Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 18-05-2023 9:06am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFMD Tân Bình, Bệnh viện Mỹ Đức
 
Mô tả
Xét nghiệm di truyền lệch bội tiền làm tổ (Preimplantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A) là một kỹ thuật  được sử dụng rộng rãi trong thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro Fertilization IVF) nhằm sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể ở phôi trước khi chuyển để tăng khả năng mang thai thành công. PGT-A được sử dụng phổ biến cho những trường hợp có nguy cơ có phôi lệch bội cao như sẩy thai liên tiếp, thất bại làm tổ nhiều lần, bệnh nhân lớn tuổi hay vô sinh do yếu tố nam nặng. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy lựa chọn phôi nguyên bội bằng kỹ thuật PGT-A giúp cải thiện tỉ lệ sinh sống cũng như giảm đáng kể tỉ lệ sẩy thai trong điều trị IVF.
 
Vào năm 2019, có 43,8% trường hợp có ít nhất 1 phôi đã xét nghiệm PGT-A đã chuyển phôi. Các kết quả PGT-A có thể xảy ra bao gồm: nguyên bội, lệch bội, khảm mức độ thấp, khảm mức độ cao, hỗn loạn, không có thông tin và không phát hiện thấy DNA. Lý tưởng nhất là một phôi có kết quả sinh thiết tế bào nuôi lá nuôi (TE) bình thường về nhiễm sắc thể được chọn để chuyển. Tuy nhiên, nếu không có phôi nào có kết quả sinh thiết TE nguyên bội để chuyển, thì phôi có kết quả sinh thiết TE khảm (những phôi có sự kết hợp giữa các tế bào bình thường và lệch bội) đôi khi được xem xét, với điều kiện là phải có được sự tư vấn di truyền thích hợp và sự đồng thuận của bệnh nhân. Các phôi có kết quả sinh thiết TE lệch bội thường không được lựa chọn để sử dụng. Một số báo cáo trường hợp và một nghiên cứu đoàn hệ gần đây đã chứng minh rằng phôi có kết quả sinh thiết TE lệch bội có khả năng làm tổ và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, trẻ sinh sống của phôi với kết quả sinh thiết TE hỗn loạn – có 6 hoặc nhiều hơn bất thường nhiễm sắc thể - hiện chưa được biết.
 
Đây là báo cáo của một trường hợp trẻ sinh ra khỏe mạnh, sống sót do phôi “hỗn loạn” (ít nhất 6 thể lệch bội nhiễm sắc thể) sau khi xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để tìm thể lệch bội (PGT-A) ở một cặp đồng giới nữ bị vô sinh nguyên phát. Cặp đôi thực hiện ICSI sau đó thực hiện PGT-A sau nhiều lần thực hiện IVF nhưng thất bại. Bệnh nhân 35 tuổi và thu được 10 noãn trưởng thành, thụ tinh thành công 8 noãn và nuôi cấy tới ngày 6 được 6 phôi nang. Tuy nhiên, chỉ có 1 phôi đạt chất lượng và thực hiện PGT-A, 5 phôi nang còn lại chất lượng kém. Giải trình tự NGS (Next-generation sequencing) cho thấy kết quả sinh thiết "hỗn loạn" về mặt di truyền, với tổng số 6 thể lệch bội và dự đoán giới tính nam. Trong báo cáo này, sau khi được tư vấn di truyền và được sự đồng ý đầy đủ thông tin, một ca chuyển phôi trữ đông của phôi hỗn loạn” này đã mang lại kết quả mang thai thành công và sinh ra một bé trai khỏe mạnh.
 
Thảo luận
Trường hợp này thách thức giả định rằng các phôi được xác định là ''hỗn loạn'' thông qua sinh thiết TE phải được loại trừ ngay lập tức khỏi quá trình chuyển hoặc loại bỏ hoàn toàn. Có một số lý do khiến việc đánh giá lại các phôi ''hỗn loạn'' có thể được đảm bảo, xuất phát từ việc giải thích sai kết quả PGT-A phổ biến, dữ liệu mới nổi liên quan đến việc tái sinh phôi ''hỗn loạn'' và khả năng không chính xác của những kết quả PGT-A truyền thống. Khi những tiến bộ công nghệ trong y học sinh sản đã phát triển, PGT đã trở thành một công cụ được sử dụng rộng rãi trong IVF. Tuy nhiên, PGT-A thường được sử dụng không chính xác như một xét nghiệm chẩn đoán hơn là mục đích sử dụng của nó như một xét nghiệm sàng lọc.
 
Mục tiêu của PGT-A là giảm thiểu số lần chuyển phôi cần thiết để tạo ra một ca sinh sống, khỏe mạnh bằng cách xác định phôi nào khả thi nhất và có khả năng cấy ghép thành công cao nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những phôi có kết quả được coi là kém khả thi hơn nên bị loại khỏi khả năng sử dụng, đây là cách thường được thực hiện hiện nay. Mặc dù các nghiên cứu về phôi khảm và lệch bội được xác định thông qua PGT-A cho thấy tỷ lệ thành công thấp hơn sau FET.
 
Tuy nhiên cần lưu ý PGT-A trên TE chỉ phân tích trên một phần nhỏ tế bào phôi sẽ trở thành nhau thai chứ không phải mô thai nhi, đã có nhiều báo cáo cho thấy những trường hợp khác biệt giữa kết quả sinh thiết TE lệch bội và kết quả giải trình gen của toàn bộ phôi. Ngoài ra, giới khoa học vẫn còn thiếu hiểu biết đầy đủ về khả năng sửa chữa và tự điều chỉnh các bất thường di truyền của phôi thai khi phát triển thành bào thai. Do đó, không thể loại trừ khả năng phôi khảm, phôi hỗn loạn” hoặc phôi lệch bội có khả năng tự sửa chữa để có thể tồn tại. Nhiều trường hợp trước đây đã chuyển phôi khảm hoặc lệch bội, kết quả nhiều trẻ sinh sống khoẻ mạnh đã chào đời.
 
Kết luận
Phôi được phát hiện là ''hỗn loạn'' (có từ 6 bất thường di truyền trở lên) thông qua PGT-A truyền thống thường bị loại khỏi quá trình phôi và thậm chí có thể bị loại bỏ ngay lập tức vì chúng được coi là bất thường lệch bội nặng. Báo cáo này mô tả một trường hợp trong đó việc chuyển phôi với kết quả sinh thiết TE “hỗn loạn” về mặt di truyền đã dẫn đến một thai kỳ thành công và một ca sinh sống khỏe mạnh. Tóm lại, bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng nên biết rằng phôi được xác định là ''hỗn loạn'' thông qua PGT-A có khả năng trở thành trẻ sơ sinh khỏe mạnh và những bệnh nhân nhận được kết quả sinh thiết TE ''hỗn loạn'' nên cân nhắc việc tái sinh thiết và/hoặc khả năng chuyển những phôi này sau khi được tư vấn di truyền và đồng ý với đầy đủ thông tin.
 
Nguồn: Lin, J., Vitek, W., & Scott, E. L. (2022). Order from chaos: a case report of a healthy live birth from a genetically “chaotic” embryo. F&S Reports3(4), 301-304.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK