Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 27-09-2024 7:02am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Ngọc Đan Thanh
IVFMD Gia Định, Bệnh viện Đa Khoa Gia Định
 
Năm 1992, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection – ICSI), được giới thiệu lần đầu tiên và kết quả có nhiều cải thiện hơn so với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (In-vitro fertilization - IVF). Kỹ thuật ICSI giúp những trường hợp vô sinh do yếu tố nam đạt được tỷ lệ thụ tinh cao hơn, ngoài ra ICSI còn là lựa chọn phù hợp ở những cặp vợ chồng có tinh trùng bình thường nhưng trước đó đã trải qua tình trạng thất bại hoàn toàn trong thụ tinh hoặc tỷ lệ thụ tinh thấp (<25%) sau khi thực hiện IVF. Tuy nhiên, khác với kỹ thuật IVF để tinh trùng tự tìm đến thụ tinh với noãn, ICSI là một kỹ thuật xâm lấn bằng cách chủ động lựa chọn và tiêm tinh trùng vào bên trong bào tương noãn để thụ tinh nên tính an toàn của kỹ thuật này luôn được quan tâm.
 
Đến nay, các kết quả về tính an toàn của kỹ thuật ICSI còn nhiều tranh cãi, một số báo cáo cho rằng kỹ thuật ICSI làm tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, bất thường biểu sinh, béo phì và giảm khả năng phát triển trí tuệ, ngôn ngữ ở trẻ. Ngược lại, nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng kỹ thuật ICSI có kết quả không khác biệt so với kỹ thuật IVF về tỉ lệ mắc dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể và sức khỏe của trẻ sau này bao gồm khả năng phát triển thần kinh, tăng trưởng, thị lực và thính giác. Sẩy thai, dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và các vấn đề nghiêm trọng khác có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và tài chính cho bệnh nhân và gia đình. Theo báo cáo vào năm 2014, các chu kỳ ICSI chiếm > 60% các chu kỳ điều trị hiếm muộn trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng vô sinh không do yếu tố nam giới nghiêm trọng cũng đang sử dụng ICSI.
 
Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn có làm tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi và trẻ so với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hay không, dựa trên dữ liệu quy mô lớn hơn và các biện pháp xử lý dữ liệu nghiêm ngặt.
 
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu với các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật IVF và ICSI từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 12 năm 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Các chu kỳ đều chuyển phôi tươi. Tất cả các bệnh nhân đều được theo dõi qua điện thoại về kết quả và đã có được sự đồng ý có hiểu biết từ tất cả các bệnh nhân tham gia nghiên cứu.
 
Kết cục chính là các bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh sống. Kết quả phụ bao gồm kết quả thai, dị tật trong số các trường hợp sẩy thai, các loại dị tật cụ thể ở trẻ sinh sống, cân nặng khi sinh và giới tính.
Các loại dị tật bẩm sinh được phân loại thành: hệ thần kinh, của mắt, tai, mặt và cổ, của hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, sứt môi và hở hàm ếch, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục, hệ tiết niệu, dị tật và biến dạng bẩm sinh của hệ cơ xương, bất thường nhiễm sắc thể và các loại dị tật bẩm sinh khác.
 
Kết quả
Có 46.167 chu kỳ chuyển phôi tươi từ IVF và 33.247 chu kỳ chuyển phôi tươi từ ICSI được đưa vào nghiên cứu. Tổng cộng 18.823 chu kỳ IVF và 13.373 chu kỳ ICSI có thai lâm sàng, 14.713 chu kỳ IVF và 10.615 chu kỳ ICSI có trẻ sinh sống. Kết quả có 18.749 trẻ sinh sống từ IVF và 13.489 từ ICSI đã được đánh giá. Qua phân tích số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ mắc dị tật bẩm sinh ở IVF và ICSI lần lượt là 5,440/00 và 5,780/00. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm ICSI và IVF, được chỉ ra bởi tỷ lệ chênh lệch đã hiệu chỉnh là 1,098 (CI 95% 0,787, 1,532).
 
Trong các chu kỳ chuyển phôi, kết quả không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa IVF và ICSI. Cụ thể, tỷ lệ beta hCG dương tính (46,10% so với 45,65%, p=0,209), tỷ lệ thai lâm sàng (40,80% so với 40,22%, p=0,120) và tỷ lệ trẻ sinh sống (31,87% so với 31,93%, p=0,861). Trong các chu kỳ mang thai lâm sàng, tỷ lệ giảm đa thai (1,55% so với 1,41%, p=0,314), đái tháo đường thai kỳ (0,49% so với 0,36%, p=0,070), rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ (0,78% so với 0,72%, p=0,554), nhau tiền đạo (0,36% so với 0,37%, p=0,792), mổ lấy thai (61,81% so với 62,47%, p=0,232) và sinh đôi cùng trứng (0,80% so với 0,64%, p=0,084) tương đương nhau giữa nhóm IVF và nhóm ICSI.
 
Trong các chu kỳ mang thai lâm sàng, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sẩy thai (16,15% so với 15,56%, p=0,158), dị tật giữa các ca sẩy thai (4,94‰ so với 5,16‰, p=0,784) hoặc 11 dị tật cụ thể (bao gồm dị tật hệ thần kinh, dị tật đầu và cổ, dị tật hệ tuần hoàn, dị tật hệ hô hấp, hở môi và hở hàm ếch, dị tật hệ tiêu hóa, dị tật cơ quan sinh dục, dị tật hệ tiết niệu, dị tật hệ cơ xương và bất thường nhiễm sắc thể) giữa các ca sẩy thai giữa nhóm IVF và nhóm ICSI.
 
Tiếp theo, nhóm tác giả phân tích chuyên sâu các kết quả thai kỳ ở những trẻ mắc dị tật bẩm sinh giữa 2 nhóm kỹ thuật. Trong đó không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm IVF và ICSI lần lượt ở tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ (2,94% so với 1,28%, p=0,812), tăng huyết áp thai kỳ (0,98% so với 1,28%, p>0,999), mổ lấy thai (85,29% so với 91,03%, p=245), cũng như tỷ lệ sinh non (39,22% so với 46,15, p=0,339) và cân nặng khi sinh (2.650,81 ± 806,95g so với 2.626,45 ± 785,02, p=0,193).
 
KẾT LUẬN
Như vậy, đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu cỡ mẫu lớn để đánh giá tính an toàn của ICSI bằng cách so sánh kết quả mang thai và kết quả trẻ sơ sinh với IVF. Nghiên cứu cho thấy ICSI có kết quả tương đương với IVF về mặt kết quả thai và tỷ lệ trẻ sinh sống, cũng như tỷ lệ các dị tật bẩm sinh.
 
Nguồn: Zhang, N., Tian, T., Li, J., Zhu, X., Jiesisibieke, D., Fang, S., ... & Yang, R. (2024). A comparison of pregnancy outcomes and congenital malformations in offspring between patients undergoing intracytoplasmic Sperm injection and conventional in vitro fertilization: a retrospective cohort study. Fertility and Sterility121(6), 982-990.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK