Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 30-03-2023 11:17am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Võ Minh Tuấn – IVFMD Tân Bình
 
Tỷ lệ béo phì ngày càng tăng và trở nên nghiêm trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, với gần một nửa phụ nữ trải qua IVF ở Hoa Kỳ bị thừa cân/béo phì. Bệnh nhân béo phì có nguy cơ cao mắc các biến chứng sản khoa và sơ sinh như tiểu đường thai kỳ, rối loạn tăng huyết áp khi mang thai, sinh mổ, thai chết lưu, thai to so với tuổi thai, dị tật bẩm sinh (Ủy ban Thực hành ASRM, 2021). Về kết quả điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (ART), thừa cân/béo phì trước đây được cho là có liên quan đến đáp ứng kém khi kích thích buồng trứng, chất lượng tế bào noãn và phôi thấp hơn, khả năng tiếp nhận nội mạc tử cung kém và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn. Nguy cơ sẩy thai cũng đã được ghi nhận, ngay cả sau khi chuyển phôi nguyên bội, chứng tỏ rằng lệch bội có thể không phải là nguyên nhân chính gây sẩy thai ở những phụ nữ này. Những phát hiện này cho thấy chỉ số BMI cao hơn có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến sẩy thai. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa béo phì và kết quả điều trị ART vẫn chưa rõ ràng do sự khác biệt trong thiết kế của các nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này, kích thước mẫu nhỏ, các hệ thống phân loại BMI khác nhau và sự không nhất quán trong các thước đo kết quả.
 
Khi lập kế hoạch điều trị ART cho phụ nữ thừa cân/béo phì và vô sinh, hướng hành động tốt nhất vẫn chưa được rõ ràng và nhất quán. Mặc dù giảm cân ở phụ nữ béo phì có thể hiệu quả trong việc giúp cải thiện tỷ lệ thụ thai tự nhiên và kết quả mang thai, các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa đánh giá được mức độ tác động của việc giảm chỉ số BMI đối với kết quả điều trị ART. Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa chỉ số BMI và kết quả điều trị ART không tính đến tác động bất lợi mà tuổi tác và lão hóa có thể gây ra trong quá trình giảm cân. Do đó, nghiên cứu này đánh giá liệu phụ nữ thừa cân/béo phì có nên giảm cân  trước khi điều trị ART hay không và trong khoảng thời gian nào là tối ưu. Phân tích hồi cứu gồm bệnh nhân (thuộc nhóm đa quốc gia) từ 18 phòng khám ART tư nhân trải qua chu kỳ IVF/ICSI đầu tiên từ năm 2013 đến năm 2018. Tuổi của cả nam và nữ, chỉ số BMI của phụ nữ, là những biến số độc lập được xem xét. BMI được đánh giá trước khi bắt đầu kích thích buồng trứng và được chia thành các nhóm nhỏ sau: nhẹ cân (<18,5kg/m2), cân nặng bình thường (18,5–24,9kg/m2), thừa cân (25,0–29,9kg/m2) và béo phì (30,0 kg/m2), với trọng lượng bình thường được sử dụng làm nhóm tham chiếu.
 
Kết quả chính được đánh giá là tỉ lệ sinh sống cộng dồn (CLBR). Kết quả phụ là thời gian mang thai. Để ước tính liệu việc giảm cân trước khi điều trị ART có mang lại lợi ích hay không (thay vì tiến hành kích thích IVF ngay lập tức), nghiên cứu đã phát triển hai mô hình thống kê nhằm dự đoán tác động của việc giảm chỉ số BMI và tăng tuổi trong một khoảng thời gian cố định đối với tỉ lệ sinh sống cộng dồn, bằng cách so sánh dữ liệu bệnh nhân nội trú. Để làm như vậy, việc điều chỉnh yếu tố gây nhiễu đã được thực hiện bằng cách sử dụng phân tích hồi quy logistic đa biến với các yếu tố gây nhiễu được lựa chọn. Tất cả các mô hình bao gồm tuổi của cả nữ và nam và chỉ số BMI của nữ. Các biến số khác được coi là yếu tố gây nhiễu bao gồm số noãn thu được, vô sinh do rối loạn phóng noãn, vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng, vô sinh do yếu tố tử cung, vô sinh do lạc nội mạc tử cung, vô sinh nữ do các nguyên nhân khác, vô sinh do yếu tố nam, thói quen hút thuốc của nữ. Tổng cộng có 14.213 cặp vợ chồng được đưa vào nghiên cứu và chia nhỏ thành bốn nhóm BMI trong đó có 23,5% phụ nữ bị thừa cân/béo phì. Nhiều đặc điểm khác nhau đáng kể giữa các nhóm, bao gồm tuổi của nữ và nam, và chẩn đoán vô sinh nữ. Vô sinh do rối loạn phóng noãn thường gặp hơn ở nhóm béo phì (33,0% so với 24,3% ở nhóm thừa cân và 24,8% ở nhóm bình thường, P < 0,01). Hơn nữa, vô sinh do yếu tố nam cũng ít phổ biến hơn ở nhóm thiếu cân (35,0% so với 40,2% (nhóm bình thường), 41,1% ở nhóm thừa cân và 44,6% ở nhóm béo phì, P < 0,01). Số lượng tế bào noãn thu được không thay đổi đáng kể theo phân loại BMI, trong khi nhóm thừa cân có số phôi hơi thấp hơn so với nhóm cân nặng bình thường. Kết quả cho thấy phụ nữ thừa cân và béo phì có CLBR thấp hơn (lần lượt là 36,8% và 33,1%) khi so sánh với những người có cân nặng bình thường (41,4%).
 
Để đánh giá ảnh hưởng của tuổi và BMI của phụ nữ đối với CLBR, hai mô hình hồi quy đa biến đã được phát triển. Kết quả cho thấy khi so sánh với nhóm cân nặng bình thường, CLBR thấp hơn ở nhóm thừa cân và ở nhóm béo phì. CLBR giảm khi chỉ số BMI tăng ở mọi lứa tuổi, mặc dù ảnh hưởng rõ rệt hơn khi tuổi mẹ cao. Đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 30 tuổi đến 35 tuổi, việc giảm từ nhóm béo phì/thừa cân xuống các nhóm thừa cân/cân nặng bình thường trong năm tiếp theo sẽ có lợi với mức tăng tổng thể của CLBR. Trong khi đó, đối với phụ nữ từ 36 tuổi đến 38 tuổi, nên giảm từ béo phì xuống cân nặng bình thường trong năm tiếp theo thì mới có khả năng mang lại lợi ích. Cuối cùng, đối với phụ nữ từ 39 tuổi trở lên, việc giảm nhóm BMI trong một năm sẽ không còn đủ để bù đắp cho sự suy giảm liên quan đến tuổi tác sau khi trì hoãn điều trị 1 năm. Nghiên cứu cũng đánh giá tác động kết hợp của BMI và tuổi nữ đối với CLBR, trong khoảng thời gian ngắn hơn (3 tháng). Ví dụ, đối với một phụ nữ 39 tuổi, chỉ cần giảm ít nhất 4 kg/m2 trong 3 tháng là có lợi. Ngược lại, một phụ nữ ở độ tuổi 30–33 tuổi, ước tính chỉ cần giảm 1 kg/m2 trong 3 tháng để cải thiện CLBR. Thời gian mang thai trung bình cao hơn đáng kể đối với người thừa cân (3,4 tháng) và nhóm béo phì (4,0 tháng) so với nhóm bình thường (3,0 tháng).Việc giảm cân hiệu quả thường mất ít nhất một năm để đạt được. Có nhiều phương pháp điều trị để giảm cân bao gồm can thiệp lối sống, dược lý và phẫu thuật giảm cân. Cần cân nhắc kỹ lưỡng khi trì hoãn điều trị ART cho bệnh nhân béo phì chỉ dựa trên BMI. Để quyết định giữa điều trị thụ tinh trong ống nghiệm ngay lập tức hoặc giảm cân, nên cân nhắc tỉ lệ, tính khả thi của việc giảm cân và khả năng cải thiện kết quả chu sinh là rất quan trọng. Các điểm mạnh trong nghiên cứu là việc sử dụng CLBR làm kết quả chính và cỡ mẫu lớn, bao gồm dữ liệu từ 16 phòng khám, góp phần tạo nên kết quả lâm sàng mạnh tuy nhiên điểm hạn chế là nghiên cứu hồi cứu.
Tóm lại, các chiến lược giảm cân trước khi điều trị ART có thể mang lại lợi ích, đặc biệt ở phụ nữ dưới 35 tuổi có BMI 25 kg/m2. Đối với những người trên độ tuổi này, việc giảm cân phải thật nghiêm túc và nên diễn ra trong khung thời gian ngắn hơn để có khả năng tránh tác động của tuổi đối với các kết quả lâm sàng.
 
Nguồn: Filipa Rafael, Maria Dias Rodrigues, Jose Bellver, Mariana Canelas-Pais, Nicolas Garrido, Juan A Garcia-Velasco, Sérgio Reis Soares, Samuel Santos-Ribeiro, The combined effect of BMI and age on ART outcomes, Human Reproduction, 2023; dead042, https://doi.org/10.1093/humrep/dead042

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK