Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 25-09-2024 2:55pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Liên Mỹ Dinh – IVFMD SIH Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
 
Giới thiệu
Để bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ giới, hiện nay, quy trình IVF tiêu chuẩn cần thu nhận những noãn trưởng thành sau khi kích thích buồng trứng (KTBT). Tuy nhiên, KTBT có thể chống chỉ định đối với các BN ung thư cần điều trị khẩn hoặc những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome - PCOS) có nguy cơ cao bị quá kích buồng trứng (QKBT). Trong những trường hợp như vậy, trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (in vitro maturation - IVM) - thu nhận noãn chưa trưởng thành (kỳ đầu giảm phân I) - có thể trở thành một phương pháp tiếp cận thay thế vì đã ghi nhận được một số ca sinh sống thành công. Trong bối cảnh bảo tồn khả năng sinh sản, thu nhận noãn cần song hành với bảo quản đông lạnh. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng bước bảo quản đông lạnh có thể được thực hiện thành công trước hoặc sau IVM, nhưng phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất vẫn chưa rõ ràng và kết quả còn có nhiều mâu thuẫn. Về chất lượng trưởng thành của noãn, một số ít nghiên cứu đã so sánh tổ chức thoi vô sắc và sự sắp xếp nhiễm sắc thể (NST) của các noãn trưởng thành được thủy tinh hóa trước hoặc sau IVM. Trong khi phân tích định tính đầu tiên công bố không có khác biệt về cấu hình bất thường thoi vô sắc/NST giữa hai nhóm này, một nghiên cứu gần đây hơn đã nêu bật rằng chỉ có cấu hình thoi vô sắc bất thường thường xuyên xảy ra hơn ở các noãn được thủy tinh hóa sau IVM so với trước IVM. Về sự trưởng thành của tế bào chất, động lực học của bộ khung xương tế bào bị bỏ qua trong các nghiên cứu nhằm xác định giai đoạn noãn hiệu quả nhất để thủy tinh hóa. Một nghiên cứu gần đây đã khẳng định tầm quan trọng của actin trong noãn vì sự tương tác giữa actin và vi ống tại thoi vô sắc rất quan trọng đối với lưỡng cực thoi vô sắc và sự sắp xếp NST. Mục đích của nghiên cứu này là xác định nên thực hiện IVM trước hay sau khi thủy tinh hóa. Tác giả đã so sánh tốc độ và động học của quá trình trưởng thành ở noãn tươi đã trưởng thành trong ống nghiệm với tốc độ và động học của quá trình trưởng thành noãn trong ống nghiệm được thuỷ tinh hoá - rã đông bằng cách sử dụng hình ảnh từ Timelapse. Trong nghiên cứu này, tác giả cũng đánh giá kích thước và độ phân cực của thoi vô sắc, sự sắp xếp NST và chiều dài, mật độ sợi F-actin trong tế bào chất ở noãn IVM và noãn thủy tinh hóa trước hoặc sau IVM.
 
 
101 noãn chưa trưởng thành (giai đoạn GV) từ những BN được chỉ định ICSI đã được sử dụng. Các đặc điểm nền cơ bản cũng đã được đưa vào phân tích (tuổi, BMI,…). Noãn được chia thành ba nhóm: noãn tươi trưởng thành trong ống nghiệm (IVM), noãn tươi trưởng thành trong ống nghiệm sau đó được thủy tinh hóa (IVM + VIT) và noãn GV được thủy tinh hóa/rã đông sau đó được trưởng thành trong ống nghiệm (VIT + IVM). Tốc độ trưởng thành và động học của noãn được đánh giá bằng Timelapse. Tỷ lệ IVM được định nghĩa là số lượng noãn trưởng thành (thể cực đầu tiên có thể nhìn thấy rõ) trong bước IVM trên tổng số noãn còn nguyên vẹn vào cuối bước IVM. Tỷ lệ sống của IVM được định nghĩa là tổng số noãn còn nguyên vẹn vào cuối bước IVM trên tổng số noãn được chuyển vào môi trường IVM. Rescue-IVM được thực hiện với các noãn còn lại (14 trong nhóm IVM tươi và 8 trong nhóm VIT+IVM, tổng cộng có 22 trong số 101 noãn). Các noãn trưởng thành nguyên vẹn sau đó được cố định để phân tích thoi vô sắc và actin và các noãn non nguyên vẹn ở giai đoạn GV sẽ trải qua bước IVM. Kích thước và độ phân cực của thoi vô sắc, sự sắp xếp NST, chiều dài và mật độ của F-actin trong tế bào chất được xác định bằng kính hiển vi cộng hưởng và phân tích hình ảnh định lượng.
 
Một số kết quả ghi nhận được
Không có sự khác biệt về các yếu tố nền : tuổi mẹ, tổng liều FSH. Có sự khác biệt nhẹ đối với yếu tố BMI. BMI có thể tác động lên chất lượng noãn. Không có sự khác biệt về tỷ lệ IVM (IVM tươi: 63,16% và IVM sau VIT: 59,38%) và thời gian (17,73 giờ trong IVM tươi, 17,33 giờ trong IVM sau VIT) được quan sát thấy bất kể IVM được thực hiện tươi hay sau khi thủy tinh hóa. Thoi vô sắc giảm phân ngắn hơn ở VIT+IVM (10,47 µm so với 11,23 µm ở IVM và 11,40 µm ở IVM+VIT) và rộng hơn ở IVM+VIT (9,37 µm so với 8,12 µm ở IVM và 8,16 µm VIT+IVM). Tỷ lệ chiều dài trên chiều rộng thấp hơn ở các nhóm thủy tinh hóa (IVM+VIT: 1,19 và VIT+IVM: 1,26) so với IVM (1,38). Không có sự khác biệt nào về sự xuất hiện của trục phân cực đa cực và sự không thẳng hàng của NST cũng như chiều dài và mật độ của F-actin trong tế bào chất giữa các nhóm.
 
Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu liệu rescue-IVM nên thực hiện trước hay sau khi thủy tinh hóa bằng cách sử dụng các phép đo đa thông số trong noãn. Sử dụng timelapse, tác giả đã chứng minh rằng thực hiện thủy tinh hóa/rã đông trước khi IVM không làm suy yếu tốc độ trưởng thành của noãn và thời gian IVM. Điều quan trọng là hình ảnh huỳnh quang độ phân giải cao và phân tích hình ảnh định lượng về mạng lưới vi ống của noãn trưởng thành cho thấy hình dạng thoi vô sắc bị thay đổi sau khi thủy tinh hóa cho dù thủy tinh hóa được thực hiện trước hay sau IVM. Tuy nhiên, các noãn tươi có thể sống tốt hơn ở bước IVM so với các noãn được thủy tinh hóa/rã đông, cho thấy rằng bước thủy tinh hóa có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng của noãn trong quá trình IVM, có thể là do nồng độ cao của chất bảo vệ đông lạnh. Ngoài ra, có thể xác định rằng thời gian IVM tương tự nhau giữa các noãn tươi và đã thủy tinh hóa/rã đông (≈ 18 giờ) dựa vào hệ thống timelapse cho thấy thủy tinh hóa có thể được thực hiện an toàn trước hoặc sau rescue-IVM.
 
Nghiên cứu có 1 số hạn chế như : đã sử dụng các noãn GV từ những bệnh nhân không mắc PCOS, dự trữ buồng trứng giảm hoặc lạc nội mạc tử cung nặng, dẫn đến quy mô mẫu nhỏ. Ngoài ra, trong nghiên cứu này, chủ yếu sử dụng các phương pháp xâm lấn để nghiên cứu chất lượng noãn, dẫn đến không khảo sát được khả năng thụ tinh và phát triển của noãn.
 
Tóm lại, việc nghiên cứu chất lượng trưởng thành tế bào chất của noãn, đặc biệt là sự phân phối lại bào quan và sự trưởng thành phân tử bằng các phương pháp tiếp cận khác nhau, hiện rất quan trọng để có được bức tranh tốt hơn về tác động của quá trình thủy tinh hóa lên noãn. Điều này đặc biệt đáng quan tâm vì IVM của noãn chưa trưởng thành kết hợp với thủy tinh hóa hiện vẫn được coi là một quy trình thử nghiệm. Việc tối ưu hóa quy trình này sẽ là một lợi thế lớn, đặc biệt là trong bối cảnh bảo tồn khả năng sinh sản hoặc trong quá trình IVF tiêu chuẩn khi thu nhận được noãn chưa trưởng thành. Vẫn cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn tập trung vào hình thái thoi vô sắc, tổ chức NST và cả actin ở tế bào chất và vỏ để làm nổi bật giai đoạn noãn hiệu quả nhất cho việc bảo quản đông lạnh.
 
Nguồn: Marteil, G., Metchat, A., Dollet, S., Cugnot, C., Chaput, L., Pereira, B., ... & Brugnon, F. (2024). Vitrification of Human Oocytes Before or After Rescue-IVM Does not Impair Maturation Kinetics but Induces Meiotic Spindle Alterations. Reproductive Sciences, 1-12.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK