Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 11-07-2022 8:15am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê  Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là một trong những phương pháp điều trị vô sinh đầu tay cho các cặp vợ chồng bị vô sinh nam nhẹ và không rõ nguyên nhân. Các thông số chất lượng tinh trùng có ảnh hưởng đáng kể đến sự thành công của IUI và cho đến hiện tại đã có rất nhiều kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng khác nhau được mô tả. Mục đích của việc chuẩn bị tinh trùng là tối đa hóa số lượng của tinh trùng di động và loại bỏ huyết tương, mảnh vụn tế bào, prostaglandin và các chất độc hại khác có thể gây co thắt tử cung và nhiễm khuẩn. Hơn thế nữa, các phương pháp chuẩn bị tinh trùng cho phép loại bỏ tinh trùng bất động, bạch cầu và tinh trùng non ra khỏi thể tích mẫu dùng cho điều trị. Do đó, kỹ thuật này sẽ cho phép chuyển một số lượng tối ưu các tinh trùng với hình thái bình thường và khả năng di động tốt vào buồng tử cung. Các phương pháp chuẩn bị tinh trùng truyền thống được sử dụng rộng rãi tại đa số các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới sẽ bao gồm nhiều bước lọc rửa và ly tâm, trong đó phải kể đến một số phương pháp được sử dụng phổ biến như swim-up trực tiếp (DSW), swim-up từ cặn lắng (CSW) và phương pháp gradient nồng độ (DGC). Những phương pháp lọc rửa tinh trùng này dự kiến sẽ cung cấp ít nhất năm triệu tinh trùng di động để sử dụng cho IUI. Đây cũng là số lượng tinh trùng di động cần thiết cho quá trình thụ tinh trong ống dẫn trứng.
 
Phương pháp lọc rửa tinh trùng lý tưởng cần đảm bảo chọn được nhiều tinh trùng di động có chất lượng tốt, bảo toàn điều kiện sinh lý và cho phép loại bỏ tế bào chết, vi sinh vật và các gốc oxy hóa phản ứng (ROS). Các phương pháp này cũng không được gây ra những tổn thương không thể phục hồi ở màng tinh trùng, đảm bảo xử lý nhanh chóng lượng lớn tinh dịch với giá thành hợp lý. Kỹ thuật swim-up là một phương pháp dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí và cho mẫu tinh trùng thu được sau lọc rửa có khả năng di động tốt. Bên cạnh đó, phương pháp DGC cho phép tách tinh trùng di động ra khỏi tinh tương và giúp loại bỏ phần lớn bạch cầu và làm giảm đáng kể các gốc oxy phản ứng. Đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành để so sánh tính hiệu quả giữa DGC và SU hoặc giữa việc kết hợp cả hai so với chỉ thực hiện một phương pháp lọc rửa đơn thuần, tuy nhiên một phân tích tổng hợp vào năm 2019 lại cho rằng không có đủ bằng chứng để chỉ ra tính ưu việt của bất kỳ kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng nào. Ngoài ra, cho đến nay vẫn không có nghiên cứu nào khẳng định được sự khác biệt giữa các kỹ thuật lọc rửa tinh trùng trong các trường hợp mang thai lâm sàng, đa thai và sẩy thai. Vì vậy, nghiên cứu hồi cứu của nhóm tác giả đã được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra mối quan hệ giữa hai phương pháp chuẩn bị tinh trùng là CSW (Conventional Swim-up) và DGC-SW (Density Gradient-Swim up) được sử dụng ở bệnh nhân IUI trong vòng tám năm đối với tỉ lệ mang thai và tỉ lệ trẻ sinh sống.
 
Phương pháp
Đây là nghiên cứu hồi cứu cắt ngang được thực hiện tại Trung tâm vô sinh của Đại học Pamukkale (Denizli, Thổ Nhĩ Kỳ) trong số những bệnh nhân đăng ký IUI trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2020. Những trường hợp bị loại khỏi nhóm dữ liệu bao gồm phụ nữ trên 40 tuổi, mẫu xuất tinh ngược dòng, oligospermia (số lượng tinh trùng < 5 triệu/mL) và leukocytospermia (số lượng bạch cầu trong tinh dịch ≥ 1 triệu/mL). Dữ liệu về phương pháp chuẩn bị tinh trùng, các thông số tinh trùng sau lọc rửa, tỉ lệ mang thai và tỉ lệ sinh sống được thu thập và phân tích.
 
Kết quả
  • Có 745 trong số 797 bệnh nhân IUI được đưa vào nghiên cứu. 52 bệnh nhân còn lại bị loại vì không đáp ứng được tiêu chí lựa chọn. Tổng cộng có 384 mẫu tinh dịch được chuẩn bị bằng phương pháp CSW và 361 mẫu được chuẩn bị bằng phương pháp DGC-SW thu từ những người đàn ông đăng ký thực hiện IUI đã được phân tích.
  • Ở cả hai nhóm CSW và DGC-SW, số lượng tinh trùng di động tiến tới trước lọc rửa cao hơn đáng kể ở các cặp vợ chồng có thai (lần lượt là p = 0,032, p = 0,035). Trong mỗi nhóm, tổng số lượng tinh trùng di động tiến tới sau lọc rửa bằng phương pháp CSW và DGC-SW cũng cao hơn đáng kể ở những trường hợp mang thai (p <0,05). Mặc khác, nghiên cứu này cũng không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa phương pháp CSW và DGC-SW về tỉ lệ mang thai (p = 0,399). Ngoài ra, tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ sẩy thai cũng không khác nhau giữa hai nhóm (p = 0,243).
 
Kết luận
Kết quả nổi bật của nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa CSW và DGC-SW về tỉ lệ mang thai và tỉ lệ trẻ sinh sống. Nghiên cứu này có một số hạn chế như việc đánh giá tổng tinh trùng di động tiến tới chỉ được thực hiện cho mẫu sau lọc rửa và không bao gồm việc đánh giá sự phân mảnh DNA tinh trùng. Mặc dù cũng đã có những nghiên cứu trước đây so sánh tỷ lệ mang thai của các kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng, nhưng nghiên cứu trên vẫn là  một nghiên cứu hồi cứu đầu tiên với cỡ mẫu lớn bao gồm 745 bệnh nhân IUI với các tiêu chí đầu vào nghiêm ngặt và so sánh được tỉ lệ mang thai, cũng như tỉ lệ trẻ sinh sống của các phương pháp lọc rửa. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy cả hai kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng được sử dụng trong IUI không vượt trội hơn nhau. Nói cách khác, việc lựa chọn phương pháp chuẩn bị tinh trùng không ảnh hưởng đến tỉ lệ có thai ở các cặp vợ chồng thực hiện IUI.
 
Nguồn: Çil, N., Kabukçu, C., Çabuş, Ü., Turan, T., & Mete, G. A. Retrospective comparison of the semen preparation techniques for intrauterine insemination: Swim-up versus density gradient method. Journal of Gynecology Obstetrics and Human Reproduction. 2022. 51(3), 102321.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK