Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 05-04-2023 2:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFMD Tân Bình, Bệnh viện Mỹ Đức Tân Bình
 
Ngày nay, đã có những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức xã hội giúp người phụ nữ có thể tập trung cho sự nghiệp, tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, hệ quả của nó chính là vấn đề trì hoãn sinh con, có thể dẫn đến vô sinh. Theo nhiều nghiên cứu, từ 35 tuổi về sau có sự sụt giảm nhanh chóng số lượng và chất lượng noãn đồng thời  tăng nguy cơ sẩy thai và tỉ lệ lệch bội ở phôi. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đông lạnh noãn chủ động được xem là một cơ hội giúp người phụ nữ vừa có thể phát triển bản thân và tận hưởng cuộc sống, đồng thời vẫn có thể duy trì khả năng sinh sản của mình. Năm 2012, Hội Y học Sinh sản Mỹ và Hội Công nghệ hỗ trợ Sinh sản (SART) loại bỏ nhãn "thử nghiệm" đối với phương pháp trữ đông noãn và đồng ý xem đây là một biện pháp phòng ngừa suy giảm khả năng sinh sản do tuổi tác. Theo đó, việc thực hiện đông lạnh noãn ở Hoa Kỳ có sự gia tăng đáng kể, cụ thể tăng 880% từ năm 2010 đến 2016 theo dữ liệu của SART và ngày nay đây được xem như một chính sách phúc lợi chăm sóc sức khỏe cho nhân viên.
 
Phương pháp trữ đông noãn cho phép bệnh nhân chủ động kiểm soát khả năng sinh sản của họ, nhưng vẫn cần được tư vấn cẩn thận nhằm đảm bảo rằng bệnh nhân được nắm đầy đủ thông tin về tỉ lệ thành công, các rủi ro liên quan cũng như những tình huống khi bệnh nhân quay trở lại sử dụng. Tuy nhiên, các dữ liệu dài hạn liên quan đến việc trữ đông và hiệu quả sử dụng vẫn còn hạn chế. Vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải quyết như bao nhiêu phụ nữ sẽ quay trở lại sử dụng noãn của mình, khi họ trữ lạnh thời điểm rất trẻ, bao nhiêu người quay lại khi đã có bạn đời, noãn lưu trữ lâu có ảnh hưởng gì đến kết quả điều trị và tỉ lệ lệch bội ở phôi.
 
Nghiên cứu được nhóm tác giả thực hiện nhằm đánh giá kết quả sử dụng noãn đã trữ lạnh ở những phụ nữ quyết định trữ noãn chủ động.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu thực hiện tại Trung tâm Sinh sản Langone của Đại học New York (Mỹ) từ 1/1/2005 đến 31/12/2009. Noãn có thể được trữ lạnh bằng phương pháp đông lạnh chậm hoặc thuỷ tinh hoá. Tuổi trung bình của bệnh nhân ở lần trữ lạnh noãn đầu tiên là 38,2 tuổi với độ tuổi dao động từ 23 đến 45 tuổi. Kết quả chính là việc sử dụng noãn sau 10–15 năm kể từ lần chọc hút đầu tiên, thời điểm mà hầu hết phụ nữ dự kiến sẽ rã đông sử dụng. Và kết quả phụ là tỉ lệ noãn sống, kết quả phôi học và tỉ lệ trẻ sinh sống.

Kết quả
Có tổng cộng 231 bệnh nhân với 280 chu kỳ đủ tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu. Độ tuổi trung bình khi chọc hút noãn là 38,2 tuổi (từ 23-45). Có 3250 noãn được trữ lạnh và cứ mỗi chu kỳ chọc hút trung bình thu được 10 noãn trưởng thành MII được trữ lạnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 88 bệnh nhân (38,1%) đã quay trở lại rã đông và sử dụng noãn của họ. Trong đó, 109 bệnh nhân (47,2%) vẫn tiếp tục lưu trữ noãn tại trung tâm, 7 bệnh nhân (3%) đã vận chuyển noãn đi nơi khác và 27 bệnh nhân (11,7%)  huỷ bỏ noãn đã trữ lạnh. Bên cạnh đó, tỉ lệ 'quay trở lại' và 'không sử dụng' là như nhau ở mọi nhóm tuổi. Đây là một ghi nhận mới, trái với nhiều giả thuyết cho rằng nhóm phụ nữ trẻ trữ noãn chủ động thường có cái nhìn rõ ràng hơn và thời gian sử dụng noãn sẽ lâu hơn so với nhóm lớn tuổi hơn.
 
Trong số 88 phụ nữ quay trở lại sử dụng noãn của họ, độ tuổi trung bình khi rã đông noãn là gần 44 tuổi (từ 38 – 50 tuổi) với thời gian trữ lạnh trung bình là 5,9 năm, đây cũng là độ tuổi mà nhiều phụ nữ không có nhiều noãn và có thể chỉ mang thai bằng cách sử dụng noãn của người hiến tặng. Đáng chú ý, có 9 bệnh nhân (10,2%) trong tình trạng vô sinh thứ phát. Mặc dù những phụ nữ này may mắn có ít nhất một con nhờ thụ thai tự nhiên hoặc các công nghệ hỗ trợ sinh sản, nhưng việc bệnh nhân vẫn còn noãn trữ đông cho phép họ có cơ hội sinh con thứ hai hoặc thứ ba từ chính noãn của mình. Do đó, trong tương lai nên đánh giá mong muốn có nhiều con ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả chi phí cũng như độ tuổi mà bệnh nhân nên cân nhắc trữ đông noãn và số lượng noãn lý tưởng mà họ nên trữ đông.
 
Một phát hiện đáng chú ý khác trong nghiên cứu là chỉ có 62,5% phụ nữ quay lại sử dụng noãn là có bạn đời, trong khi 37,5% phụ nữ sử dụng nguồn tinh trùng từ người hiến tặng. Kết quả cho thấy không phải tất cả phụ nữ quay lại sử dụng noãn của họ đều thành công. Trung bình mỗi bệnh nhân có 14,3 noãn rã đông và tỉ lệ sống sau rã vào khoảng 74,2%, bất kể tuổi của bệnh nhân và tỉ lệ thụ tinh là 68,8%. Có 20 phụ nữ trong số 88 phụ nữ không có phôi, do phôi ngừng phát triển hoặc dị bội, được khuyến cáo không nên sử dụng. Sau khi loại trừ 8 phụ nữ có sẵn phôi nguyên bội nhưng chưa chuyển vào người, có 27 phụ nữ có trẻ sinh sống trong số 80 phụ nữ đã chuyển phôi, tỉ lệ trẻ sinh sống là 33,8%. Như vậy, tỉ lệ có trẻ sinh sống không thật sự cao mặc dù con số này không có gì bất ngờ với độ tuổi trung bình là 38,2 tại thời điểm trữ đông.
 
Nghiên cứu vẫn còn những hạn chế như sự khác biệt về hiệu quả giữa phương pháp đông lạnh chậm và thuỷ tinh hoá, vấn đề hiệu quả-chi phí và phần lớn bệnh nhân không sử dụng noãn đã trữ lạnh của mình đều không cảm thấy hối tiếc về chi phí đã trả, có thể nói, trữ lạnh noãn chủ động dường như cảm thấy an tâm hơn về vấn đề có con sau này, dù có thể họ không sử dụng.

Kết luận
Phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu lưu trữ noãn từ 10-15 năm. Số liệu cho thấy bệnh nhân càng trẻ tuổi càng có tỉ lệ quay trở lại sử dụng noãn trữ đông càng thấp. Những kết quả trên có thể cung cấp thêm cho bệnh nhân những góc nhìn khi lên kế hoạch trữ lạnh noãn chủ động như hiệu quả điều trị, hiệu quả chi phí và những kỳ vọng trong tương lại. 
 
Nguồn: Blakemore, J. K., Grifo, J. A., DeVore, S. M., Hodes-Wertz, B., & Berkeley, A. S. Planned oocyte cryopreservation—10–15-year follow-up: return rates and cycle outcomes. Fertility and Sterility. 2021;115(6), 1511-1520.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK