Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-04-2022 4:58pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- IVFMD Phú Nhuận- Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Sẩy thai là một trong những vấn đề đáng lo ngại trong hỗ trợ sinh sản, gây căng thẳng cho bệnh nhân và cả bác sĩ. Một số nghiên cứu cho thấy lệch bội là nguyên nhân chính gây sẩy thai từ đó gây thất bại trong chu kỳ điều trị IVF. Vì vậy, lựa chọn phôi nguyên bội bằng kỹ thuật PGT-A ngày càng được thực hiện phổ biến nhằm lựa chọn được phôi nguyên bội để chuyển giúp cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.
 
Trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có tương quan thuận với tỉ lệ sẩy thai ở nữ giới khi so sánh với nữ giới không béo phì, không đánh giá thêm về đề kháng insulin. Điều thú vị là khi phân tích những sản phẩm phụ của thai ở phụ nữ thừa cân và béo phì, nhiều nghiên cứu thấy rằng không có sự khác biệt về tỉ lệ lệch bội giữa 2 nhóm. Để xác thực thêm giả thuyết về tỉ lệ lệch bội cao không phải là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ sẩy thai ở những bệnh nhân có BMI cao, phôi từ những bệnh nhân này đã được sinh thiết và sàng lọc để phân tích nhiễm sắc thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt nào về tỉ lệ lệch bội ở phụ nữ có BMI cao với phụ nữ có BMI bình thường, kết quả này cho thấy tác động tiêu cực của thừa cân, béo phì lên kết quả điều trị IVF có lẽ không liên quan đến lệch bội. Bên cạnh đó, tỉ lệ sẩy thai cao hơn cũng được quan sát thấy sau khi chuyển phôi nguyên bội ở những phụ nữ thừa cân, béo phì. Trên thực tế, phôi lệch bội không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sẩy thai, bằng chứng là một số bệnh nhân vẫn có kết cục sẩy thai trong chu kỳ thực hiện PGT-A và chuyển phôi nguyên bội. Do đó, María del Carmen Nogales và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá liệu rằng bên cạnh phôi lệch bội thì yếu tố nào có thể liên quan đến nguy cơ sẩy thai.
 
Nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm thực hiện trên 2832 bệnh nhân thực hiện PGT-A do sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss – RPL), thất bại làm tổ nhiều lần (repeated implantation failure – RIF), bệnh nhân lớn tuổi (advanced maternal age – AMA) hay vô sinh do yếu tố nam nặng từ năm 2017 đến năm 2019. RPL được định nghĩa là sẩy thai từ hai hoặc lớn hơn hai lần trước khi thai được 20 tuần, RIF được định nghĩa là trường hợp không có túi thai trên siêu âm sau khi chuyển ít nhất bốn phôi chất lượng tốt trong ít nhất ba chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi đông lạnh ở phụ nữ dưới 40 tuổi, AMA áp dụng cho những phụ nữ > 37 tuổi, và vô sinh nam nặng bao gồm những trường hợp azoospermia (tắc hoặc không do tắc) và OAT nặng (mật độ < 1x106 tinh trùng/ ml, di động < 10% và hình dạng < 4%). Bệnh nhân chuyển đơn phôi nguyên bội trong chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên được nhận vào nghiên cứu. Các chu kỳ chuyển phôi khảm cũng bị loại khỏi nghiên cứu do các bằng chứng trước đó cho thấy rằng chuyển phôi khảm làm giảm khả năng làm tổ và tăng tỉ lệ sẩy thai cho bệnh nhân.
 
Trong tổng số 2832 chu kỳ điều trị thực hiện PGT-A tham gia nghiên cứu, độ tuổi trung bình của nữ giới là 38,2 ± 3,5 tuổi và của nam giới là 40,1 ± 5,5 tuổi. Số lượng noãn thu nhận trung bình là 11,9 ± 7,9 noãn với số noãn trưởng thành trung bình là 11,9 ± 7,9 noãn và số noãn thụ tinh trung bình là 8,3 ± 4,7 noãn. Số lượng phôi nang được sinh thiết trung bình và số lượng phôi nang nguyên bội trung bình tương ứng là 4,1 ± 2,8 phôi và 2,1 ± 1,6 phôi. Tỉ lệ thai lâm sàng là 59,1%, tỉ lệ làm tổ là 59,1%, tỉ lệ sẩy thai là 13,1% và tỉ lệ sinh sống là 45,3%. Nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về tỉ lệ sẩy thai giữa các nhóm chất lượng phôi khác nhau: chất lượng tốt = 11,3%, chất lượng khá = 12,8%, chất lượng trung bình = 11,8% và chất lượng kém = 12,5%, p= 0,83. Điều thú vị là trong khi tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng bị ảnh hưởng bởi chất lượng phôi (p < 0,001) thì tỉ lệ sẩy thai lại không bị ảnh hưởng.
 
Nghiên cứu thực hiện phân tích hồi quy logistic để đánh giá thêm các yếu tố phôi học và các yếu tố lâm sàng khác để xem liệu những yếu tố này có tác động đến tỉ lệ sẩy thai sau chuyển phôi đơn bội hay không. Kết quả nghiên cứu thấy rằng khi BMI tăng có tương quan với tỉ lệ sẩy thai tăng cao (OD = 1,04, KTC 95% = 1,012 – 1,076, p = 0,006). Nghiên cứu chia BMI của bệnh nhân thành 4 nhóm dựa theo tiêu chuẩn của WHO bao gồm: nhóm nhẹ cân (< 18,5 kg; n = 69), nhóm cân nặng bình thường (18,5 – 24,9 kg; n = 1011), nhóm thừa cân (25–29,9 kg; n = 276), và nhóm béo phì (≥ 30 kg; n = 120). Tỉ lệ sẩy thai được thể hiện bằng phân tích hồi quy logistic cao hơn đáng kể ở những phụ nữ béo phì so với phụ nữ có cân nặng bình thường, tương ứng ở 4 nhóm nhẹ cân, cân nặng bình thường, thừa cân và béo phì là 13,4%; 12,1%; 14,5% và 19,2%  (p < 0,05). Đánh giá dựa trên chu kỳ chuẩn bị nội mạc tử cung cho thấy có sự khác biệt về tỉ lệ sẩy thai giữa chu kỳ tự nhiên và chu kỳ sử dụng hormone thay thế (9,1% so với 13,1%; p = 0,03). Tuy nhiên, không có sự khác biệt về tỉ lệ làm tổ (58,1% so với 59,1%, p = 0,81), tỉ lệ thai lâm sàng (58,1% so với 59,1%, p = 0,12) và tỉ lệ sinh sống (47,4% so với 45,2%, p = 0,36) giữa hai nhóm. Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn thấy rằng độ dày nội mạc tử cung cũng có liên quan đến tỉ lệ sẩy thai (OD = 0,65, KTC 95% = 0,528 – 0,778, p = 0,04) và bệnh nhân có nội mạc tử cung dày hơn sẽ có kết quả lâm sàng tốt hơn so với những bệnh nhân có nội mạc tử cung mỏng. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn thấy rằng các biến số khác như ngày sinh thiết, tuổi tác của nam giới và nữ giới, thời gian vô sinh,… không có tương quan với tỉ lệ sẩy thai.
 
Như vậy, nghiên cứu cho thấy rằng BMI có liên quan đáng kể với tỉ lệ sẩy thai ở những bệnh nhân chuyển phôi nguyên bội. Ngoài ra, độ dày nội mạc tử cung và cách chuẩn bị nội mạc tử cung cũng có liên quan đến tỉ lệ sẩy thai. Nghiên cứu giúp cung cấp thêm chứng cứ y văn trong thực hành chuyển phôi nguyên bội sau PGT-A.
 
Nguồn: María del Carmen Nogales và cộng sự, 2021. Association between clinical and IVF laboratory parameters and miscarriage after single euploid embryo transfers. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-021-00870-6

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK