Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 24-01-2022 7:18am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Minh Phượng – IVFMD Tân Bình

Trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, lựa chọn phôi được tiến hành dựa trên kinh nghiệm cũng như quy trình tại nơi đó. Ban đầu phôi được chuyển ở giai đoạn phân chia, với sự phát triển của hệ thống nuôi cấy, trường hợp thai diễn tiến sau khi chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang được báo cáo vào năm 1995 và đây dần trở thành một xu hướng. Khả năng phát triển lâu hơn là một yếu tố chứng minh khả năng phát triển của phôi giúp tăng khả năng thành công. Tuy nhiên với thời gian nuôi cấy in vitro kéo dài, các yếu tố ngoại sinh có thể gây ảnh hưởng tới phôi. Để lựa chọn phôi, hiện nay hệ thống đánh giá chủ yếu được phát triển dựa trên mô hình của Gardner và Schoolcraft. Đánh giá tập trung vào các biến hình thái học ở giai đoạn phôi nang.
 
Bên cạnh đó, đánh giá động học thông qua hệ thống time-lapse trong đánh giá phôi cũng được sử dụng phổ biến, nhưng chủ yếu được thực hiện ở giai đoạn phôi phân chia. Kỹ thuật này giúp tạo ra sự đồng nhất trong đánh giá phôi. Bên cạnh đó, cùng với các biến đánh giá phôi thông qua hình thái (mức độ phân mảnh, số lượng phôi bào, đa nhân) giúp cung cấp thêm thông tin cho quyết định lựa chọn phôi chuyển. Tuy vậy, rất ít nghiên cứu đánh giá phôi nang thông qua time-lapse, cho đến hiện nay hầu hết lựa chọn phôi nang chủ yếu dựa trên hình thái (TE, ICM và độ nở rộng). Mặc dù mối liên hệ giữa ngày 3 và ngày 5 giúp dự đoán tiềm năng làm tổ và thai diễn tiến tuy nhiên lại không được đánh giá. Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích đánh giá giá trị dự đoán bổ sung của quá trình phát triển phôi giai đoạn phôi nang kết hợp với các thông số hình thái ngày 3 và ngày 5 hiện có.
 
Đây là một nghiên cứu hồi cứu (2020) được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017 tại bệnh viện đại học Ghent. Có tổng số 996 chu kỳ IVF/ICSI được thực hiện lần đầu tiên, chuyển một phôi nang ngày 5. Đánh giá phôi giai đoạn ngày 3, ngày 5 dựa trên hướng dẫn của đồng thuận Alpha/ESHRE và hệ thống tính điểm của Gardner và Schoolcraft, được chia thành các nhóm phôi xuất sắc, tốt, trung bình và kém.
 
Một số kết quả thu nhận được:
  • Khi chuyển phôi vào ngày 5, tỷ lệ thai diễn tiến (OPR) của phôi xuất sắc là 37,4%. Phân tích đơn biến cho thấy rằng vào ngày thứ 5, các yếu tố: độ nở rộng, ICM và TE đều liên quan tới tỷ lệ OPR, trong đó ICM được nhận thấy là yếu tố tiên lượng mạnh mẽ nhất.
  • Sự phát triển của phôi từ ngày 3 lên ngày 5 chỉ có 21% (219/996) giữ nguyên chất lượng của chúng và khi đó có chất lượng ổn định tỷ lệ OPR đạt khoảng 30%.
  • Tỷ lệ OPR cao hơn ở nhóm có cải thiện chất lượng so với nhóm không thay đổi chất lượng phôi trong quá trình phát triển từ ngày 3 lên ngày 5 (chất lượng trung bình ngày 3 phát triển thành phôi tốt ngày 5: 50%, phôi kém ngày 3 lên phôi xuất sắc ngày 5: 42%).
 
Kết quả của nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thai diễn tiến cao hơn khi chuyển các phôi có sự cải thiện chất lượng từ ngày 3 lên ngày 5, qua đó có thể được coi là một yếu tố bổ trợ để chọn lựa phôi nang khi các phôi nang đều có chất lượng tốt như nhau.
 
Nguồn: Blank, C., DeCroo, I., Weyers, B., Van Avermaet, L., Tilleman, K., van Rumste, M., ... & Schoot, B. C. (2020). Improvement instead of stability in embryo quality between day 3-5: A possible extra predictor for blastocyst selection. European Journal of Obstetrics & Gynecology and Reproductive Biology, 253, 198-205.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK