Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 03-04-2023 2:57pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Nhật Ánh Dương

Giới thiệu
Thất bại nhiều chu kỳ IVF liên tiếp là một vấn đề vô cùng nan giải trong điều trị hỗ trợ sinh sản. Trong đó, chất lượng noãn kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Cho tới hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm cải thiện chất lượng noãn, trong số đó, chuyển ty thể đã được đề xuất như một phương pháp điều trị mới để khắc phục vấn đề trên giúp tăng cơ hội thành công cho những bệnh nhân lớn tuổi hoặc từng thất bại trong các chu kỳ điều trị IVF trước.

Ty thể là một bào quan vô cùng quan trọng, bên cạnh sản xuất năng lượng, nó còn đảm nhiệm các chức năng khác như: chuyển hoá năng lượng, cân bằng nội môi Ca 2+, quản lý stress oxy hóa và điều hòa quá trình apoptosis ,… Rối loạn chức năng ty thể có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của noãn. Việc ty thể không có khả năng cung cấp đủ năng lượng cho noãn từ lâu đã được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến giảm chất lượng noãn và phôi.
 
Nhiều nghiên cứu trước đây đã thực hiện chuyển ty thể dị loại từ những cá nhân khoẻ mạnh với mong muốn cải thiện chất lượng noãn và cho thấy kết quả tích cực. Tuy nhiên phương pháp này lại tạo ra mối lo ngại về mặt đạo đức trong việc tạo ra noãn, hợp tử bổ sung, sau đó sẽ bị loại bỏ và nguy cơ đưa nguồn DNA thứ ba vào noãn.
 
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tế bào gốc buồng trứng (oogonial stem cells – OSC) là nguồn bổ sung ty thể tuyệt vời cho noãn vì các đột biến mtDNA trong các tế bào này thấp hơn so với hầu hết các tế bào khác và tránh được nguy cơ đưa nguồn DNA thứ 3 vào noãn. Trước đây đã có những báo cáo về việc chuyển ty thể từ OSC, tuy nhiên đều chỉ dừng lại ở việc đánh giá phôi học mà không đề cập đến tình trạng phát triển của trẻ được sinh ra bằng phương pháp này. Do đó, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã thực hiện chuyển ty thể tự thân được chiết xuất từ ​tế bào gốc buồng trứng (Putative oogonial stem cells – pOSC) vào noãn của bệnh nhân từng thất bại nhiều lần trong các chu kỳ IVF trước và đánh giá chất lượng phôi, kết quả lâm sàng, đồng thời theo dõi và ghi nhận sự phát triển của trẻ ra đời bằng phương pháp này.
 
Thiết kế nghiên cứu:
Tham gia nghiên cứu gồm 52 bệnh nhân (27-49 tuổi) đã từng thất bại nhiều lần ở các chu kỳ điều trị IVF hoặc ICSI do chất lượng phôi kém (khoảng 80% phôi ngừng phát triển ở giai đoạn 4 hoặc 8 tế bào hoặc phân mảnh chiếm trên 60% toàn bộ phôi bào). Tiêu chí loại khỏi nghiên cứu là các trường hợp mang bất thường tử cung, buồng trứng đa nang hoặc suy buồng trứng đa nang vì những nguyên nhân này đòi hỏi các phương pháp lâm sàng khác ngoài việc tăng cường chất lượng noãn. Trong số 52 bệnh nhân thực hiện chuyển ty thể, có 33 người đáp ứng được các tiêu chí đã đặt ra.


Sơ đồ quy trình nghiên cứu bao gồm phân lập p-OSC, phân lập ty thể và tiêm ty thể vào noãn

Tiến hành thu nhận mô vỏ buồng trứng thông qua nội soi và phân lập p-OSC theo quy trình đã được mô tả trước đây bởi Woods và cộng sự (2013). Ty thể được phân lập từ p-OSC vào ngày ICSI theo quy trình đã được giới thiệu bởi nhóm nghiên cứu của Woods (2015), với những sửa đổi nhỏ để đạt được ngưỡng tối thiểu giúp cải thiện kết quả ICSI (500 bản sao mtDNA). Trong quá trình ICSI, khoảng 2 pL dịch huyền phù ty thể và một tinh trùng được tiêm cùng nhau vào noãn, việc ICSI phải được thực hiện trong vòng 2 giờ sau khi phân lập ty thể. 
 
Kết quả nghiên cứu dựa trên những đánh giá về chất lượng phôi trước và sau khi thực hiện chuyển ty thể bằng 3 phương pháp: tỷ lệ phôi chất lượng tốt dựa vào đánh giá hình thái, tỷ lệ phôi có thể chuyển tính theo từng chu kỳ và sử dụng hệ thống chấm điểm phôi mới (embryo quality score-EQS, chấm điểm chất lượng phôi dựa trên tỷ lệ thai lâm sàng). Bên cạnh đó, nghiên cứu còn tiến hành đánh giá kết quả thai lâm sàng (thông qua nồng độ β-hCG 12 ngày sau chuyển phôi và sự hiện diện của túi thai bằng hình ảnh siêu âm khi thai được 6 tuần), đánh giá sự phát triển của trẻ được ra đời bằng phương pháp này, đồng thời so sánh trình tự mtDNA của mẹ và bé. 
 
Kết quả
Tổng cộng có 52 bệnh nhân thực hiện chuyển ty thể, thu nhận 702 noãn trưởng thành. Tỷ lệ thụ tinh là 61,5% và tỷ lệ có thai lâm sàng trên mỗi lần chuyển phôi là 23,8%.  Tỷ lệ làm tổ trung bình là 18,6% và tỷ lệ trẻ sinh sống là 17,5%.
So sánh kết quả phôi học giữa hai nhóm Pre-MT (các chu kỳ trước chuyển ty thể) và MT (chu kỳ thực hiện chuyển ty thể) nhận thấy tỷ lệ phôi chuyển được trung bình trên mỗi hợp tử tăng đáng kể từ 33,2 ± 23,2 lên 62,4 ± 22,3 và tỷ lệ phôi chất lượng tốt tăng từ 6,9 ± 9,3 lên 23,7 ± 24,4 sau chuyển ty thể. EQS trung bình của phôi có thể chuyển vào ngày 3 tăng từ 1,1 ± 1,0 lên 1,9 ± 0,9. Tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi được cải thiện lần lượt từ 0% lên 27,4% và từ 0% lên 21,5% sau khi chuyển ty thể. Nghiên cứu ghi nhận được 11 ca sinh sống (3 ca sinh đôi và 8 ca sinh đơn), 1 trường hợp thai lưu và 4 trường hợp sảy thai. 
 
Đánh giá tỷ lệ tương hợp trong trình tự mtDNA giữa 4 người mẹ và bé (năm đứa trẻ, bao gồm một cặp song sinh) nhận thấy các trình tự mtDNA giống nhau 99-100%. Theo dõi sự phát triển của trẻ sinh ra sau chuyển ty thể nhận thấy  không có trường hợp nào mang dị tật, cân nặng và chiều cao đều trong phạm vi bình thường. Kiểm tra ngoại hình, hô hấp, màu da, sức mạnh cơ bắp, phản xạ thần kinh, khả năng vận động và khả năng nhận thức cho thấy không có bất thường nào trong sự phát triển thể chất của trẻ.
Kết Luận
Cải thiện chất lượng noãn và phôi là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân từng thất bại nhiều chu kỳ IVF. Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã chứng minh chuyển ty thể có nguồn gốc từ tế bào gốc buồng trứng là một giải pháp mới giúp cải thiện chất lượng noãn và mang lại cơ hội thành công cho những trường hợp này.
 
Nguồn: Morimoto, Y., Gamage, U. S. K., Yamochi, T., Saeki, N., Morimoto, N., Yamanaka, M., ... & Yanagimachi, R. (2023). Mitochondrial Transfer into Human Oocytes Improved Embryo Quality and Clinical Outcomes in Recurrent Pregnancy Failure Cases. International Journal of Molecular Sciences24(3), 2738.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Novotel Saigon Centre, Thứ Bảy ngày 2 . 11 . 2024

Năm 2020

JW Marriott Hotel & Suites Saigon (InterContinental Saigon), Chủ nhật ngày ...

Năm 2020

Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 22 tháng 9 năm 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK