cho thấy tỷ lệ thai được cải thiện với TMSC trên 10–20 triệu so với TMSC thấp hơn.
 
Một vài hạn chế của nghiên cứu: nghiên cứu đã bỏ qua phân tích các đặc điểm nền cơ bản (tiền sử bệnh án, BMI, tiền sử có thai, chủng tộc, hút thuốc), thiếu dữ liệu về các yếu tố nữ có thể góp phần gây vô sinh, không kiểm các thông số tinh trùng ở 30 phút và 1 giờ sau rã đông, thiếu dữ liệu về hình dạng trước trữ, thiếu dữ liệu về thai lâm sàng, đa thai. Điểm mạnh của nghiên cứu là cỡ mẫu lớn.
 
Tóm lại, dữ liệu từ nghiên cứu này chứng minh tổng số tinh trùng di động của người hiến rã đông vào ngày IUI không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai. Kết quả này hữu ích trong việc trấn an bệnh nhân khi tinh trùng của người hiến mới rã đông có thể được tìm thấy có TMSC thấp hơn. Tỷ lệ tinh trùng chết cao do đông lạnh được cho rằng dẫn đến kết quả không tốt đối với tinh trùng của người hiến. Tuy nhiên, xét đến các bằng chứng mâu thuẫn hiện có, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện này và làm sáng tỏ thêm liệu TMSC có ảnh hưởng đến tỷ lệ và kết quả thai hay không.
 
Nguồn: Hochberg, A., Dahan, M. H., Dinh, T., Buckett, W., & Ruiter-Ligeti, J. (2024). A low total motile sperm count in donor sperm obtained from commercial banks does not affect pregnancy rates from intrauterine insemination. European Journal of Obstetrics & Gynecology and Reproductive Biology: X21, 100267.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK