Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 10-04-2022 10:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trương Thanh Ngọc – IVFMD PN
 
Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (TTON) nhìn chung gồm 4 giai đoạn: giai đoạn kích thích buồng trứng, giai đoạn tạo phôi tại Labo IVF, giai đoạn hỗ trợ hoàng thể và chuyển phôi. Do đó, có thể nói hiệu suất dưới mức tối ưu ở bất kỳ bước nào kể trên đều làm giảm cơ hội làm tổ và ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sinh sống. Có nhiều lý do dẫn đến thất bại trong một chu kỳ TTON nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là phôi lệch bội (Embryo Aneuploidy – EA) bởi nó gây ra hiện tượng ngừng phát triển ở phôi, phôi làm tổ không thành công và dẫn đến sẩy thai. Vì vậy, sau nhiều chu kỳ chuyển phôi thất bại, chẩn đoán thất bại làm tổ nhiều lần (Recurrent Implantation Failure – RIF) nên được lưu ý khi chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung hoặc khi cân nhắc thay đổi phác đồ điều trị. Bất kỳ định nghĩa nào về RIF mà không xét đến tính nguyên bội của phôi được chuyển hay tuổi mẹ tại thời điểm chọc hút là sẽ không đầy đủ và thiếu chính xác. Bởi tuổi mẹ được biết đến là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tỷ lệ lệch bội ở phôi và sự đa dạng về tỷ lệ này ở các nhóm phụ nữ với độ tuổi khác nhau đã được chứng minh trong các nghiên cứu. Dựa trên cơ sở đó, việc dự đoán số phôi sẽ làm tổ thất bại ở một phụ nữ là khả thi trước khi quy kết là do nguyên nhân khác, không phải do EA ở một độ tuổi nhất định.
 
Bài nghiên cứu này đưa ra một phương pháp tính tổng số phôi nang được chuyển cho một phụ nữ để cung cấp xác suất làm tổ cộng dồn được xác định trước với giả định rằng các lần thất bại làm tổ chỉ do EA.
 
Nhóm nghiên cứu ước tính tỷ lệ làm tổ cộng dồn trên n số phôi nang với xác suất làm tổ trên mỗi phôi nang được chuyển. Được biết, tỷ lệ nguyên bội của phôi nang có liên quan đến tuổi mẹ; trong khi đó, xác suất làm tổ của phôi nang nguyên bội (euploid blastocyst – EB) được báo cáo là không phụ thuộc vào tuổi mẹ và nằm trong khoảng từ 45-65%. Vì vậy, bài nghiên cứu giả định rằng xác suất nguyên bội của mỗi phôi nang sẽ phụ thuộc vào tuổi mẹ và tỷ lệ làm tổ phụ thuộc tình trạng nguyên bội của phôi. Tỷ lệ làm tổ cộng dồn cho từng độ tuổi được tính toán với hàm khối xác suất (probability mass function) như sau:

k: số lần làm tổ mong muốn (ít nhất 1 lần)
p: xác suất kết hợp của sự làm tổ (joint probability) được tính bằng “tỷ lệ nguyên bội ở độ tuổi tương ứng” x “tỷ lệ làm tổ của 1 phôi nguyên bội + 1% xác suất phôi lệch bội” (p = paneuploid x 0,01 + peuploid x pi)
 
Kết quả được mô phỏng cho tỷ lệ làm tổ lần lượt là 45%, 55% và 65% cho mỗi phôi nguyên bội.
  • Phụ nữ dưới 35 tuổi đạt 95% xác suất làm tổ cộng dồn của ít nhất một phôi nang sau khi chuyển 7 phôi nang với tỷ lệ làm tổ phôi nguyên bội ở khoảng 45-55% và sau khi chuyển 6 phôi nang thì tỉ lệ làm tổ cho 1 EB là 65%.
  • Số phôi nang cần để đạt được ngưỡng tỷ lệ như trên sẽ cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi hơn. Phụ nữ trên 38 tuổi sẽ phải có nhiều hơn 10 phôi nang được chuyển và số phôi này sẽ nhiều hơn nữa đối với phụ nữ từ 42 tuổi để đạt được tất cả giả định về tỷ lệ làm tổ.
 
Vì vậy, nếu tỷ lệ làm tổ của một EB được cho là 55% thì 3-4 phôi nang sẽ đủ để đạt xác suất cao hơn 90 - 95%. Theo như một báo cáo gần đây thì 3 lần chuyển phôi nguyên bội là đủ cho hầu hết phụ nữ để đạt xác suất 95%. Như vậy, các trung tâm IVF có thể lưu trữ dữ liệu về tỷ lệ EB quan sát được ở mỗi một độ tuổi, thiết lập ngưỡng xác suất làm tổ cộng dồn để chẩn đoán RIF và tính toán số phôi nang cần để đạt được ngưỡng giá trị đó dựa trên cơ sở dữ liệu và thực hành lâm sàng tại chỗ.
 
Bài nghiên cứu đã đưa ra một mô hình thống kê trên cơ sở tỷ lệ EB liên quan đến tuổi mẹ để tính số lượng phôi nang cần được chuyển cho một phụ nữ để đạt xác suất làm tổ cộng dồn với giả định rằng EA là lý do duy nhất dẫn đến làm tổ thất bại. Điều này có thể sẽ giúp tăng chất lượng nghiên cứu và thúc đẩy việc khám phá các yếu tố khác ảnh hưởng quá trình làm tổ cũng như tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Ngoài ra, các kiến thức về dự đoán tỷ lệ phôi lệch bội ở phôi của một cặp vợ chồng có liên quan đến sự làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi sẽ giúp họ hiểu được lý do có thể nhất dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, một số hạn chế của nghiên cứu là chưa mô tả đầy đủ các thực tế lâm sàng vì tuổi là được cho là yếu tố duy nhất cho EA và tỷ lệ làm tổ không đổi trong các thử nghiệm liên tiếp. Thêm vào đó, nhóm tác giả đã bỏ qua dữ liệu chuyển phôi giai đoạn phân chia do kết quả sàng lọc nhiễm sắc thể toàn diện không có sẵn cho những phôi này.
 
Tóm lại, nghiên cứu này muốn nhấn mạnh rằng định nghĩa RIF không nên chỉ phụ thuộc vào tuổi mẹ và tỷ lệ phôi nguyên bội bởi EA mới là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sự thất bại làm tổ. Hơn nữa, việc chẩn đoán sớm RIF có thể dẫn đến sự tiêu tốn kinh phí, hao hụt tinh thần và giảm xác suất thành công cho chu kỳ TTON tiếp theo.
 
Nguồn: Ata, B., Kalafat, E., & Somigliana, E. (2021). A new definition of recurrent implantation failure on the basis of anticipated blastocyst aneuploidy rates across female age. Fertility and Sterility, 116(5), 1320-1327.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK