Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 14-04-2023 10:37am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trương Thanh Ngọc IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận

Nhiễm khuẩn trong quá trình nuôi cấy phôi là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả các Labo thụ tinh trong ống nghiệm phải đối mặt. Theo các báo cáo trước đây, tần suất nhiễm vi sinh vật rơi vào khoảng từ 0,35% đến 0,86%. Mặc dù tần suất xuất hiện là dưới 1% nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến bệnh nhân không có phôi phát triển đến giai đoạn thích hợp để chuyển. Thiệt hại do nhiễm vi sinh vật trong quy trình IVF có thể trực tiếp trở thành gánh nặng tài chính lẫn tâm lý cho bệnh nhân. Với số lượng lớn các chu kỳ IVF được thực hiện trên toàn thế giới mỗi năm, không nên đánh giá thấp việc nhiễm khuẩn như một biến chứng trong chu kỳ điều trị bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản. Do đó, điều quan trọng nhất với bất kỳ Labo IVF nào là ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong quy trình nuôi cấy. Ngoài ra, phương pháp xử trí khi phôi bị nhiễm khuẩn cũng quan trọng không kém bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Hiện nay, phương pháp được sử dụng phổ biến nhất khi xảy ra nhiễm khuẩn là rửa phôi thật kỹ bằng môi trường có chứa kháng sinh như một nỗ lực để loại bỏ vi sinh vật ra khỏi bề mặt màng trong suốt của phôi. Tuy nhiên, do cấu trúc mạng lưới xốp đặc biệt của ZP bao quanh noãn nên thường rất khó để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, sự nhiễm  khuẩn có thể tái diễn ngay cả sau khi phôi đã được rửa sạch nhiều lần. Trong báo cáo này, sự tái nhiễm đã được ngăn chặn thành công bằng cách loại bỏ hoàn toàn ZP khỏi phôi bị nhiễm khuẩn.
 
Nhóm tác giả báo cáo trường hợp một bệnh nhân 31 tuổi bị tắc ống dẫn trứng được chẩn đoán vô sinh thứ phát 3 năm có phôi bị nhiễm khuẩn trong quá trình nuôi cấy. Nhóm tác giả đã can thiệp bằng biện pháp là loại bỏ hoàn toàn màng trong suốt (ZP) của phôi bị nhiễm khuẩn bằng dung dịch Tyrode có tính axit. Phôi không chứa ZP sau đó được nuôi cấy trong đĩa nuôi cấy time-lapse với 1 hợp tử trên mỗi giếng cho đến ngày thứ 5 và một phôi nang đươc lựa chọn để chuyển. Kết cục chính là đánh giá tỷ lệ thu được phôi mà không tái nhiễm vi khuẩn và đánh giá tiềm năng phát triển của các hợp tử này.
 
Cụ thể, vào ngày D0, sau chọc hút Labo IVF thu được 20 cụm noãn để thực hiện IVF cổ điển. Sau 16-20h đồng nuôi cấy (D1), tổng cộng thu được 9 hợp tử 2PN và 3 hợp tử 1PN. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận sự xuất hiện của các vệt mờ (cloudy particles) và số lượng lớn tinh trùng bất động hoàn toàn. Mẫu môi trường nuôi cấy, mẫu tinh trùng sau chuẩn bị và mẫu dịch nang được gửi đi cấy vi sinh và sự nhiễm khuẩn Klebsiella pneumoniae được xác nhận ở tất cả các hợp tử trong môi trường nuôi cấy. Hướng xử trí ban đầu là nhóm tác giả tiến hành rửa từng hợp tử nhiều lần trong môi trường G-IVF (Vitrolife, 10136) rồi nuôi cấy đơn hợp tử trên mỗi giọt trong môi trường G-1 PLUS (Vitrolife, 10099). Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn hiện diện trong tất cả các giọt nuôi cấy phôi vào chiều cùng ngày.
 
Xét thấy việc chỉ rửa đơn thuần không mang lại lợi ích tích cực, nhóm tác giả tiến hành loại bỏ ZP của một số hợp tử sau khi tư vấn bệnh nhân. Cụ thể, ZP của 7 hợp tử (6 hợp tử 2PN và 1 hợp tử 1PN) được loại bỏ bằng dung dịch Tyrode có tính axit (nhóm loại bỏ ZP) và được nuôi cấy đơn phôi trong đĩa timelapse (CultureCoin, ESCO,1821072, Singapore), trong khi 5 hợp tử còn lại và 3 noãn MII được rửa lại nhiều lần bằng môi trường G-1 PLUS và nuôi cấy thường (nhóm xử lý rửa). Trong nhóm xử lý rửa, sự tái nhiễm được ghi nhận vào ngày thứ 2 (D2), các hợp tử và noãn trong nhóm này chết vào ngày thứ 3 sau nuôi cấy.Trong khi đó, ở nhóm được loại bỏ ZP, có 2 hợp tử được phát hiện tái nhiễm vào ngày thứ 2 (D2) và chết vào ngày D3 và 5 hợp tử còn lại vẫn phát triển bình thường và không ghi nhận dấu hiệu nhiễm. Năm hợp tử này sau đó (ngày D3) được chuyển tiếp nuôi cấy trong môi trường G2-PLUS (Vitrolife, 10132) và vào ngày thứ 5 (D5), 2/5 hợp tử đã phát triển đến giai đoạn phôi nang và không ghi nhận sự tái nhiễm khuẩn. Một phôi nang đã được lựa chọn để chuyển phôi tươi trong chu kỳ này và phôi còn lại được trữ lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá. Một thai đơn trong tử cung đã được xác nhận tại thời điểm 4 tuần sau chuyển phôi. Tại thời điểm viết bài này, nhóm tác giả đã theo dõi diễn tiến thai kỳ của bệnh nhân đến giai đoạn 30 tuần và không ghi nhận bất kỳ sự nhiễm trùng tử cung nào trong thai kỳ.
 
Như vậy, có thể thấy trong báo cáo này, việc tái nhiễm vi khuẩn trên phôi đã được ngăn chặn thông qua việc loại bỏ ZP, từ đó thu hồi được phôi hữu dụng để chuyển cho bệnh nhân. Vì vậy, nhóm tác giả nhận định đây là một phương pháp mới để “giải cứu” các phôi bị nhiễm khuẩn hiệu quả để cuối cùng bệnh nhân vẫn có thể mang thai từ phôi trong đoàn hệ. Trong 1 báo cáo khác, Shu và cộng sự (2010) cũng đã loại bỏ ZP của phôi nang trữ lạnh bị nhiễm khuẩn và kết quả sau chuyển phôi vẫn là bệnh nhân mang thai thành công. Tuy nhiên, việc loại bỏ ZP trong nghiên cứu đó không được thực hiện vào ngày ghi nhận hiện tượng nhiễm khuẩn mà là ngay trước khi chuyển phôi.
 
Lý giải cho hiện tượng nhiễm khuẩn bởi K. pneumoniae thay vì chủng E. faecalis được tìm thấy trong các mẫu dịch nang, nhóm tác giả cho rằng môi trường làm việc và thao tác non-touch không chuẩn có thể là nguyên nhân gây nhiễm. Mặt khác, hướng xử lý phổ biến khi nhiễm vi khuẩn là rửa phôi nhiều lần trong môi trường có chứa kháng sinh. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn bằng cách thêm penicillin ngoại sinh (31,5 IU/mL) và Streptomycin (10 mg/mL) hoặc Gentamicin (0,15 g/L) vào môi trường rửa. Tuy nhiên, đây có thể không phải là phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa tái nhiễm ở phôi. Dữ liệu từ nghiên cứu trước đây của nhóm tác giả cũng cho thấy chỉ có 7 trong số 42 trường hợp nhiễm khuẩn có phôi để chuyển sau khi xử lý bằng phương pháp này. Kết quả của báo cáo này cho thấy việc loại bỏ hoàn toàn ZP hiệu quả trong việc loại bỏ và ngăn ngừa sự tái nhiễm khuẩn ở phôi bởi vi khuẩn có thể dễ bám vào bề mặt ZP bởi cấu trúc xốp đặc trưng.
 
Tóm lại, theo nhóm tác giả Ruiqi Li và cộng sự, việc loại bỏ hoàn toàn ZP là một phương án an toàn, hiệu quả và kịp thời để xử lý phôi bị nhiễm khuẩn. Do đó, mở ra một cơ hội cho bệnh nhân là có phôi để chuyển và ngăn ngừa những tổn thương có thể xảy ra trong quá trình đông lạnh - rã đông phôi.
 
NGUỒN:
Li, R., Du, F., Ou, S., Ouyang, N., & Wang, W. (2022). A new method to rescue embryos contaminated by bacteria. F&S Reports, 3(2), 168-171.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Novotel Saigon Centre, Thứ Bảy ngày 2 . 11 . 2024

Năm 2020

JW Marriott Hotel & Suites Saigon (InterContinental Saigon), Chủ nhật ngày ...

Năm 2020

Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 22 tháng 9 năm 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK